Hyundai-Vinashin lại thải hạt nix: Yêu cầu Khánh Hòa báo cáoHyundai - Vinashin đã sử dụng hạt nix mớiHyundai - Vinashin lại sử dụng hạt Nix: Bộ cấm, tỉnh cho phép
Phóng to |
Gần 1 triệu tấn hạt nix thải vẫn chưa được xử lý - Ảnh: Lưu Thái Văn Chương |
Cách đây hơn một năm, lễ khởi công xây dựng nhà máy xử lý nix thải ở xã Ninh Thủy (huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) được tổ chức hoành tráng, rầm rộ với sự có mặt của nhiều quan chức trung ương cũng như địa phương.
Lời hứa... gió bay
Theo dự kiến của chủ đầu tư dự án này là Công ty cổ phần Khoáng sản luyện kim Hà Nội, đầu năm 2011 phải lắp đặt xong toàn bộ máy móc thiết bị của nhà máy. Thậm chí thời gian vận hành thử, đưa nhà máy đi vào hoạt động chính thức được cam kết là tháng 3-2011. Nhưng nay đã giữa tháng 6-2011, ngoài san lấp mặt bằng, xây dựng một kè đá, chưa có mét nhà xưởng nào được dựng lên.
Một công nhân bảo vệ trông coi máy móc của nhà thầu phụ tại dự án cho hay từ sau Tết Nguyên đán 2011 đến nay các hoạt động thi công ở đây đã ngưng. Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong - cơ quan cấp phép đầu tư cho dự án - thừa nhận dự án triển khai chậm so với tiến độ. Còn theo báo cáo của chủ đầu tư thì giá trị khối lượng của dự án đạt hơn 100 tỉ đồng, chưa đến 8% tổng mức đầu tư.
Trong khi đó, tại lễ khởi công nhà máy hôm 8-12-2009, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Phạm Khôi Nguyên đã khẳng định khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường, sản xuất nhiều sản phẩm từ chất thải nix, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, tạo điều kiện hoạt động cho các doanh nghiệp sửa chữa tàu biển tiếp tục phát triển.
Cũng hôm đó, chủ đầu tư tuyên bố việc xây dựng nhà máy xử lý nix thải ở Ninh Thủy sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do nix thải gây ra bằng các công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, phù hợp với quan điểm phát triển bền vững của VN.
Chủ đầu tư còn cam kết hoàn thành đúng tiến độ, thực hiện đầy đủ các biện pháp đưa ra trong báo cáo đánh giá tác động môi trường...
Theo Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong, tiến độ đăng ký chi tiết của chủ đầu tư thực hiện dự án là hết tháng 3-2010 hoàn thành việc san nền và hạ tầng kỹ thuật của dự án; từ tháng 4 đến tháng 9-2010 hoàn thành xây dựng các hạng mục nhà xưởng công trình; đầu năm 2011 lắp đặt xong máy móc, thiết bị và ngay sau đó đưa nhà máy xử lý nix thải đi vào hoạt động để xử lý 330.000 tấn nix thải/năm cùng nhiều sản phẩm khác.
Thế nhưng tính từ lúc khởi công đến nay đã 18 tháng, còn tính từ lúc cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu (tháng 3-2008) đã hơn ba năm, dự án gần như giậm chân tại chỗ.
Phóng to |
Dự án nhà máy xử lý nix thải đến nay vẫn là một bãi đất trống (ảnh chụp ngày 10-6) - Ảnh: T.Thắng |
Chưa vay được vốn
HVS nằm trong “danh sách đen” các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải xử lý triệt để. Nhiều tồn tại làm phát sinh ô nhiễm ở HVS được các cơ quan chức năng ghi nhận đã khắc phục và xử lý đạt yêu cầu, nhưng “núi” nix thải ước hơn 800.000 tấn sau hơn một thập niên làm nguyên liệu trong sửa chữa tàu biển vẫn là vấn đề môi trường nhức nhối hiện nay.
Khối lượng chất thải khổng lồ này đang trông chờ vào giải pháp xử lý gần như duy nhất hiện đang bị đình trệ là nhà máy xử lý nix thải của Công ty cổ phần Khoáng sản luyện kim Hà Nội. Hiện cả HVS và các nhà quản lý tỉnh Khánh Hòa không một ai dám khẳng định dứt khoát đến bao giờ đống nix thải khổng lồ kia sẽ được xử lý.
Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong cho biết đã có nhiều văn bản đôn đốc, nhắc nhở chủ đầu tư đảm bảo tiến độ cũng như khẩn trương hoàn thiện các thủ tục theo yêu cầu của các cơ quan chức năng. Ban quản lý cũng đang hỏi ý kiến Bộ Kế hoạch - đầu tư với những dự án đã làm một số hạng mục và dừng lại thì sẽ xử lý thế nào. Lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong nói dự án hầu như đã dừng lại khoảng một năm nay.
“Họ chủ yếu là san nền, làm cầm chừng”, vị lãnh đạo này đánh giá, đồng thời nhấn mạnh nguyên tắc “nếu dự án không có tiến triển gì thì mình phải thu hồi thôi”.
Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong cho rằng nguyên nhân chậm tiến độ của dự án là do năng lực tài chính của chủ đầu tư dự án. Họ kỳ vọng vay vốn được của ngân hàng nhưng đến nay chưa gỡ được chỗ này.
Liên quan đến vấn đề vay vốn, Ngân hàng Phát triển VN chi nhánh tại Khánh Hòa - nơi chủ đầu tư nộp hồ sơ vay vốn - cho biết từ tháng 3-2011, ngân hàng này đã có văn bản chính thức gửi UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định chấp thuận về nguyên tắc đối với dự án tối đa là 70% chi phí đầu tư tài sản cố định của dây chuyền hoàn nguyên sắt từ phế thải nix.
Tuy nhiên, theo Ngân hàng Phát triển VN, kết quả thẩm định cho thấy dự án còn tồn tại một số vấn đề nên đã có văn bản đề nghị chủ đầu tư báo cáo rõ, cụ thể như: báo cáo tình hình quan hệ tín dụng của chủ đầu tư và báo cáo tài chính của chủ đầu tư. Theo Ngân hàng Phát triển VN chi nhánh tại Khánh Hòa, đến nay các yêu cầu này chưa được chủ đầu tư phản hồi.
Lưu ý về tính khả thi của nguồn vốn đầu tư, Ngân hàng Phát triển VN nêu rõ đến nay (tháng 3-2011), chủ đầu tư chưa báo cáo rõ về tình hình góp vốn điều lệ của chủ đầu tư cũng như số vốn đã thực góp. Vì vậy chưa đủ cơ sở để khẳng định tính khả thi của nguồn vốn tự có và vốn huy động khác tham gia đầu tư dự án.
Nói tóm lại, dù đã hết thời hạn dự kiến đưa vào hoạt động, dự án nhà máy xử lý nix thải về cơ bản vẫn còn nằm trên giấy, thậm chí tiền vẫn chưa có. Tất nhiên là chưa một tấn nix thải nào được xử lý như đã cam kết.
HVS phải chịu trách nhiệm xử lý nix thải Lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong khẳng định trách nhiệm chính trong việc xử lý nix thải là của HVS. Và cho đến khi nào nix thải chưa được giải quyết thì HVS vẫn còn trách nhiệm. UBND tỉnh Khánh Hòa cũng nêu rõ chất thải nix do HVS thải ra nên doanh nghiệp này phải chịu trách nhiệm đến cùng việc xử lý toàn bộ khối lượng nix thải. Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo của HVS nói sau khi ký hợp đồng với Công ty cổ phần Khoáng sản luyện kim Hà Nội, đơn vị này đã bàn giao nix thải có ba bên, gồm: Sở Tài nguyên - môi trường Khánh Hòa, chủ đầu tư dự án xử lý nix thải và HVS. Theo đó, chủ đầu tư dự án xử lý nix thải phải chịu trách nhiệm về quản lý cũng như bảo quản, còn HVS chỉ hỗ trợ tiền bảo quản, sau khi nhà máy đi vào hoạt động HVS sẽ trả cho chủ đầu tư 5,5 USD/tấn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận