* Ông Trần Quang Trung (chánh thanh tra Bộ Y tế):
Chưa phát hiện thầy thuốc nhận hối lộ
Nếu thầy thuốc có hành vi vòi vĩnh, hẹn bệnh nhân một tháng sau mới mổ, nhưng khi bệnh nhân biếu tiền, quà thì được mổ ngay, như vậy là nhận hối lộ. Từ trước đến nay, thanh tra Bộ Y tế chưa phát hiện được thầy thuốc nào nhận hối lộ vì rất khó phân định giữa việc biếu tiền, quà để “cảm ơn” thầy thuốc (khá phổ biến hiện nay) và việc biếu quà vì thầy thuốc vòi vĩnh, đòi biếu quà.
Một lý do nữa khiến việc phát hiện hành vi đưa nhận hối lộ trong khám chữa bệnh càng khó khăn là người nhà bệnh nhân và bệnh nhân thường im lặng mỗi khi được hỏi có bị vòi vĩnh hay không. Họ ngại gặp phiền hà trong thời gian điều trị tại bệnh viện.
Vì lý do này nên các bệnh viện đã lập đường dây nóng từ năm 2008 nhưng cũng không thấy bệnh nhân nào tố cáo họ bị vòi vĩnh, làm khó dễ khi đi điều trị bệnh. Nhưng trong thư gửi cho báo chí, trên các diễn đàn trên Internet lại có rất nhiều người kêu ca họ phải biếu tiền, quà mới được thay băng, tiêm không đau, được mổ sớm, khám bệnh sớm, được bố trí phòng dịch vụ hay được thầy thuốc trao đổi nhã nhặn, tư vấn kỹ lưỡng hơn.
* Bộ trưởng Bộ Y tếNguyễn Thị Kim Tiến:
Thầy thuốc vòi vĩnh là viêm dây thần kinh
Tại cuộc họp báo nhân cuộc thi viết “Sự hi sinh thầm lặng” về nghề thầy thuốc, được báo Sức Khỏe & đời Sống tổ chức, Bộ Y tế bảo trợ hôm 26-10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói: “Tôi làm nghề thầy thuốc, chồng tôi cũng làm nghề thầy thuốc (giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM - PV), tôi cho rằng chỉ có viêm dây thần kinh thì thầy thuốc mới đi vòi vĩnh bệnh nhân”.
Mặc dù vậy, bà Tiến cũng thừa nhận lâu nay khá phổ biến chuyện người nhà bệnh nhân đưa tiền cho nhân viên thay băng, chăm sóc. “Có lúc tôi và chồng tôi đến thăm, thấy người nhà mình cũng đưa tiền cho nhân viên y tế, hỏi vì sao lại đưa thì người nhà nói đưa để cảm ơn người ta”- bà Tiến nói.
Theo bà Tiến, Bộ Y tế đang giao Vụ Pháp chế, Cục Quản lý khám chữa bệnh xây dựng thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định 96 một cách cụ thể, nói rõ thế nào là đưa, nhận hối lộ trong khám chữa bệnh, chứ nói chung chung mãi cũng không thực hiện được.
Ngoài ra, bà Tiến cho biết Bộ Y tế đang có bốn nhóm giải pháp để thực hiện chiến lược “nói không với phong bì”, trong đó có việc tăng cường giảng dạy y đức và tăng lương cho cán bộ y tế. “Chúng tôi đấu tranh được phụ cấp ngành cho cán bộ y tế rồi, tuy chưa bằng ngành giáo dục nhưng cán bộ y tế làm công việc độc hại như pháp y, điều trị bệnh nhân HIV được phụ cấp 70% lương” - bà Tiến cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận