25/11/2011 08:25 GMT+7

Xăng dầu: bộ nói lãi, bộ kêu lỗ

ÁNH HỒNG - TRẦN VŨ NGHI
ÁNH HỒNG - TRẦN VŨ NGHI

TT - Diễn biến bất ngờ tại phiên chất vấn trước Quốc hội trong ngày 24-11 là khi nói về việc kinh doanh xăng dầu giai đoạn 2008-2010, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định có lãi thì Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng phản ứng ngay: bị lỗ!

Và Bộ trưởng Huệ đã khúc chiết phân tích chuyện lỗ lãi của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

oIg78W5j.jpgPhóng to
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ - Ảnh: V.DŨNG

Phần đăng đàn trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ chiều 24-11 đã “làm nóng” không khí nghị trường với hai vấn đề là cơ chế điều hành giá điện và giá xăng dầu.

Dẫn ra những thông tin bất nhất của Tổng công ty Xăng dầu VN (Petrolimex) như liên tục kêu lỗ nhưng lại lòi ra lãi, các đại biểu đã yêu cầu người đứng đầu Bộ Tài chính phải có câu trả lời xem Petrolimex thời gian qua lỗ hay lãi. Đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) còn yêu cầu Bộ Tài chính công khai kết quả kiểm tra tại một số đơn vị kinh doanh xăng dầu trên cả nước xem thực hư thế nào, giá bán lẻ đã đúng chưa.

Doanh nghiệp xăng dầu không lỗ!

Thẳng thắn, ông Huệ khẳng định Petrolimex có lãi. Dẫn báo cáo kết quả kiểm toán trong ba năm liền, Bộ trưởng Huệ cho hay năm 2008 Petrolimex đã lãi 913,7 tỉ đồng, trong đó kinh doanh xăng dầu lãi 642 tỉ đồng. Năm 2009 lãi 3.217 tỉ đồng, trong đó kinh doanh xăng dầu lãi 2.660 tỉ đồng. Riêng năm 2010 doanh nghiệp này lãi 314 tỉ đồng, trong đó xăng dầu lỗ 172 tỉ đồng nhưng các ngành khác lại lãi gần 486 tỉ đồng. “Cho nên tính tổng lại thì xăng dầu vẫn lãi, và trong ba năm Petrolimex đều có lãi cả” - Bộ trưởng Huệ khẳng định.

Năm 2012, giá điện tăng 4,6%

Theo ông Huệ, kịch bản điều hành giá điện năm 2012 sẽ theo nguyên tắc thị trường để bù đắp chi phí cho nhà đầu tư. Giá thành của điện năm 2012 thống nhất xác định theo giá thành của năm 2011 và các chi phí đầu vào, chi phí chênh lệch tỉ giá được tính theo ngày 15-9-2011. Với tính toán này, giá thành điện sẽ là 1.242 đồng/kWh, tăng 4,6% so với hiện nay. Đồng thời, toàn bộ điện bán cho hộ nghèo và thu nhập thấp vẫn giữ nguyên như mức hiện tại, kể cả khoản hỗ trợ 30.000 đồng/tháng từ ngân sách.

“Chính phủ đã phải rất cân nhắc trong việc điều hành giá bán điện, bởi nếu tính đúng, tính đủ, giá đã lên mức rất cao” - ông Huệ cho biết.

Cũng theo ông Huệ, nếu không có biến động tỉ giá đầu năm 2011, đồng thời các đầu mối xăng dầu chấp hành đúng các định mức về bán hàng thì không thể có chuyện lỗ trong kinh doanh xăng dầu. “Tình hình lỗ lãi của các doanh nghiệp xăng dầu bộ sẽ có báo cáo cụ thể sau khi hoàn tất quá trình kiểm tra” - Bộ trưởng Huệ cho biết.

Thế nhưng, dẫn chứng này của ông Huệ bị Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng phản bác lại ngay sau đó. Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, khi tiến hành cổ phần hóa, theo quy định Petrolimex phải công khai tất cả các kết quả sản xuất kinh doanh. Theo đó, trong ba năm từ 2008-2010, tính về tổng thể, doanh nghiệp này có lãi, nhưng riêng kinh doanh xăng dầu bị lỗ. Tuy nhiên, do doanh nghiệp này không giải thích cặn kẽ, chi tiết đã khiến dư luận hiểu nhầm là kinh doanh xăng dầu có lãi.

Trước diễn biến kịch tính này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu ông Huệ cho biết “việc lỗ lã của xăng dầu thế nào?”.

Ông Huệ khẳng định các số liệu ông nêu đều đã được kiểm toán: chỉ có năm 2010 kinh doanh xăng dầu lỗ, còn năm 2008, 2009 có cả lỗ, cả lãi của xăng dầu (khác với thông tin ông Huệ nêu trước đó là năm 2008, 2009 đều có lãi - PV).

Còn đến tháng 6-2011, số lỗ của toàn tổng công ty (chỉ tính riêng về xăng dầu) là 1.800 tỉ đồng, trong đó của công ty mẹ là khoảng 1.600 tỉ đồng. Riêng khoản lỗ từ chênh lệch tỉ giá là 1.430 tỉ đồng do tháng 3-2011 điều chỉnh tỉ giá 9,3%. Nếu loại trừ khoản lỗ về tỉ giá này, đến tháng 6-2011 tổng công ty đã sử dụng các chi phí kinh doanh cao hơn định mức khoảng 520 tỉ đồng. Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, “nếu các doanh nghiệp đầu mối chấp hành nghiêm chỉnh việc chiết khấu hoa hồng cho đại lý ở mức 600 đồng/lít thì hoàn toàn không có chuyện kinh doanh xăng dầu bị lỗ”.

Điện: năm 2011 lỗ 3.540 tỉ đồng

Trước đó, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã trả lời các chất vấn về giá điện. Tuy nhiên cũng như những vị bộ trưởng đăng đàn trước, trước khi đề cập vấn đề nhạy cảm là tăng giá điện, ông Huệ đã nhắc lại nguyên tắc quản lý điều hành giá điện, xăng dầu, than, dịch vụ công và các mặt hàng thiết yếu khác. Từ đó ông khẳng định “khi đã là cơ chế thị trường, giá cả sẽ không thể tiếp tục bao cấp”.

Tuy nhiên theo ông, thực tế hiện nay giá điện đang bao cấp cho một số lĩnh vực như sản xuất thép, ximăng; riêng lĩnh vực sản xuất thép, điện đã bao cấp tới 2.547 tỉ đồng. Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, năm 2010 EVN lỗ tổng cộng hơn 23.500 tỉ đồng. Năm 2011, kế hoạch lỗ của EVN, tính riêng về điện, là trên 11.000 tỉ đồng. Chín tháng đầu năm 2011, lỗ thực của sản xuất điện là 680 tỉ đồng. Số lỗ đáng lẽ chỉ dừng lại ở mức nói trên nếu EVN không bị rơi vào tình trạng phải mua dầu giá cao cho hai nhà máy điện chạy khí (nhưng bị cắt khí) vận hành, làm phát sinh 2.655 tỉ đồng thời điểm tháng 9 và 10-2011. Như vậy, khoản lỗ dự kiến của EVN trong năm 2011 ở mức khoảng 3.540 tỉ đồng.

________________

ZsNMCpRB.jpgPhóng to
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình - Ảnh: V.DŨNG

Đăng đàn cuối cùng trong ngày 24-11, trong quỹ thời gian ít ỏi, nhưng Thống đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã đưa ra được nhiều thông điệp quan trọng về định hướng điều hành lãi suất sắp tới cũng như lộ trình tái cơ cấu hệ thống NH.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu): “Đến nay hệ thống NH VN có bao nhiêu phần trăm thành viên kém cần giám sát chặt chẽ?”, ông Bình dẫn ra số liệu trong 37 NH thương mại cổ phần hiện nay, chỉ có tám NH quy mô nhỏ và hoạt động chưa lành mạnh. Ông khẳng định “tỉ trọng NH hoạt động yếu kém hiện không quá 5%”. Thống đốc cho biết NH Nhà nước đã hoàn thành xong việc chuẩn bị đề án tái cấu trúc hệ thống NH và sắp báo cáo Chính phủ để trình Bộ Chính trị.

Dẫn hình ảnh “ném chuột không được vỡ bình”, ông Bình khẳng định quan điểm xuyên suốt của NH Nhà nước khi thực hiện tái cấu trúc là không được để xảy ra đổ vỡ, đồng thời phải đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền và người sử dụng dịch vụ NH. NH Nhà nước cũng đề ra mục tiêu trong năm năm tới hệ thống sẽ có hai NH có đủ sức để cạnh tranh trong khu vực, khoảng 10 NH đủ lớn để làm trụ cột cho hệ thống. Ngoài ra, sẽ có những NH nhỏ nhưng lành mạnh hoạt động trong những phân khúc nhất định.

Trả lời về hướng điều hành trần lãi suất huy động, ông Bình thừa nhận người gửi tiền những tháng đầu năm bị thiệt thòi do lạm phát những tháng đầu năm tăng cao hơn rất nhiều so với dự kiến, trong khi trần lãi suất huy động thiếu tính linh hoạt. Tuy nhiên, từ tháng 8 đến nay tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng chậm lại, do vậy trong hoàn cảnh hiện nay trần lãi suất này hoàn toàn phù hợp. “Nếu lạm phát tháng 11 xuống dưới 1%, chúng ta có điều kiện xem xét giảm trần lãi suất huy động” - ông Bình khẳng định.

Dự kiến trong sáng nay (25-11), ông Bình trả lời các chất vấn của đại biểu xoay quanh trách nhiệm của NH Nhà nước khi quy định trần lãi suất huy động nhưng lại để các NH lách trần, lãi suất cho vay ngoại tệ có bất bình thường không, thông điệp điều hành lãi suất sắp tới cũng như liệu NH Nhà nước có tiếp tục đeo đuổi chính sách lãi suất thực dương hay không.

* Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai):

Chủ tịch Quốc hội mang phong cách điều hành Chính phủ

Tôi cho rằng Chủ tịch Quốc hội vẫn mang phong cách điều hành ở bên Chính phủ, thể hiện ở việc ông hay cắt ngang câu hỏi của đại biểu. Tôi nghĩ rằng Chủ tịch Quốc hội không nên can thiệp vào cách đặt câu hỏi của đại biểu khi người ta không vi phạm thời gian quy định của Quốc hội. Mỗi người có cách đặt vấn đề khác nhau và chất lượng câu hỏi thấp hay cao thì đại biểu chịu trách nhiệm. Mối quan hệ trong Quốc hội không phải là quan hệ cấp trên, cấp dưới.

* Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội):

Nên để đại biểu hỏi hết 2 phút

Tôi đã ghi giấy góp ý gửi cho Chủ tịch Quốc hội, rằng không nên ngắt lời đại biểu. Ngay đầu giờ chất vấn sáng 24-11, Chủ tịch Quốc hội đã ghi nhận và phát biểu về điều này. Tuy nhiên, tôi vẫn gửi góp ý và nhận xét kỳ họp. Trong hai phút, nếu cắt ngang, đại biểu phải dừng lại, mất mấy giây và có thể bị lúng túng. Tôi chuẩn bị kỹ, Chủ tịch Quốc hội ngắt thì tôi cũng phải dừng lại, nhưng nếu nói theo ý của Chủ tịch Quốc hội thì bản thân tôi cũng không hiểu câu hỏi, tôi vẫn phải nói theo cách cũ, nên có thể lâu hơn.

Tuy nhiên theo tôi, về cơ bản Chủ tịch Quốc hội điều hành kỳ này rất hay, giữ để chất vấn có trọng tâm, tôi đánh giá rất cao.

* Đại biểu Lê Thị Nga (phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp):

Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã trả lời tốt

Tôi đánh giá cao trả lời của Bộ trưởng Vương Đình Huệ. Bộ trưởng nắm vững vấn đề và thể hiện rõ quan điểm của mình trước các câu hỏi mà đại biểu nêu ra. Các đại biểu Quốc hội không phải là người am hiểu tường tận tất cả các vấn đề, vì vậy những thông tin do bộ trưởng đưa ra phụ thuộc vào việc đại biểu có tin tưởng hay không. Đối với việc lỗ, lãi của doanh nghiệp xăng dầu, bộ trưởng nói là đã kiểm toán rồi thì tôi tin vào kết quả đó.

* Đại biểu Đào Trọng Thi (chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng):

Đừng đòi hỏi quá cao

Tôi thấy bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã nhận trách nhiệm về một số vấn đề và cam kết sẽ nghiên cứu, tiếp thu. Lĩnh vực GD-ĐT trong bối cảnh hiện nay phức tạp như vậy cho nên đừng đòi hỏi quá cao là trong phiên chất vấn này bộ trưởng phải đưa ra được giải pháp đột phá, lập tức giải quyết được cơ bản, toàn diện những bức xúc của ngành.

ÁNH HỒNG - TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên