22/09/2011 10:47 GMT+7

Huế: Mưa ngập đường; An Giang: Lũ lên nhanh

PHƯƠNG NGUYÊN - NGUYÊN LINH
PHƯƠNG NGUYÊN - NGUYÊN LINH

TTO - Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, đêm 21 và sáng 22-9, tỉnh Thừa Thiên - Huế, có mưa lớn trên diện rộng, nhiều tuyến đường ở TP Huế ngập sâu 30-40 cm, tuyến quốc lộ 1A cũng bị ngập nước nhiều đoạn.

3g9FUGFK.jpgPhóng to

Quốc lộ 1A, cửa ngõ phía nam TP Huế bị ngập sâu từ 0,4-0,5m do úng nước mưa (ảnh chụp 9g sáng 22-9) - Ảnh: Nguyên Linh

Tại TP Huế, rất nhiều tuyến đường chính ở khu trung tâm như Hùng Vương, Đống Đa, Nguyễn Huệ, Bến Nghé và nhiều tuyến đường khu vực thành nội bị ngập cục bộ khiến phương tiện đi lại gặp khó khăn, nhiều xe mô tô bị chết máy. Tuyến quốc lộ 1A, đi qua thị xã Hương Thủy và cửa ngõ phía nam TP Huế, nhiều đoạn bị ngập sâu 0,4-0,5m.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng ở nhiều tuyến đường trên bởi vì lượng mưa quá lớn, trong khi hệ thống thoát nước ở đây hoạt động không hiệu quả, nhiều nơi không có hệ thống thoát nước.

Theo Sở NN&PTTN tỉnh Thừa Thiên - Huế, toàn tỉnh đã thu hoạch được hơn 90% diện tích trong tổng số 25.000 ha lúa hè thu, hiện chỉ còn một số diện tích ở hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới chưa kịp thu hoạch, người dân nơi đây đang khẩn trương gặt chạy lũ.

Ông Nguyễn Văn Hùng, giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Thừa Thiên - Huế, cho biết do chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có mưa lớn trên diện rộng, lượng mưa đo được khoảng 100mm. Trong một vài ngày tới, Thừa Thiên - Huế tiếp tục có mưa to trên diện rộng, có thể xảy ra trận lũ nhỏ đầu mùa, đề phòng lũ quét và sạt lở đất trên tuyến đường đi huyện miền núi A Lưới.

Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện các hồ thủy điện trên địa bàn đang chỉ trên mực nước chết, hiện các hồ đang tích nước, do đó hạ lưu sông Hương, sông Bồ sẽ không xảy ra lũ lớn.

An Giang: Lũ lên nhanh, đất sạt lở

Đồng Tháp: Lũ dâng, nhiều trường học đóng cửaLũ đồng bằng sông Cửu Long lớn nhất trong 8 năm qua

Cơ quan khí tượng thủy văn An Giang cho biết hiện tại mực nước lũ đã trên báo động 2 và đang tăng dần trong những ngày tới, mỗi ngày tăng 3cm. Cơ quan này dự báo, trong những ngày tới nếu phía thượng nguồn thuộc Campuchia có một vài trận mưa lớn lũ sẽ tràn về hạ nguồn gây sạt lở nặng bờ kênh và nghiêm trọng nhất là làm vỡ đê bao và có nguy cơ ảnh hưởng 130.000ha lúa vụ 3 và khoảng 30.000ha hoa màu.

Hiện tại các đê bao chống lũ bảo vệ lúa, các công trình ở An Giang, Đồng Tháp chỉ có thể ngăn được đỉnh lũ tương đương báo động 3. Vì vậy 130.000 ha lúa vụ 3 tại An Giang đang bị đe dọa khi mùa lũ còn hơn một tháng nữa mới kết thúc. Ngày 15-9, hai đập tràn bằng cao su Trà Sư và Tha La đã xả lũ vào vùng Tứ giác Long Xuyên gây ngập đồng, hàng ngàn héc-ta lúa ngoài quy hoạch đang có nguy cơ mất trắng.

Được biết, từ ngay khi lũ đổ về tỉnh An Giang trong hơn 20 ngày qua, trên địa bàn tỉnh An Giang đã xãy ra nhiều vụ lở đất bờ sông, nhiều hộ dân phải thực hiện di dời để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản. Chính quyền địa phương đã kịp thời hỗ trợ cho người dân di dời, cùng với hỗ trợ tiền, bình quân là 10 triệu đồng/ hộ di dời.

Cụ thể, ngày 21-9, xảy ra vụ sạt lỡ đất bờ sông thuộc khu vực ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, vùng sạt lỡ kéo dài 70 mét, và vào sâu vào đất liền 40 mét.

Trong hai ngày 28 và 29-8 đã xảy ra vụ sạt lỡ đất ở khu vực ấp Mỹ Khánh 1, xã Mỹ Hòa Hưng, diện tích nằm cặp bờ sông Hậu (đầu cồn Mỹ Hòa Hưng), với diện tích khoảng 2.000m2, đã thực hiện di dời an toàn 36 hộ cư ngụ nơi đây về nơi an toàn.

Từ ngày 9-9 đến 15-9 trên địa bàn xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang đã xảy ra sạt lở đất bờ sông Hậu ở nhiều đoạn, và làm đứt lộ giao thông nông thôn có bề ngang 5 mét, dài 30 mét.

Lực lượng cứu hộ tại địa phương đã di dời khẩn cấp 21 hộ, và hiện còn 38 hộ có nguy cơ bị sạt lở đất tiếp tục, phải di dời.

PHƯƠNG NGUYÊN - NGUYÊN LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên