24/03/2011 08:06 GMT+7

Điều hành vẫn nặng về ứng phó

V.V.THÀNH - L.KIÊN
V.V.THÀNH - L.KIÊN

TT - Ngày 23-3, Quốc hội thảo luận ở tổ về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007-2011 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Read this on Tuoitrenews.vn

8ZImrM8J.jpgPhóng to
Đại biểu Huỳnh Thành Lập phát biểu ở phiên thảo luận tổ ngày 23-3 Ảnh: V.DŨNG

Nhận xét về báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các đại biểu cho rằng nhiệm kỳ vừa qua Chính phủ đã điều hành năng động, quyết liệt, sáng tạo, kịp thời giải quyết nhiều vấn đề lớn của đất nước.

Theo đại biểu Trần Du Lịch, về khách quan, trong nhiệm kỳ bốn năm Chính phủ đã mất ba năm phải đối phó với khủng hoảng kinh tế bên ngoài. Đây cũng là nhiệm kỳ nền kinh tế Việt Nam bắt đầu hội nhập đầy đủ và toàn diện với kinh tế toàn cầu, Chính phủ đã thể hiện sự nhạy bén để ứng phó, xử lý các tình huống xảy ra trong bối cảnh thể chế kinh tế nước ta chưa hoàn toàn hội nhập được với “luật chơi” của hệ thống mà chúng ta tham gia.

Chính sách cần ổn định hơn

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) nhận xét trong hoạch định chính sách, điều hành vẫn còn nặng về ứng phó với tình huống, chưa thấy rõ nét những vấn đề mang tính chiến lược và dài hạn. “Có những chính sách thay đổi khá đột ngột, trong khi doanh nghiệp cần chính sách ổn định để có định hướng đầu tư”, ông Hòa cho hay.

“Dù có những tác động khách quan, nhưng gốc rễ của những bất ổn kinh tế Việt Nam là từ cơ cấu bên trong. Vấn đề cần quan tâm là dường như nhiệm kỳ Chính phủ vẫn nặng về mục tiêu tăng trưởng GDP, mà chưa nặng về chất lượng tăng trưởng, chuyển đổi mô hình, tái cấu trúc. Có lần tôi đã phát biểu trước Quốc hội là chúng ta muốn xây một ngôi nhà cao tầng trên một cái móng rất yếu, việc gia cố móng ít được quan tâm hơn là nâng cao tầng. Có hai bài học cần rút ra: thứ nhất về mặt kinh tế, vấn đề không phải là tăng trưởng mà là phát triển bền vững, trong tăng trưởng quan trọng là chất lượng chứ không phải số lượng; thứ hai là giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường, phân rõ việc gì của nhà nước, việc gì của thị trường để tránh lấn sân” - ông Trần Du Lịch nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng: “Ở đây có một vấn đề rất quan trọng là việc cải tổ, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có việc phân định vai trò chủ sở hữu đối với doanh nghiệp làm chậm. Quản lý doanh nghiệp là khâu yếu”.

Đại biểu Ngô Minh Hồng (TP.HCM) nói việc chống tham nhũng có đánh giá là chưa đạt yêu cầu, nhưng cử tri và người dân đánh giá chưa quyết liệt, “đây là vấn đề mà dư luận bức xúc, ví như việc bôi trơn, tỉ lệ ăn chia bây giờ đến 30% chứ không phải 10% hay 5%, chi phí không chính thức của các doanh nghiệp rất lớn”.

“Dàn nhạc phối hợp không tốt”

Đánh giá cao vai trò của Thủ tướng trong tập thể Chính phủ, tuy nhiên ông Trần Du Lịch nói: “Nếu hình dung Chính phủ như một dàn nhạc, Thủ tướng là nhạc trưởng, nhưng trong từng tình huống và từng thời điểm dường như dàn nhạc phối hợp không tốt. Ví dụ, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ có lúc không ăn nhập, cụ thể như trong năm 2010”.

Về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, ông Huỳnh Thành Lập ủng hộ việc Chính phủ trong nhiệm kỳ này đã rút gọn được số bộ và cơ quan ngang bộ so với nhiệm kỳ trước. Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn lưu ý việc tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực là để giảm biên chế nhưng hình như biên chế lại tăng lên, đầu mối bộ giảm nhưng lại sinh ra các tổng cục, “cần nghiên cứu xem có nên tiếp tục sửa đổi không”.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng cần có đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các thành viên Chính phủ trong nhiệm kỳ này, để góp phần phục vụ việc Quốc hội khóa tới bầu, phê chuẩn các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ mới.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) phát biểu: “Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ giống báo cáo về kinh tế - xã hội hơn là báo cáo tổng kết. Lẽ ra báo cáo tổng kết phải đi sâu vào phân tích rằng chức năng, nhiệm vụ được giao như vậy đã thực hiện như thế nào, cái gì làm được và cái gì chưa làm được.

Hơn nữa, Hiến pháp và Luật tổ chức Chính phủ phân định rất rõ quyền hạn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, nhưng đọc báo cáo chỉ thấy đề cập đến hoạt động của Chính phủ chung, còn cá nhân Thủ tướng thì không thấy. Tôi thấy những cái được, những hạn chế, những kinh nghiệm được nêu trong báo cáo mang tính chất kinh điển, nghĩa là nói vào thời điểm nào thì những nội dung như vậy cũng đúng”.

Đại biểu Nguyễn Đăng Kính (Hà Nội):

Nhiều dự án luật chuẩn bị chưa tốt

Trong nhiệm kỳ bốn năm qua, Chính phủ chỉ đạo thực hiện vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Chính phủ cố gắng nhiều. Tuy vậy, tôi và một số cử tri vẫn còn băn khoăn. Tôi mạnh dạn nêu những việc Chính phủ còn thiếu sót: làm luật, cả nhiệm kỳ bốn năm thông qua hơn 60 luật, đại đa số là do Chính phủ đề xuất, nhưng nhiều dự án chuẩn bị chưa tốt, chất lượng chưa cao, khi trình ra Quốc hội phải xin rút hoặc lùi lại, trong đó có Luật thủ đô. Không ít luật ban hành rồi nhưng không đi vào cuộc sống được vì phải chờ nghị định, chờ thông tư.

55fNTZ7v.jpgPhóng to
Ảnh: V.DŨNG

Tầm quản lý vĩ mô còn có vấn đề, nhất là đối với những vụ việc nghiêm trọng. Có những việc nếu không có cử tri, báo chí phản ánh thì Chính phủ không biết. Chẳng hạn như việc cho nước ngoài thuê rừng, dân phát hiện, bức xúc, Chính phủ mới kiểm tra, đây là thiếu sót của Chính phủ. Vụ Vinashin để đến mức trầm trọng rồi mới xử lý, chứ trước đó Chính phủ không nhìn thấy. Nhiều tờ trình, dự án mang tính chủ quan, chất lượng kém do đội ngũ tham mưu chuẩn bị không tốt, chẳng hạn như tờ trình lần đầu về mở rộng thủ đô, hoặc đề án quy hoạch vùng thủ đô...

Tờ trình về mở rộng thủ đô khi bị đại biểu Quốc hội phản ứng, bộ trưởng phải xin lỗi rằng “tôi xem chưa kỹ”. Trong lúc Quốc hội đang bàn xem có quyết định thông qua dự án đường sắt cao tốc hay không, thì phó thủ tướng nói rằng “phải làm đường sắt cao tốc”. Hay là mới ngày hôm trước bộ trưởng, thứ trưởng nói rằng giữ ổn định, không tăng giá xăng dầu, ngày hôm sau tăng luôn.

Đại biểu Ngô Minh Hồng (giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM):

Báo cáo về vụ Vinashin đơn giản quá

Về vụ việc Vinashin, trong báo cáo của Chính phủ nêu đã có kết luận rồi, có thiếu sót, khuyết điểm nhưng đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và xét thấy chưa đến mức phải thi hành kỷ luật. Chỉ nói như vậy thì có lẽ nhân dân không bằng lòng, vì đơn giản quá.

Một tập đoàn nắm giữ tài sản của Nhà nước, tự ý đi kinh doanh, nợ nần như vậy, hiện chúng ta đang vất vả để tái cơ cấu, tốn kém bao nhiêu để khoanh nợ, giãn nợ... Cái gì là trách nhiệm của (lãnh đạo - PV) tập đoàn thì cơ quan điều tra đang làm, nhưng trách nhiệm của Chính phủ, các thành viên Chính phủ đến đâu về việc này thì ít ra phải nói rõ để cử tri biết, để Quốc hội và nhân dân giám sát.

Không thể nói đơn giản là đã có kiểm điểm, rồi không đến mức phải kỷ luật..., như vậy là chưa thuyết phục. Việc mang tài sản của Nhà nước, của nhân dân ra kinh doanh như vậy mà nói thế, đặc biệt là trong công tác chỉ đạo, điều hành, trong vấn đề đặt con người vào chỗ nào, quyết định cho đầu tư làm sao, kiểm toán thế nào, thanh tra thế nào, rồi đi vay về cho vay lại...

Câu chuyện đó đối với nhân dân như thế không ổn, cần phải có giải trình kỹ hơn thì nhân dân mới thấy là chúng ta nghiêm túc.

HdRnVP07.jpgPhóng to
Ảnh: V.DŨNG
V.V.THÀNH - L.KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên