27/07/2011 07:53 GMT+7

Phế liệu nhập phải đúng theo danh mục

X.LONG - T.PHÙNG
X.LONG - T.PHÙNG

TT - Ngày 26-7, trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh việc Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) - chủ đầu tư khu xử lý rác Đa Phước, TP.HCM - xin nhập 10.000 tấn phế liệu từ Mỹ để chạy thử nhà máy phân loại rác đặt tại khu xử lý rác Đa Phước, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Bùi Cách Tuyến cho biết: xung quanh việc này, Cục Quản lý chất thải và môi trường (thuộc Tổng cục Môi trường) đã có văn bản trả lời Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM.

Trong đó nêu rõ riêng chất thải không được phép nhập khẩu vào VN dưới mọi hình thức.

Nhà máy xử lý rác xin nhập... phế liệu

Còn đối với việc nhập khẩu phế liệu, theo ông Tuyến, quyết định số 12/2006 của Bộ Tài nguyên - môi trường cũng đã quy định chi tiết danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, tất cả đơn vị muốn nhập phế liệu về để sản xuất đều phải thực hiện đúng theo danh mục đã quy định.

Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến cho hay mặc dù pháp luật không giao Bộ Tài nguyên - môi trường trách nhiệm quyết định chuyện nhập khẩu phế liệu của từng đơn vị (vì đây là câu chuyện thương mại nên sẽ chiếu theo các quy định về thương mại), nhưng khi sản phẩm nhập khẩu liên quan đến các yếu tố môi trường như nhập phế liệu bắt buộc phải chịu sự chi phối của Luật bảo vệ môi trường và cả các quy định, quyết định về quản lý chất thải nguy hại.

Ông Bùi Cách Tuyến cũng khẳng định hiện nay tất cả quy định pháp luật liên quan đến việc nhập khẩu phế liệu đều không thiếu, vì vậy bất kỳ cơ quan nào khi xem xét cho nhập khẩu các nhóm phế liệu đều phải đối chiếu theo các danh mục và quy định luật cho phép.

Cũng hôm qua, ông Nguyễn Hồng Tiến - vụ trưởng Vụ Hạ tầng kỹ thuật đô thị (Bộ Xây dựng) - cho biết cơ quan này chưa nắm những thông tin về việc nhà máy phân loại rác tại khu xử lý rác Đa Phước xin nhập phế liệu và đang kiểm tra lại.

Theo ông Tiến, Bộ Xây dựng được giao quản lý rác và chất thải rắn đô thị. Các công việc được bộ thực hiện trong lĩnh vực này chủ yếu là lập quy hoạch quản lý chất thải rắn, khu xử lý chất thải rắn đô thị. Còn việc quản lý chất thải, nhập khẩu rác thải đầu tiên phải là trách nhiệm của Bộ Tài nguyên - môi trường với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về môi trường nói chung.

Ông Tiến cho biết việc phân loại rác tại nguồn ở VN hầu như chưa được thực hiện. Thời gian vừa qua chỉ có một dự án được triển khai thí điểm ở Hà Nội do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ và chưa được tổng kết, đánh giá kết quả.

Phải sử dụng “rác nội”

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Phùng Chí Sỹ - phó viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường (TP.HCM) - nói:

Luật ở nước ta có cho phép nhập một số chủng loại phế liệu với điều kiện nghiêm ngặt là phải được làm sạch, phân thành từng loại riêng biệt và đạt các quy chuẩn hiện hành...

Tôi nghĩ rằng một nhà máy xử lý rác được đầu tư như của Công ty VWS với mục đích phân loại rác của TP.HCM hay của VN thì phải lấy nguyên liệu là rác trong nước để chạy thử vì rác nước ngoài không giống rác trong nước về thành phần, tính chất... Hơn nữa, rác ở VN thiếu gì, như ở TP.HCM mỗi ngày có 6.000-7.000 tấn rác, tại sao không lọc lựa ra để đưa vào nhà máy chạy thử mà phải đi nhập từ nước ngoài?

Như tôi đã nói, điều kiện để được nhập phế liệu là những loại đã được làm sạch, được phân thành từng loại riêng biệt (ví dụ giấy ra giấy, chai lọ ra chai lọ...). Nếu nói nhập phế liệu đúng quy định, nghĩa là nó đã được làm sạch, được phân thành từng loại riêng biệt. Như vậy, phế liệu này đưa vào nhà máy phân loại rác tái chế để chạy thử sẽ không có ý nghĩa gì về mặt kỹ thuật và lý thuyết. Và để việc chạy thử nhà máy phân loại rác tái chế có ý nghĩa kiểm chứng máy móc và đo lường được các thông số kỹ thuật thì nguyên liệu phải là rác hỗn hợp, chưa được phân loại thành từng loại riêng biệt (chai lọ, giấy, bao nilông... lẫn lộn với nhau), nhưng loại này thì pháp luật VN nghiêm cấm nhập khẩu.

Cho phép nhập rác để chạy thử máy

WVmjOTkK.jpgPhóng to
Ảnh: Q.Thanh
Đó là ý kiến của ông NGUYỄN VĂN PHƯỚC, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM (ảnh), về việc nhập phế liệu để chạy thử nhà máy phân loại rác tái chế của khu xử lý rác Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP.HCM). Ông Phước nói:

- Bất kỳ nhà máy nào trước khi đi vào vận hành chính thức đều phải thử nghiệm để điều chỉnh thông số kỹ thuật và tính ổn định của nhà máy. Trước tình hình đó, Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn VN (VWS) có trình UBND TP xin nhập phế liệu để vận hành thử nghiệm hạng mục nhà máy phân loại vật liệu có thể tái chế được. Sở Tài nguyên - môi trường TP đã làm việc với chủ đầu tư, yêu cầu khi nhập phế liệu vận hành thử nhà máy phải tuân thủ quy định hiện hành của các cơ quan có thẩm quyền. Qua đó, sở trình UBND TP có văn bản cho phép VWS nhập 10.000 tấn phế liệu (giấy, nhựa) để chạy thử nhà máy.

* Đây là dự án xử lý rác cho TP.HCM, sao lại xin nhập phế liệu từ Mỹ về để chạy thử?

- Trang thiết bị của dự án (nhà máy) do Công ty VWS xây dựng, vận hành là trang thiết bị chuyên dùng, công nghệ tiên tiến. Đến nay dự án đang hoạt động và vận hành tuân thủ các quy định của pháp luật VN về bảo vệ môi trường, mùi hôi được xử lý kịp thời, đã giảm thiểu tối đa...

* Trong hợp đồng ký kết với nhà đầu tư, TP có cam kết bắt buộc giao rác phân loại tại nguồn không?

- Đến nay sự hợp tác và triển khai hợp đồng giữa Công ty VWS và Sở Tài nguyên - môi trường đều tiến triển tốt đẹp, dù cũng có những điều khoản hai bên chưa thực hiện đúng thời hạn. Tuy nhiên, qua thảo luận, bàn bạc, đồng thời có ý kiến chỉ đạo của UBND TP, những vướng mắc và khó khăn trong quá trình thực hiện hợp đồng từng bước được tháo gỡ, đến nay chưa thấy có vấn đề gì ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án của VWS.

X.LONG - T.PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên