03/06/2011 11:36 GMT+7

Qua Nga làm thợ may "đen"

HỒ VĂN - THIÊN PHÚC
HỒ VĂN - THIÊN PHÚC

TT - Với chiêu bài lương cao và đi miễn phí, những tay “cò” đã dụ người lao động qua Nga làm việc như nô lệ cho các xưởng may “đen” - xưởng may không có giấy phép hoạt động của người Việt ở Nga.

Sáng 24-5, anh Nguyễn Văn Xuân (33 tuổi, ngụ xã Bàu Cát, huyện Long Thành, Đồng Nai) về đến sân bay Tân Sơn Nhất sau hơn một tháng làm thợ may tại Nga và nhanh chóng được người nhà đưa thẳng vào Bệnh viện Long Thành cấp cứu.

Làm đến đổ bệnh

Tại Bệnh viện Long Thành, anh Xuân cho biết anh cùng nhiều lao động khác (là công nhân may ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch) được người hàng xóm giới thiệu với một “cò” tuyển dụng lao động tại Nghệ An tên Dần để qua Nga làm việc với thu nhập 500 USD/tháng và chỉ làm việc tám giờ/ngày, tăng ca có thể hơn 1.000 USD/tháng. Ham lương cao, anh Xuân cùng nhiều lao động khác đồng ý để ông Dần lo mọi thủ tục đi Nga vào ngày 8-4, nhưng thực tế công việc ở đây hoàn toàn trái ngược với những lời “đường mật” của ông Dần.

“Vừa đến Nga, các chủ xưởng giữ hết giấy tờ, bắt mỗi người chúng tôi phải ký giấy nợ 2.200 USD và họ sẽ trừ vào tiền lương hằng tháng. Đây là số tiền mà họ cho là đã bỏ ra làm thủ tục để đưa chúng tôi qua Nga. Ngoài ra, mỗi lao động còn phải nộp cho chủ xưởng 1.700 USD/năm (gọi là tiền khẩu, theo lời chủ xưởng thì họ phải chi cho chính quyền sở tại). Như vậy, mỗi lao động vừa đặt chân tới Nga đã mang số nợ gần 4.000 USD” - anh Xuân kể.

Theo anh Xuân, mỗi ngày anh và hàng chục lao động khác cùng xưởng phải làm quần quật 14-15 giờ. Lúc nhiều hàng, mọi người phải còng lưng đạp máy may thâu đêm suốt sáng và chỉ được nghỉ vào giờ ăn nên ai cũng bị mất sức đến héo khô cả người.

Đồng thời làm việc ở đây không ai được phép ra ngoài. Làm việc khổ sai như thế nhưng tới tháng các lao động không dư được đồng nào vì bị các chủ xưởng trừ hết vào nhiều khoản như tiền cơm, tiền lưu trú và tiền nợ.

Cũng được ông Dần đưa qua Nga ngày 4-5, hai chị em Đặng Lê Phương Thảo và Đặng Trần Thị Bích Phượng (nhà ở Long Phước, Long Thành, Đồng Nai) làm việc cho một xưởng khác cũng của người Việt. Thảo kể cô cùng hàng chục lao động khác được đưa vào làm việc trong xưởng may hôi hám, tồi tàn tại một tòa nhà 4 tầng bỏ hoang. Kể từ khi vào đó cô và đồng nghiệp phải tuân lệnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Muốn về nước phải đóng tiền chuộc

Chịu không thấu sự bóc lột của các chủ xưởng nên anh Xuân cùng nhiều lao động khác xin được về Việt Nam. Lúc này chủ xưởng yêu cầu các công nhân phải trả hết món nợ “trên trời” mà chúng đặt ra mới cho về.

Ngày 23-5, gia đình anh Xuân phải vay 28 triệu đồng gửi vào tài khoản của chủ xưởng ở Nga. Nhận được tiền, chủ xưởng mới chịu mua vé máy bay cho anh Xuân về nước, trước khi về anh Xuân còn bị chủ xưởng ép ký thêm giấy nợ 32 triệu đồng.

Cùng ngày anh Xuân về, bà Nguyễn Thị Vân, mẹ của chị Phương Thảo, đã gửi 86 triệu đồng qua cho một chủ xưởng ở Nga để chuộc chị Thảo và chị Bích Phượng về. Bà Vân cho biết phải cầm cố sổ đỏ của gia đình để vay tiền chuộc con, cháu. Đến ngày 25-5, chị Thảo và chị Phượng đã về đến Việt Nam sau gần một tháng sống kiếp lao động khổ sai ở Nga...

Xưởng may “đen”

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, hầu hết lao động nói trên đều là nạn nhân trong các xưởng may “đen” của người Việt ở Nga. Những xưởng này hoạt động và tồn tại nhờ sự bảo kê của chính quyền sở tại. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết hầu hết xưởng may như vậy đều không có giấy phép hoạt động.

Họ tuyển và gom lao động qua bạn bè, người thân rồi đưa qua Nga bằng con đường du lịch nên các lao động trở thành lao động bất hợp pháp nơi xứ người, không được sự bảo hộ của luật pháp Nga. Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng khó giúp đỡ được người lao động vì không kiểm soát được các kênh lao động chui.

Ông Nguyễn Xuân Vui, tổng giám đốc Công ty xuất khẩu lao động Airseco, cho biết hiện ở Nga có hàng chục ngàn lao động người Việt đang làm việc bất hợp pháp cho các xưởng may “đen”. Ngoài việc cày không lương (vì bị các chủ xưởng trừ hết vào các khoản tự họ đặt ra), người lao động còn phải làm việc chui nhủi vì sợ cảnh sát bắt. Các chủ xưởng sẵn sàng bỏ rơi người lao động khi bị cảnh sát truy quét.

Ông Vui cho biết từ năm 2008, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đã có những cảnh báo về tình trạng lao động bị bóc lột trong các xưởng may “đen” ở Nga. Nhưng đến nay tình hình không biến chuyển mà lao động bất hợp pháp người Việt qua Nga lại có phần tăng cao do hoạt động hiệu quả của đường dây cò mồi có chân rết tại các làng quê Việt Nam.

HỒ VĂN - THIÊN PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên