15/02/2011 14:29 GMT+7

Chưa thống nhất đưa cụ rùa lên bờ chữa trị

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO - Sáng nay 15-2, gần 50 nhà khoa học trong nước và quốc tế thuộc các trường đại học, các hội nghề nghiệp, các chương trình bảo vệ rùa cùng đại diện các cơ quan quản lý của TP Hà Nội đã cùng ngồi lại bàn giải pháp tổng thể bảo vệ rùa hồ Gươm.

Read this on Tuoitrenews.vn

Yqlz9wrV.jpgPhóng to
Rùa hồ Gươm nổi lên lần gần đây nhất ngày 9-2 với nhiều vết lở loét trên cơ thể

Trước những vấn đề thực tế đặt ra như môi trường nước tại hồ Gươm ô nhiễm rất nặng, rùa hồ Gươm bị thương tại nhiều vị trí trên cơ thể, đa số ý kiến tham dự hội thảo đề xuất cần phải tiến hành ngay các biện pháp chữa trị các vết thương cho rùa hồ Gươm.

PGS.TS.Hà Đình Đức, một người đã dành gần 20 năm nghiên cứu về rùa hồ Gươm cho rằng từ tình trạng bị thương và lở loét nhiều chỗ, sức khỏe của rùa hồ Gươm gần đây cho thấy nhiều vấn đề bất ổn nếu không có giải pháp chữa trị kịp thời.

"Tiếp tục bàn kỹ"!

Nhiều ý kiến cũng đề xuất đưa rùa hồ Gươm lên bờ phục vụ việc chữa trị, tuy nhiên kết luận buổi hội thảo, giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ HN Lê Xuân Rao khẳng định việc đưa rùa lên bờ chữa trị cần phải tiếp tục bàn kỹ. Trước mắt, Sở này sẽ báo cáo UBND TP Hà Nội cho triển khai ngay các giải pháp nạo vét bùn, bổ cập nguồn nước để pha loãng mức độ ô nhiễm và tiến hành đặt lồng bẫy trong tháng 3-2011 để bắt rùa tai đỏ.

"Đỉnh điểm của sự chậm trễ"!

PGS.TS.Hà Đình Đức thì khẳng định: “Bây giờ chính là đỉnh điểm của sự chậm chễ, vì vậy đây là lần chót, là cơ hội cuối cùng nếu không tiến hành đồng bộ các giải pháp từ cải tạo môi trường hồ Gươm đến nạo vét thu dọn lòng hồ, sức khỏe của rùa hồ Gươm sẽ ngày càng xấu đi”-ông Đức cảnh báo.

Đồng tình với đề xuất của PGS.Hà Đình Đức, TS.Phan Thị Vân, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản cũng cho rằng việc đưa cụ rùa lên bờ chữa trị là rất cần thiết.

TS.Vân cho biết thời gian gần đây, vấn đề sức khỏe của rùa hồ Gươm đang là mối quan tâm lớn của quần chúng và các nhà khoa học. Với những hình ảnh rùa khi nổi lên mang theo hàng loạt vết thương trên mình, bà Vân đồng tình với nhận định sức khỏe rùa hồ Gươm đang xấu đi, đòi hỏi phải có giải pháp cấp bách trong việc điều trị, cách thức chữa trị giống như điều trị bệnh cho các bệnh nhân, nếu không có thể dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.

Tuy nhiên, TS.Vân cũng cho rằng: "Trong bất kỳ trường hợp nào, để có giải pháp phù hợp chữa trị các vết thương, cần phải xác định được nguyên nhân gây bệnh. “Việc xác định nguyên nhân gây bệnh, mức độ tổn thương cho bất cứ loài động vật nào cũng cần phải được xác định theo những nguyên tắc như khảo sát nơi sinh sống, tiếp xúc trực tiếp với động vật, xem xét, lấy mẫu để phân tích là yêu cầu bắt buộc. Trường hợp chưa tiếp xúc được trực tiếp, với những hình bị thương của rùa hồ Gươm, có thể nhận định đa số những vết thương trên cơ thể rùa hồ Gươm là do bị tổn thương cơ học.

Khả năng lớn rùa hồ Gươm bị tổn thương là do các thiết bị câu cá tại hồ như lưỡi câu chùm, lưỡi câu móc, hoặc do cọ sát với các vật sắc nhọn, vật rắn dưới lòng hồ. Sau khi tổn thương cơ học, vác vết thương bị nhiễm khuẩn gây nhiễm trùng và tạo thành các vết lở loét trên cơ thể rùa. Mặc khác, chất lượng nước trong hồ đóng một vai trò quan trọng trong việc gây nhiễm trùng vết thương”- TS. Vân nói.

k4ET8osd.jpgPhóng to
Chuyên gia thủy sản, TS.Nguyễn Viết Vĩnh đề xuất: “Ngoài chữa trị vết thương cho rùa hồ Gươm, TP cần xây dựng trung tâm quan trắc hệ sinh thái và lắp đặt hệ thống camera theo dõi bảo vệ rùa từ xa”

Theo các nhà khoa học quốc tế, từ những dấu hiệu ô nhiễm nặng về nguồn nước của hồ Gươm, việc chữa trị cần phải tiến hành song song với các giải pháp cải tạo môi trường.

“Để có giải pháp tối ưu khi chữa trị các vết thương cho rùa hồ Gươm, chúng tôi cần những hình ảnh rõ nét hơn, thậm chí phải tiến hành ghi hình để phân tích nếu không muốn đưa rùa hồ Gươm lên bờ. Nhóm chuyên gia quốc tế về rùa mai mềm sẵn sàng đến Việt Nam để giúp đỡ việc chữa trị nếu có yêu cầu.

Trước khi việc chữa trị được bắt đầu, TP. Hà Nội cần phải ngăn chặn tình trạng dùng lưỡi câu đánh bắt cá trong hồ, thu dọn các đường ống, làm sạch nguồn nước hồ và nạo vét các lớp trầm tích.

Đồng thời, rất cần thiết phải bổ sung thêm nước vào hồ để làm giảm sự ô nhiễm, tránh làm các vết thương của rùa diễn biến xấu hơn” - ông Timothy McCormack, đại diện chương trình bảo tồn rùa châu Á khuyến cáo.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Cụ rùa định lên bờCụ rùa hồ Gươm bị thươngXin hãy quý trọng cụ rùa!Tám đề xuất của “nhà rùa học”

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên