23/09/2011 08:02 GMT+7

Biển đảo là sự sống còn của dân tộc

THU HÀ
THU HÀ

TT - “Trong chiến tranh, biển Đông giữ vị trí rất quan trọng đối với miền Nam và cả nước. Trong hòa bình, biển, đảo thuộc chủ quyền của ta là sự sống còn của cả dân tộc Việt Nam. Cho nên việc bảo vệ, xây dựng, khai thác biển thuộc chủ quyền của ta hiện nay càng quan trọng hơn bao giờ hết.

yhCOJExB.jpgPhóng to
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Quân chủng hải quân và cựu chiến binh đoàn tàu không số tại hội thảo - Ảnh: Trọng Thiết

Mong hội thảo này rút được nhiều bài học kinh nghiệm quý, vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”. Nguyên chủ tịch nước Lê Đức Anh - người từng là cục trưởng Cục Quân lực, được tổng tham mưu trưởng giao nhiệm vụ “tạo điều kiện vận tải bằng đường bộ và đường thủy để chi viện người và vũ khí cho miền Nam”, người từng hai lần được đi trên đoàn tàu không số - đã bày tỏ như vậy trong thư gửi đến hội thảo khoa học “Đường Hồ Chí Minh trên biển - con đường của ý chí và sức sáng tạo Việt Nam” do Bộ Quốc phòng tổ chức ngày 22-9 tại Hải Phòng.

Từ khi thành lập cho đến hết cuộc chiến tranh, các chiến sĩ của đoàn tàu không số (đoàn 759 sau đổi thành lữ đoàn 125, nhưng thường được gọi là đoàn tàu không số) đã thực hiện vận chuyển, bốc dỡ, cất giấu và phân phối 152.786 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, lương thực, thuốc men từ miền Bắc vào các chiến trường miền Nam, đưa đón 80.026 lượt cán bộ, chiến sĩ, trong đó có hàng trăm cán bộ cao cấp của Đảng, quân đội vào Nam ra Bắc.

Số lượng vũ khí và hàng hóa vận chuyển trên biển so với số lượng vận chuyển của đường Hồ Chí Minh trên bộ ít hơn nhiều, nhưng có ý nghĩa rất lớn lao, như phân tích của Phó đô đốc, Tư lệnh hải quân Nguyễn Văn Hiến: “Vận tải biển gian nan, nguy hiểm hơn đường bộ nhưng lại có ưu thế về tốc độ, thời gian. Nếu vận chuyển bằng đường bộ mất hàng mấy tháng trời mới đến nơi thì vận chuyển đường biển chỉ hơn một tuần, mà tỉ lệ tổn thất về hàng hóa chỉ 7% (93% đã tới đích), chi phí vận tải cho mỗi tấn hàng hóa trên biển cũng ít tốn kém hơn nhiều. 100 tấn vũ khí chỉ cần 10-15 chiến sĩ vận tải, trong khi mang vác đường bộ cần đến một sư đoàn, còn vận chuyển cơ giới thì lượng xăng dầu tốn gấp hàng trăm lần. Ngoài ra, vận tải đường biển còn có sứ mệnh vận chuyển những hàng hóa bí mật, có tính sống còn với cuộc kháng chiến: các loại vũ khí lớn, đặc chủng, những cán bộ cao cấp của Đảng, những chuyên gia đặc biệt bổ sung cho chiến trường”.

Con số ấy càng đáng trân trọng hơn nếu như so sánh với hiểm nguy mà họ phải đối mặt: “Để duy trì sự tồn tại của con đường, các chiến sĩ đã phải vượt qua hàng chục cơn bão lớn, hàng trăm cuộc vây ráp của quân thù, đã khắc phục trên 4.000 quả thủy lôi, chiến đấu 30 lần với tàu địch, đánh trả trên 1.200 lần máy bay tập kích”.

Nhưng lịch sử và huyền thoại chỉ còn nguyên giá trị nếu như hôm nay và tương lai, chúng ta gìn giữ được nguyên vẹn con đường mòn không dấu vết trên biển, giữ nguyên được tinh thần quả cảm, tình yêu nước và sự sáng tạo trong công cuộc bảo vệ biển và đảo của Tổ quốc. Tư lệnh hải quân Nguyễn Văn Hiến trả lời báo chí khi được hỏi về chiến tranh nhân dân hiện đại: “Tinh thần của đường mòn Hồ Chí Minh trên biển là tinh thần của chiến tranh nhân dân, tinh thần của đoàn tàu không số là tinh thần quả cảm. Chiến tranh hiện đại không còn khái niệm chiến tranh nhân dân nếu hiểu theo khái niệm đơn thuần. Vũ khí hiện đại, cả tàu sân bay, tàu ngầm được rao bán công khai trên mạng với những thông số kỹ thuật, tính năng rất cụ thể, và quốc gia nào bán cho quốc gia nào thì cả thế giới đều biết. Nhưng sự sáng tạo của chiến lược quân sự Việt Nam là từ bài học của việc mở đường và duy trì đường Hồ Chí Minh trên biển: đoàn kết, táo bạo, bất ngờ, quả cảm. Tương quan lực lượng của chúng ta bao giờ cũng ít hơn, trang bị vũ khí cũng chưa bao giờ mạnh và hiện đại bằng, nhưng chúng ta đã thắng”.

THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên