26/09/2011 21:03 GMT+7

ĐBSCL: Lũ lớn, thiệt hại nhiều

Q.VINH - T.TÚ - V.ĐÁT - ĐỨC VỊNH
Q.VINH - T.TÚ - V.ĐÁT - ĐỨC VỊNH

TTO - Chiều 26-9, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Đồng Tháp cho biết đã có 5 người chết trong vùng lũ, trong đó có 3 người bị sét đánh và 2 trẻ bị chết đuối. Có 7 điểm trường buộc phải đóng cửa để đảm bảo an toàn tính mạng cho trên 1.400 học sinh tại huyện Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự.

Đồng Tháp: 5 người chết, nhiều tuyến đê nguy cấp

Sa8jSsjo.jpgPhóng to
Mực nước bên ngoài đê bao ở thị xã Hồng Ngự cao hơn mặt ruộng 4m - Ảnh: Thanh Tú

Chiều 26-9, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Đồng Tháp cho biết đã có 5 người chết trong vùng lũ, trong đó có 3 người bị sét đánh và 2 trẻ bị chết đuối. Có 7 điểm trường buộc phải đóng cửa để đảm bảo an toàn tính mạng cho trên 1.400 học sinh tại huyện Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự.

Ngoài ra, hiện có khoảng 22.000 ha lúa có nguy cơ bị thiệt hại nếu các tuyến đê bảo vệ bị vỡ.

Cũng chiều 26-9, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ra công điện khẩn thông báo tình hình “lũ đặc biệt lớn” và đề nghị các địa phương trong tỉnh triển khai các biện pháp cấp bách để bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân. Công điện nêu rõ nước lũ đã vượt báo động 3 từ 15-19cm và đang lên rất nhanh. Thiệt hại do sạt lở thống kê sơ bộ đã hơn 20 tỉ đồng. Nhiều nơi ao cá, vườn tược bị ngập trong lũ, thiệt hại sẽ còn lớn hơn nhiều.

Long An: vỡ đê, hàng chục hecta lúa phải thu hoạch non

ryHuPfi6.jpgPhóng to
Một đoạn đê ở xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng (Long An) vị vỡ - Ảnh: Văn Đát

Sáng 26-9, một đoạn đê bao dài gần 20m ở ấp Bưng Ràm, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng đã bị vỡ. Nước lũ tràn vào vùng sản xuất lúa gần 100ha. Người dân đã huy động mọi phương tiện, nguồn lực đổ xuống ruộng để thu hoạch lúa non theo kiểu “mót được bao nhiêu hay bấy nhiêu”.

Ông Trần Quốc Cường, phó chủ tịch UBND xã Hưng Điền B, cho biết địa phương đã nỗ lực hết sức mình để giữ đê, nhưng do mấy ngày qua mưa lớn cộng với nước lũ trên thượng nguồn đổ về khiến áp lực nước quá mạnh đã làm cho tuyến đê này không thể chịu nổi và đã bị vỡ. Ngoài ra, hiện còn một số tuyến đê khác cũng có nguy cơ bị vỡ trong vài ngày tới.

Quân đội tham gia chống lũ

Ngày 26-9, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu đạt 4,62m, vượt báo động ba 0,12m, trên sông Hậu tại Châu Đốc đạt 3,93m -xấp xỉ báo động ba. Tỉnh An Giang đã ban bố tình trạng lũ khẩn cấp.

5zBiONxS.jpgPhóng to
Lũ đầu nguồn trên sông Cửu Long vượt báo động 3, nhiều khu dân cư bị cô lập, nhiều tuyến đường bị chia cắt - Ảnh: Đức Vịnh

Nước lũ dâng cao tràn qua nhiều đường giao thông nông thôn. Tại xã Ô Long Vỉ, huyện Châu Phú nước lũ làm lở ba đoạn dài và tràn qua 25km đường vừa là tuyến đê bao bảo vệ 5.300 ha lúa và hoa màu vụ thu đông. Huyện tức tốc huy động lực lượng tại chỗ dùng bao cát và đôn cao các đoạn đê này.

Trước tình trạng nguy cấp trên, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh An Giang đã đặt sở chỉ huy bảo vệ đê chống lũ tại đây, đồng thời tăng cường 500 chiến sĩ và thêm 100 dân quân túc trực ứng cứu, song song đó sư đoàn B 330 cũng đã điều 200 chiến sĩ đến hỗ trợ. Hàng chục ngàn bao cát được tấn dọc các tuyến đường, các tuyến đê ngăn nước lũ tràn qua.

Tại xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, nước lũ cũng đe dọa đê bao tiểu vùng số 5, số 8. Tại thị xã Tân Châu, hai cống ở đê bao của bờ bắc kênh Vĩnh An bị đe dọa, lực lượng tại chỗ được huy động đến gia cố đê.

4eFlHMHH.jpgPhóng to
Bộ đội thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh An Giang tham gia ứng cứu bảo vệ đê ở xã Ô Long Vỉ, huyện Châu Phú (An Giang) - Ảnh: Đức Vịnh

Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có hơn 500 nhà ở ven sông rạch, khu vực sạt lở cần phải di dời. Vụ thu đông còn 128 ngàn ha lúa trong các tiểu vùng đê bao chưa thu hoạch. Với mực nước lũ vượt báo động ba như hiện nay thì có 1.000km đê bị đe dọa, trong đó 400km đê xung yếu cần phải gia cố.

Tỉnh đã huy động hàng chục ngàn lượt người gồm bộ đội, công an, thanh niên và lực lượng các đoàn thể tham gia bảo vệ đê để bảo vệ sản xuất, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản người dân.

XifqXyX8.jpgPhóng to
Phương tiện cơ giới cũng được huy động khẩn cấp gia cố cống, bảo vệ diện tích lúa thu đông ở Vĩnh Châu, thị xã Châu Đốc (An Giang) - Ảnh: Đức Vịnh

Trong khi đó tại Đồng Tháp, nước lũ dâng cao tiếp tục đe đọa sự an toàn của nhiều tuyến đê. Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh, hiện còn hơn 27 ngàn ha lúa chưa thu hoạch. Trong đó diện tích lúa có khả năng bị ảnh hưởng là 7.600 ha, tập trung ở hai huyện đầu nguồn Tân Hồng và Hồng Ngự. Ở hai địa phương này còn bị nước rò rỉ qua thân đê. Hơn 700 bộ đội được huy động khẩn cấp để ứng cứu.

Vừa qua trên đại bàn Đồng Tháp liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lờ đất bờ sông, các đại phương đã di dời gần 400 hộ đến nơi an toàn. Sở GD&ĐT tỉnh cho biết hiện đã có 2.624 học sinh ở 14 điểm trường mầm non, tiểu học, THCS nghỉ học do lũ.

24FRez5a.jpgPhóng to
sdUogXuk.jpg
Người dân xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành (An Giang) nỗ lực gia cố đê bảo vệ diện tích lúa thu đông - Ảnh: Đức Vịnh
Q.VINH - T.TÚ - V.ĐÁT - ĐỨC VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên