18/06/2011 02:06 GMT+7

Vụ "trùm mền" nhà máy xử lý nix thải: Chưa nơi nào thẩm định công nghệ

QUỐC THANH ghi
QUỐC THANH ghi

TT - Vụ dự án Nhà máy xử lý nix thải Ninh Thủy (Khánh Hòa) “trùm mền” có thêm tình tiết mới. Đó là chủ đầu tư chưa hề trình cấp có thẩm quyền thẩm định công nghệ, dù dự án đã được cấp phép khởi công cách đây hơn 18 tháng.

Chưa được vay vốn vì “công nghệ mới”“Trùm mền” dự án xử lý nix thải

07jIhsaH.jpgPhóng to
Một góc bãi đổ hạt nix dồn sát chân núi Ảnh: VĂN CHƯƠNG

Bộ Khoa học - công nghệ (KH-CN) lẫn Sở KH-CN Khánh Hòa đều nói không có bộ hồ sơ nào của Công ty cổ phần Khoáng sản luyện kim Hà Nội gửi đến yêu cầu thẩm định về công nghệ của dự án Nhà máy xử lý nix thải Ninh Thủy. Ngân hàng yêu cầu chủ đầu tư phải có thẩm định về công nghệ mới cho vay vốn. Còn chủ đầu tư thì kêu “cho đến bây giờ vẫn chưa được vay vốn tại bất cứ ngân hàng hay tổ chức tín dụng nào”.

Không thấy đề nghị

Ngày 17-6, trao đổi với Tuổi Trẻ về việc Công ty cổ phần Khoáng sản luyện kim Hà Nội đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nix thải ở Ninh Thủy, ông Đỗ Hoài Nam - vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ (Bộ KH-CN) - cho biết chưa nhận được văn bản nào để thẩm định, thẩm tra về công nghệ đối với dự án này.

Ông Đỗ Hoài Nam nói theo quy định của Chính phủ về đầu tư, các dự án ở cấp địa phương sẽ do sở kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT) địa phương cấp phép. Việc thẩm định, thẩm tra được Bộ KH-CN quy định rõ: sở KH-ĐT hoặc UBND tỉnh trước khi cấp phép cho các dự án phải hỏi ý kiến các cơ quan liên quan, trong đó có sở KH-CN địa phương; Bộ KH-CN chỉ có ý kiến đối với các dự án phải có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng. Ông Nam còn cho biết công nghệ mới nghiên cứu chưa áp dụng ở đâu thì phải có thẩm định riêng. Còn với công nghệ đã được áp dụng rồi, kể cả ở nước ngoài, nhà đầu tư phải tìm hiểu, cung cấp thông tin để chứng minh được tính khả thi, thành công của dự án.

Đối với dự án của Công ty cổ phần Khoáng sản luyện kim Hà Nội, theo ông Nam, Bộ KH-CN chưa rõ đã được cấp phép chưa, nếu đã cấp phép rồi mới hỏi ý kiến cơ quan thẩm định thì chủ đầu tư đang làm ngược quy trình.

Trong khi đó ông Huỳnh Kỳ Hạnh, giám đốc Sở KH-CN Khánh Hòa, nói từ khi Công ty cổ phần Khoáng sản luyện kim Hà Nội đặt vấn đề xây dựng nhà máy xử lý hạt nix, “theo tôi nắm được, chưa có một bộ hồ sơ nào gửi đến sở để thẩm định về công nghệ xử lý hạt nix này”. Ông Hạnh cho rằng với quy mô và tầm quan trọng của dự án nhà máy xử lý hạt nix thì công nghệ của nó phải Bộ KH-CN mới đủ tầm thẩm định.

Ngân hàng yêu cầu phải có thẩm định công nghệ

Cuối tháng 12-2010, Công ty cổ phần Khoáng sản luyện kim Hà Nội có văn bản giải trình bổ sung hoàn thiện hồ sơ dự án Nhà máy xử lý nix thải Ninh Thủy gửi Ngân hàng Phát triển VN chi nhánh Khánh Hòa, nơi công ty nộp hồ sơ đề nghị vay vốn cho dự án. Công ty khẳng định công nghệ hoàn nguyên sắt từ phế thải nix là “công nghệ mới đầu tiên tại VN cũng như trên thế giới”, việc đánh giá và thẩm định công nghệ thuộc Bộ KH-CN, nên công ty xin được bổ sung sau. Công ty cũng cho biết đang tiến hành các bước đăng ký với Bộ KH-CN.

Ngân hàng Phát triển VN chi nhánh Khánh Hòa đã báo cáo Ngân hàng Phát triển VN về các giải trình của công ty. Tuy nhiên ngay sau đó (tháng 1-2011), Ngân hàng Phát triển VN tiếp tục yêu cầu bổ sung hồ sơ, trong đó có nội dung bổ sung ý kiến đánh giá của cơ quan chức năng về công nghệ thiết bị và sản phẩm của nhà máy. Văn bản gần đây nhất của Ngân hàng Phát triển VN gửi UBND tỉnh Khánh Hòa về vấn đề vay vốn của dự án xử lý nix thải cũng nhắc lại yêu cầu cần có ý kiến đánh giá của cơ quan chức năng theo quy định của Bộ KH-CN. Đây được xem là một trong những điều kiện để ngân hàng có thể xem xét cho vay 70% vốn đầu tư dây chuyền tận thu sắt từ phế thải nix (tổng mức đầu tư dây chuyền này hơn 500 tỉ đồng). Tuy nhiên đến nay Công ty cổ phần Khoáng sản luyện kim Hà Nội vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của ngân hàng.

Có kịp trong 6 tháng nữa?

Theo văn bản mới đây nhất, lãnh đạo Công ty cổ phần Khoáng sản luyện kim Hà Nội cho biết công ty đã và đang phối hợp với các đơn vị tư vấn chuyển giao công nghệ hàng đầu của Trung Quốc và VN như Trường ĐH KH-CN Côn Minh (Trung Quốc), Viện KH-CN VN, Viện Khoa học xây dựng, Viện Kinh tế Bộ Xây dựng, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và một số đơn vị tư vấn trong và ngoài nước tư vấn thiết kế, thẩm định công nghệ xử lý nix thải và chuyển giao công nghệ cho nhà máy.

Đại diện Công ty cổ phần Khoáng sản luyện kim Hà Nội cũng cho rằng với công nghệ hoàn nguyên thể lỏng nhằm xử lý nix thải thu hồi sắt và tận thu các sản phẩm đi kèm, kết quả sau hoàn nguyên nix thải sẽ cho các vật liệu, sản phẩm thân thiện với môi trường và có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, trao đổi với một số chuyên gia chiều 17-6, đa số ý kiến đều cho rằng việc áp dụng công nghệ hoàn nguyên thể lỏng đối với một số kim loại là không mới, nhưng việc áp dụng công nghệ hoàn nguyên thể lỏng nhằm xử lý nix thải thu hồi sắt thì rất mới khi áp dụng tại VN.

Mặc dù thừa nhận tiến độ hoàn thành nhà máy đang bị chậm, các khâu thẩm định công nghệ, chế biến và chuyển giao công nghệ cho nhà máy vẫn chưa xong, nguồn vốn vay cũng chưa được bất kỳ ngân hàng hay tổ chức tín dụng nào cấp, nhưng lãnh đạo Công ty cổ phần Khoáng sản luyện kim Hà Nội vẫn khẳng định: “Công ty đã và đang củng cố lực lượng cán bộ chuyên môn, cán bộ quản lý, thường xuyên phối hợp với các nhà thầu và các đơn vị liên quan khẩn trương tiến hành các nội dung công việc về thực hiện công tác đầu tư dự án Nhà máy xử lý nix thải Ninh Thủy”.

Theo luật định, trong sáu tháng nữa nếu dự án không được triển khai đúng tiến độ thì sẽ đến hạn thu hồi.

TS LƯU PHƯƠNG MINH (chủ nhiệm bộ môn thiết bị và công nghệ vật liệu cơ khí, khoa cơ khí Đại học Bách khoa TP.HCM):

Liệu dự án có khả thi?

Đứng về góc độ kỹ thuật, việc tận thu nix thải để làm ra ximăng, gạch... hoặc xử lý lại thành các hạt nix mới là hoàn toàn có thể làm được, nhưng có khả thi hay không lại phụ thuộc rất lớn vào đầu ra của sản phẩm. Thực tế đã có một số đề xuất thất bại vì không tìm được đầu ra cho sản phẩm.

Việc đầu tư xử lý nix thải cần phân biệt rõ hai cách làm: nếu Công ty Hyundai Vinashin (HVS) tự đầu tư thiết bị, máy móc xử lý chất thải nix do mình thải ra như một yêu cầu bắt buộc thì việc đánh giá tính khả thi của đầu tư đó hoàn toàn khác với một dự án kinh doanh. Các dự án đầu tư xử lý nix thải có mục tiêu là kinh doanh phải có thời gian hoàn vốn, hạch toán lãi lỗ nên phải xét đến rất nhiều yếu tố như vốn đi vay hay vốn tự có, khả năng sinh lợi, thị trường, tính ổn định của nguồn nguyên liệu cung cấp...

Tại sao không đặt vấn đề buộc HVS phải là nhà đầu tư để xử lý hết lượng chất thải do chính mình thải ra? Nếu nhiều năm trước đây các cơ quan chức năng chấp nhận cho HVS sử dụng công nghệ lạc hậu sinh ra nhiều chất thải thì hôm nay không lý gì không thể bắt buộc HVS phải đầu tư xử lý chất thải của mình.

QUỐC THANH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên