13/05/2011 07:50 GMT+7

Duy trì hòa bình, ổn định trên biển Đông

HƯƠNG GIANG ghi
HƯƠNG GIANG ghi

TT- Bên lề hội nghị tổng kết công tác phân giới, cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc do Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 12-5, Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn đã trả lời báo chí về tình hình giải quyết tranh chấp trên biển Đông. Ông Hồ Xuân Sơn nói:

dANly3CI.jpgPhóng to

Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn - Ảnh: H.Giang

- Vấn đề biển Đông có tranh chấp phức tạp. Chúng ta đã giải quyết được tranh chấp với Trung Quốc trên vịnh Bắc bộ nhưng vùng ngoài cửa vịnh Bắc bộ vẫn còn khu vực chồng lấn chưa giải quyết được. Với quần đảo Hoàng Sa, tranh chấp chỉ giữa ta và Trung Quốc. Riêng quần đảo Trường Sa, đây là khu vực tranh chấp phức tạp hơn vì liên quan tới nhiều nước, nhiều bên: Indonesia, Philippines, Malaysia, Đài Loan, Trung Quốc.

Chúng ta chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước luật biển 1982. Trong khi tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài, chúng ta phải duy trì hòa bình, ổn định, thực hiện Tuyên bố về ứng xử trên biển Đông giữa Trung Quốc và Asean (DOC) năm 2002, trong đó có quy định rõ các bên phải bảo vệ hòa bình, ổn định, không làm phức tạp thêm tình hình. Trên cơ sở đó, chúng ta thúc đẩy giải quyết tranh chấp với các bên liên quan, đồng thời tiến hành tham khảo, trao đổi để hợp tác trên các lĩnh vực ít nhạy cảm, không ảnh hưởng yêu sách về chủ quyền của mỗi bên như cứu hộ, cứu nạn, khí tượng thủy văn,...

Với Trung Quốc, chúng ta đang thúc đẩy đối thoại song phương để giải quyết vấn đề trên biển. Hai bên đã nhất trí sẽ cùng nhau xây dựng thỏa thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển; sau đó chúng ta có thể mở ra các diễn đàn giải quyết tranh chấp, chẳng hạn như đàm phán về phân định khu vực cửa vịnh Bắc bộ.

Hiện hai bên đã đàm phán được năm vòng cấp chuyên viên và dự kiến vòng tiếp theo sẽ diễn ra cuối tháng 5, đầu tháng 6 năm nay ở Bắc Kinh. Các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo trong đàm phán là những nguyên tắc cơ bản nhất đã được luật pháp quốc tế và cộng đồng quốc tế công nhận cũng như các thỏa thuận đã có giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.

Ví dụ như Công ước luật biển 1982, DOC năm 2002 giữa Asean và Trung Quốc, hay như giữa lãnh đạo cấp cao hai nước đã có thỏa thuận về xây dựng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc. Trong quá trình đàm phán phải giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, không để tranh chấp tổn hại tới quan hệ lớn giữa hai nước.

Với các nước khác, chúng ta đang có đối thoại rất tốt: chúng ta đã hợp tác xây dựng báo cáo chung về ranh giới ngoài thềm lục địa với Malaysia; đang bàn với Indonesia về việc giải quyết ranh giới vùng đặc quyền kinh tế; với Philippines, chúng ta đang thúc đẩy hợp tác về nghề cá... Thậm chí chúng ta có thể tiến tới đối thoại ba bên Việt Nam - Thái Lan - Malaysia về vùng chồng lấn giữa ba nước.

* Thỏa thuận mà hai bên đang hướng tới có đề cập việc bảo vệ ngư dân không, thưa ông?

- Trong đàm phán với Trung Quốc, ngoài việc giải quyết tranh chấp chủ quyền, chúng tôi thường xuyên trao đổi về việc bảo vệ ngư dân. Hiện nay, vấn đề ngư dân bị bắt khi đang hoạt động bình thường trên biển là vấn đề nhạy cảm, không những ảnh hưởng cuộc sống của người dân mà cả tâm tư, tình cảm của người dân mỗi nước. Nếu giải quyết không tốt sẽ tác động đến quan hệ song phương và thậm chí gây khó khăn cho đàm phán giải quyết tranh chấp.

Vừa rồi hai bên đã nhất trí cố gắng xây dựng cơ chế hợp tác để xử lý vấn đề này. Phía Việt Nam đã giao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tôi biết bộ này đang tích cực đàm phán, trao đổi với các cơ quan hữu quan của Trung Quốc để sớm xây dựng cơ chế xử lý. Ngoài ra, vấn đề cứu hộ, cứu nạn trên biển, đặc biệt là cứu hộ, cứu nạn ngư dân khi gặp bão, cũng là vấn đề nổi cộm và hai bên đang phối hợp để giải quyết.

* Xin ông nói rõ hơn cách tiếp cận song phương và đa phương của Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp trên biển Đông?

- Trong vấn đề biển Đông, có những vấn đề song phương và đa phương. Ví dụ: vấn đề ngoài cửa vịnh Bắc bộ và Hoàng Sa chỉ là song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc. Vấn đề Trường Sa thì không thể chỉ có Việt Nam và Trung Quốc vì còn liên quan đến nhiều bên khác. Hiện chúng ta đã nói rõ chủ trương của chúng ta là cần phải trao đổi với các bên liên quan trực tiếp để cùng nhau giải quyết vì tranh chấp có liên quan đến nhiều nước, nhiều bên.

Trước mắt, chúng ta phải làm sao giữ hòa bình, ổn định trên biển Đông, đây cũng là vấn đề đa phương vì không chỉ liên quan đến các nước ven biển Đông mà còn liên quan tới lợi ích của các nước ngoài biển Đông như Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, Mỹ...

* Asean mong muốn sẽ có được Bộ quy tắc về ứng xử trên biển Đông (COC) vào năm 2012. Xin ông cho biết giữa Asean và Trung Quốc có lộ trình như thế nào để đạt được mục tiêu này?

- Đến nay, các bên - kể cả Trung Quốc - đều khẳng định sẽ thực hiện nghiêm túc DOC. DOC tốt nhưng phải tiếp tục thúc đẩy để có được COC với cơ sở pháp lý cao hơn. Asean cơ bản đã nhất trí phấn đấu thỏa thuận được COC vào năm 2012, nhưng để thực hiện được điều này phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc. ASEAN phải thúc đẩy Trung Quốc cùng tham gia. Trước hết cần hợp tác giải quyết những bất đồng còn tồn tại liên quan đến việc thực hiện DOC.

Xây dựng đường biên giới hợp tác, phát triển

Ngày 12-5, Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị tổng kết công tác phân giới, cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Báo cáo tại hội nghị nhấn mạnh: sau hơn 30 năm, quá trình đàm phán về biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn tất. Toàn bộ tuyến biên giới đất liền dài 1.450km, trong đó có 400km đường biên giới sông suối, được cắm mốc hoàn chỉnh.

Trong báo cáo tổng kết trình bày tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Hồ Xuân Sơn cho biết để xác định rõ ràng biên giới Việt Nam - Trung Quốc, hai nước đã tiến hành ba lần đàm phán trong những năm 1970 nhưng bị gián đoạn do các biến cố lịch sử. Ngay sau khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1991, hai bên nối lại đàm phán.

Ngày 30-12-1999, Việt Nam và Trung Quốc ký kết hiệp ước về biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, đặt nền tảng cho việc xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, lâu dài giữa hai nước. Hiệp ước này ghi nhận toàn bộ hướng đi của đường biên giới từ tây sang đông, giải quyết 289 khu vực có nhận thức khác nhau nhưng chưa giải quyết được như thác Bản Giốc, cửa sông Bắc Luân...

Hiệp ước năm 1999 là cơ sở pháp lý cho việc phân giới cắm mốc trên biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Tuy nhiên hiệp ước này mới chỉ xác định đường biên giới bằng lời văn và trên bản đồ. Nhằm thực thi chủ quyền quốc gia, quản lý và bảo vệ lãnh thổ trên thực địa, hai bên đã tiến hành đàm phán phân giới cắm mốc để chuyển đường biên giới từ lời văn ra thực địa. Tháng 12-2001, hai bên cắm cột mốc đầu tiên tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). Từ tháng 10-2002, hai bên đồng loạt triển khai phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới. Ngày 31-12-2008, hai bên giải quyết dứt điểm các vấn đề lớn còn tồn tại và chủ tịch hai đoàn đàm phán đã ra tuyên bố chung về việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc đất liền Việt Nam - Trung Quốc.

Sau ngày 31-12-2008, hai nước đã tập trung đàm phán về ba văn kiện là nghị định thư về phân giới cắm mốc, hiệp định về quy chế quản lý biên giới, hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu. Ngày 18-11-2009, hai bên ký ba văn kiện này, hoàn tất quá trình phân giới cắm mốc đất liền giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm chỉ rõ năm nhiệm vụ cần tiếp tục quán triệt trong thời gian tới: các bộ, ngành và địa phương cần phối hợp chặt chẽ, triển khai có hiệu quả các văn kiện biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc; phối hợp, hợp tác chặt chẽ với phía Trung Quốc trong việc quản lý đường biên giới; các địa phương biên giới phía bắc mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế, phục vụ phát triển kinh tế của địa phương; kiện toàn bộ máy tổ chức ban chỉ đạo về biên giới đất liền từ trung ương đến địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền cả ở trong và ngoài nước để dư luận thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc hoàn thành phân giới cắm mốc và giải quyết dứt điểm vấn đề biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc.

H.G.

HƯƠNG GIANG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên