27/04/2011 07:26 GMT+7

Vụ dây cáp điện thoại gây tai nạn: Nạn nhân đã tử vong

BÍCH TRÂN
BÍCH TRÂN

TT - 9g15 ngày 26-4, nạn nhân Lý Văn (Tuổi Trẻ ngày 20 và 22-4) đã tử vong. Bác sĩ Lưu Thành Nam, phó khoa chấn thương sọ não Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết bệnh nhân bị chấn thương đầu nặng, sau hai lần chụp CT cho thấy tình trạng xuất huyết não ngày càng nhiều. Khuya 25-4, bệnh nhân trở nặng, phải đặt nội khí quản và đến sáng thì qua đời.

Read this on Tuoitrenews.vnDây cáp điện thoại gây tai họaCáp viễn thông gây họa: có thể khởi tố

sLOksy5j.jpgPhóng to
Sáng 19-4, nhân viên Công ty viễn thông Tây TP.HCM buộc lại lưới dây ở ngã tư Trần Phú - Nguyễn Tri Phương (Q.5, TP.HCM) nơi ông Lý Văn gặp tai nạn - Ảnh: Bích Trân

15g ngày 26-4, tại Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 5, đại diện Công ty Điện lực Chợ Lớn (EVN Chợ Lớn) đã lập biên bản mở niêm phong và bàn giao tang vật cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 5 dưới sự chứng kiến của đại diện Công ty viễn thông quân đội Viettel (Viettel Telecom), Công ty dịch vụ viễn thông CMC, Công ty CP viễn thông FPT (FPT Telecom), Công ty điện thoại VNPT (VNPT). Biên bản này đồng thời được gửi đến Viện KSND quận 5 để báo cáo.

Theo biên bản của EVN Chợ Lớn ngày 19-4, tại hiện trường vụ tai nạn, với sự tham dự của đại diện VNPT và Viettel, ba đơn vị này đưa ra nhận định đây là cáp viễn thông của FPT Telecom.

Tuy nhiên, FPT Telecom khẳng định đây không phải là sợi cáp của họ. Trong ngày 20-4, FPT Telecom đã cùng cảnh sát giao thông quận 5, EVN Chợ Lớn, Công ty điện thoại Tây TP.HCM, Viettel, CMC quay lại hiện trường và dò tìm điểm tập kết của sợi cáp. FPT Telecom cho biết thêm sợi dây cáp không thể tự rớt xuống đường mà có thể có lý do khách quan làm đứt và bung ra khỏi bó cáp.

Đồng thời trong chiều 21-4, trong lúc quay lại hiện trường, VNPT cũng cho biết cáp bị bung và đứt vỏ, VNPT phải dùng băng keo quấn và cho bó cáp lại. Đại diện FPT Telecom cho biết thêm bó cáp viễn thông trên trụ có thể không đạt tiêu chuẩn chiều cao quy định nên cần đo đạc chính xác.

Hiện tại các công ty điện lực trực thuộc Tổng công ty Điện lực TP.HCM là các đơn vị phải thực hiện việc chỉnh trang cáp của tất cả các đơn vị viễn thông có hợp đồng thuê trụ của mình, đảm bảo độ cao bó cáp đúng tiêu chuẩn.

Đại diện Công an quận 5 cho biết sau khi tiếp nhận hồ sơ và tang vật của vụ việc, cơ quan sẽ tiếp tục lấy lời khai và thông tin từ từng đơn vị có liên quan nhằm điều tra nguyên nhân gây ra vụ tai nạn. Trong trường hợp không đơn vị nào thừa nhận trách nhiệm hoặc quá trình điều tra có phát hiện các mâu thuẫn thì có thể dựng lại hiện trường để xác định nguyên nhân.

Anh Lý Khải Tân, con trai nạn nhân Lý Văn, chia sẻ cha anh trước thời điểm xảy ra tai nạn còn rất khỏe. Hằng ngày ông vẫn đạp xe đi tập thể dục từ 5g đến khoảng 8g. Sáng đó, đã quá giờ về mà gia đình chưa thấy ông nên bắt đầu lo lắng và sau đó nhận được tin từ phía công an. Gia đình hiện nay đang tập trung lo hậu sự cho ông, còn thi thể ông phải chuyển vào nhà vĩnh biệt Bệnh viện Chợ Rẫy để được khám nghiệm tử thi theo quy trình điều tra.

* LS Bùi Quang Nghiêm:

Phải quyết liệt truy trách nhiệm

Vấn đề đặt ra khi các tai nạn xảy ra là cần phải có đánh giá khách quan về trách nhiệm của cả hai nơi: cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị kinh tế là chủ đầu tư. Khi có sự cố, tai nạn, các công chức nhà nước thường nghĩ ngay đến “thiệt hại do thiên tai” như một sự lạm dụng.

Thực tế qua một số vụ tai nạn trước đây cho thấy chủ đầu tư khi thiết kế, thi công các trụ cáp điện, cáp viễn thông, các điểm đấu nối ở các hệ thống chiếu sáng công cộng, các thiết bị đặt ở các không gian công cộng... lắm khi không tuân thủ các quy chuẩn về chất lượng đảm bảo an toàn cho con người và tài sản, phó mặc cho kỹ thuật viên trực tiếp thi công; các cơ quan nhà nước quản lý lại thiếu kiểm tra, giám sát sau khi cấp phép.

Tôi cho rằng khi các tai nạn “trên trời rơi xuống” xảy ra tương tự như kể trên thì phải quyết liệt truy trách nhiệm, kể cả trách nhiệm cá nhân. Không thể lấy lý do luật không đầy đủ hoặc không rõ ràng để bỏ qua hoặc giải quyết vụ việc một cách qua loa chiếu lệ.

* Thẩm phán Vương Văn Nghĩa (tòa hình sự TAND TP.HCM):

Khó khởi tố vụ án

Theo tôi, đơn vị quản lý dây cáp điện thoại gây tai nạn phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại vật chất (chi phí cứu chữa...) và thiệt hại tinh thần cho ông Lý Văn.

Vấn đề trách nhiệm của cơ quan chủ quản phải bồi thường về mặt dân sự cho các nạn nhân trong hai vụ tai nạn đã rõ theo Bộ luật dân sự. Tuy nhiên, muốn xử lý hình sự lại không đơn giản. Bởi vì trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của cá nhân, không phải trách nhiệm của tập thể đơn vị chủ quản đường dây cáp thông tin đó. Cho nên muốn xử lý hình sự cần phải điều tra, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân có liên quan.

Ở vụ án “cục bêtông gây chết người” mà Công an huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai vừa khởi tố, hành vi thiếu trách nhiệm của người thi công công trình rất rõ khi để chướng ngại vật nguy hiểm cản trở giao thông. Trong vụ cáp thông tin, không hẳn nguyên nhân cáp đứt, cột cáp điện thoại đổ... là do bất khả kháng (mưa, gió...) mà theo tôi một phần là do chất lượng cáp, cột không đảm bảo.

Rõ ràng cũng có sự thiếu trách nhiệm của người được phân công giám sát, bảo trì hệ thống cáp thông tin, nhưng hành vi thiếu trách nhiệm này ở mức độ nào cần phải chứng minh được cụ thể nhân viên nào được giao nhiệm vụ quản lý, giám sát hệ thống cột, cáp thông tin tại nơi đó, nhân viên đó có biết được tình trạng cột, cáp thông tin xuống cấp đến nỗi chỉ cần mưa to gió lớn là đổ, là đứt hay không? Nếu chứng minh được điều đó thì mới có thể xử lý hình sự.

BÍCH TRÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên