24/03/2011 10:26 GMT+7

Nhiều dự luật... lùi mãi

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Sáng nay 24-3, các đại biểu Quốc hội họp tại tổ để thảo luận về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội.

Tại Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, đa số ý kiến cho rằng với khoảng 60 luật, pháp lệnh được thông qua, các phiên chất vấn diễn ra đều đặn và sôi động, điều trần tại các ủy ban được thí điểm… chứng tỏ Quốc hội đang có bước tiến mới về dân chủ và hiệu quả hoạt động.

Điều hành vẫn nặng về ứng phó

HgdTyPR3.jpgPhóng to
Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào - Ảnh: V.Dũng

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Đào, trong nhiệm kỳ bốn năm, Quốc hội thông qua một số luật rất quan trọng, áp dụng nhanh chóng vào cuộc sống, điều chỉnh các vấn đề bức xúc, cần thiết trong xã hội.

Tuy vậy, với tư cách là một đại biểu Quốc hội, ông Đào phàn nàn về “sự thay đổi chương trình quá nhiều, nhất là chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, cứ đưa vào rút ra, làm cho các đại biểu Quốc hội nhiều khi không chủ động được việc nghiên cứu tài liệu. Có những đạo luật do chưa được nghiên cứu kỹ, chỉ mới trình lên một ủy ban của Quốc hội đã phải gác lại với lý do chất lượng”.

Cũng bức xúc vì tình trạng tài liệu các cơ quan soạn thảo chuyển đến cho đại biểu Quốc hội quá chậm, có những luật sau năm ngày khai mạc kỳ họp thì mới đến tay đại biểu Quốc hội, phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội Chu Sơn Hà cho rằng lý do là Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định rất rõ thời hạn gửi văn bản, tài liệu cho đại biểu Quốc hội nhưng các cơ quan chức năng không thực hiện nghiêm thì Quốc hội cũng không kiên quyết loại bỏ các dự án luật đó ra. Nhiều dự luật cứ xếp gạch rồi để đó như Luật biển Việt Nam, Luật báo chí (sửa đổi), Luật đất đai… cứ lùi mãi, lùi mãi”.

Để chấm dứt tình trạng trên, đại biểu Đặng Văn Khanh - Viện trưởng VKSND Hà Nội cho rằng “Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi xem xét đưa các dự án này ra Quốc hội thì cần kiên quyết hơn, không nên đưa ra Quốc hội những dự án luật nội dung chuẩn bị chưa tốt, hoặc chưa có tính cấp bách”.

Đại biểu Khanh và đại biểu Đào cùng cho rằng với những nội dung quyết định mang tính pháp lệnh như các chỉ tiêu lạm phát, tăng trưởng…, trong nghị quyết kinh tế xã hội; chương trình xây dựng pháp luật hàng năm thì Quốc hội phải yêu cầu Chính phủ và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm, nếu không nghị quyết của Quốc hội chỉ mang tính hình thức.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên