Phóng to |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh |
* Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội có nêu mức độ và diện miễn thuế thu nhập cá nhân như tờ trình của Chính phủ là không đáng kể, không đủ sức lan tỏa. Bộ trưởng nghĩ sao về điều này?
- Mỗi giai đoạn có tình hình khác nhau cho nên giải pháp cũng phải khác nhau chứ không phải năm nào cũng giống năm nào. Hồi năm 2009 khác, vì bấy giờ suy thoái kinh tế toàn cầu, kinh tế VN giảm rất trầm trọng. Lúc đó chúng ta lấy mục tiêu là chống suy giảm kinh tế, cho nên giải pháp là đồng bộ, nó nhiều hơn, mà hỗ trợ cũng nhiều hơn. Nhưng bây giờ tình hình khác, mục tiêu ưu tiên số 1 là chống lạm phát chứ không phải tăng trưởng.
Thế nhưng nếu chúng ta không quan tâm đến tăng trưởng ở mức độ hợp lý mà chúng ta đang phấn đấu tối thiểu là 6% (hiện nay GDP mới ở mức 5,7%, trong khi chỉ tiêu Quốc hội thông qua cả năm là 7-7,5%) thì sẽ tạo ra rất nhiều khó khăn. Trước hết là doanh nghiệp khó khăn, mà doanh nghiệp khó khăn thì ngân hàng khó khăn, ngân sách khó khăn, nguồn thu nhà nước sẽ bị ảnh hưởng...
* Có ý kiến băn khoăn rằng năm 2009 giảm phát thì Chính phủ cũng miễn giảm thuế, năm nay lạm phát cũng miễn giảm thuế. Xin ông giải thích rõ căn cứ nào để Chính phủ đưa ra các nhóm đối tượng được miễn giảm?
- Mức độ rất khác nhau. Vì như trên tôi nói, mình đưa ra hỗ trợ nhiều quá thì lại tác động xấu đến lạm phát. Lần này Chính phủ đã thực hiện rất nhiều chính sách an sinh xã hội rồi, thậm chí hộ nghèo cũng nhận được hỗ trợ trực tiếp từ chính sách. Công nhân trong khu vực sản xuất kinh doanh là những người hiện nay chưa được hỗ trợ trực tiếp thì Chính phủ đã kêu gọi các doanh nghiệp có hỗ trợ khó khăn và Chính phủ cũng có xử lý tăng lương.
* Thưa ông, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trình bày báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội có đề cập việc phấn đấu năm 2012 và những năm tiếp theo đưa lạm phát xuống một con số và thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Cơ sở nào để có niềm tin ấy?
- Thứ nhất là mặt bằng giá của thế giới hiện nay đang lập lại một mặt bằng mới. Thứ hai là trong nước hiện nay cũng phải chấp nhận từng bước tiệm cận giá thị trường, cho nên cũng đã xác lập mặt bằng giá tương đối cao rồi. Sang năm, dự báo giá dầu, giá lương thực không thể có đột biến quá cao được. Trong khi đó các chính sách vĩ mô như cơ cấu đầu tư, cơ cấu về ngân sách, cơ cấu về tín dụng, cơ cấu về sản xuất hiện nay làm thì đến cuối năm sẽ có tác động nhất định. Sang năm tình hình lạm phát sẽ dịu đi, lúc bấy giờ nó sẽ xuống dưới một con số và phải phấn đấu làm sao hiệu quả sản xuất phải tăng lên.
* Nhưng thưa ông, thực tế cho thấy việc dự báo rất có vấn đề, như trong năm nay Chính phủ đã mấy lần điều chỉnh con số lạm phát, tăng trưởng kinh tế?
- Nói cái đó thì vô cùng, bởi vì nó mang tính toàn cầu rồi. Bạn thấy cả thế giới người ta dự báo rồi, trong điều kiện kinh tế biến động nhanh như thế này thì không thể dự báo cho giai đoạn dài được mà chỉ định hướng thôi. Thế giới người ta thay đổi liên tục dự báo, thậm chí tháng sau lại có dự báo mới so với tháng trước. Cái mà nhạy bén của Chính phủ vừa rồi là phải cập nhật được tình hình ấy, phát hiện sớm vấn đề. Năm nay tháng 1 đã phát hiện thấy có tình hình nó biến động bất thường của thế giới tác động vào, tháng 2 Chính phủ đã ra được nghị quyết 11.
* Một câu hỏi rất thẳng thắn: ngoài những nguyên nhân như bộ trưởng vừa nói, có ý kiến cho rằng do điều hành của Chính phủ?
- Tất nhiên, điều hành của chúng ta khó hơn các nước rất nhiều, vì kinh tế của mình đang chuyển dịch, chưa phải thật sự theo mong muốn của mình. Một thời gian rất dài mình lấy mục tiêu tăng trưởng, lấy mục tiêu đầu tư mở rộng để làm tăng trưởng thì bây giờ mình phải chuyển nền kinh tế sang đầu tư mang tính hiệu quả và bền vững. Đây là chiến lược lâu dài, phải cơ cấu lại đầu tư, cơ cấu lại sản xuất. Đấy là cái gốc của vấn đề.
Tôi chỉ nói một chuyện thôi: mình khác với các nước, các nước người ta xuất siêu, nhưng mình thì nhập siêu. Hay là tiềm lực của người ta khác với mình, không thể đồng nhất được. Trong bối cảnh như thế, điều hành để có lời giải tốt nhất cho bài toán bao giờ cũng khó khăn hơn rất nhiều.
* Xin hỏi lạm phát hiện nay ảnh hưởng như thế nào đến cá nhân và gia đình bộ trưởng?
- Đương nhiên đã lạm phát thì toàn dân phải chịu khó khăn, vì cầm cùng số tiền ấy ra chợ mà giá cao thì mua được ít hàng hơn, ăn uống phải chặt chẽ hơn, tất cả các thứ phải thắt chặt hơn. Trong từng gia đình cũng thế thôi, vợ tôi đi chợ về cũng kêu ghê lắm.
Cơ bản đồng tình với phần lớn nội dung trong “Tờ trình về ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2011” của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đọc trước Quốc hội, nhưng Ủy ban Tài chính - ngân sách cho rằng việc miễn quá ít chỉ mang tính động viên, sức lan tỏa không lớn. Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, Chính phủ đề xuất Quốc hội miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ ngày 1-8-2011 đến hết năm 2012 đối với cổ tức chia cho cá nhân (trừ cổ tức của các ngân hàng cổ phần, các quỹ đầu tư tài chính, các cổ tức tín dụng); với thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân; với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế TNCN ở bậc 1 của biểu thuế lũy tiến từng phần quy định tại Luật thuế TNCN (bậc 5% đối với cá nhân sau khi tính giảm trừ gia cảnh có mức thu nhập đến 5 triệu đồng/tháng). Có nghĩa là các cá nhân thuộc diện được miễn thuế bao gồm: cá nhân không có người phụ thuộc có thu nhập từ trên 4 triệu đến 9 triệu đồng/tháng; cá nhân có một người phụ thuộc có thu nhập từ trên 5,6 triệu đến 10,6 triệu đồng/tháng; cá nhân có hai người phụ thuộc có thu nhập từ trên 7,2 triệu đến 12,2 triệu đồng/tháng... Chính phủ cũng đề nghị giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2011 đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông, lâm, thủy hải sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội và một số ngành nghề sản xuất, kinh doanh quan trọng. Giảm 50% mức thuế khoán (bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp) từ quý 2-2011 đến hết năm 2011 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân với điều kiện hộ, cá nhân, tổ chức này giữ ổn định mức giá cho thuê, giá trông giữ trẻ và giá cung ứng suất ăn ca như cuối năm 2010. Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - ngân sách cho rằng việc hỗ trợ khó khăn cho một số đối tượng trong thời điểm hiện nay là cần thiết. Tuy nhiên, với số lượng miễn giảm thuế như dự kiến trên thì chỉ bằng 1/10 số miễn giảm so với năm 2009, số tiền giãn thuế cũng chỉ bằng 1/3 so với năm 2009 nên sức lan tỏa không cao, tiền thuế TNCN được miễn chỉ mang tính động viên, không giúp nhiều cho các cá nhân vượt qua khó khăn vì mức thuế được miễn quá ít. L.KIÊN |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận