30/10/2010 07:19 GMT+7

ASEAN đối thoại với các cường quốc

HƯƠNG GIANG
HƯƠNG GIANG

TT - Sáu cuộc gặp chính thức giữa ASEAN và các đối tác, ba sự kiện bên lề và hàng chục cuộc gặp song phương không chính thức đã diễn ra tại Hà Nội ngày 29-10.

lUUhPWAu.jpgPhóng to

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chứng kiến Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo (trái) bắt tay Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan tại bữa tiệc trưa ở Hà Nội ngày 29-10 - Ảnh: AFP

wYpD9MZM.jpgPhóng to
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với các lãnh đạo ASEAN bên lề hội nghị - Ảnh: Việt Dũng

* Hội nghị cấp cao (HNCC) ASEAN - Nhật Bản lần 13: Hội nghị nhấn mạnh quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Nhật Bản là một trong những quan hệ quan trọng hàng đầu của ASEAN. Các nhà lãnh đạo giao các bộ trưởng đề ra các biện pháp cụ thể nhằm tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP).

* HNCC Mekong - Nhật Bản lần 2: Hội nghị đánh giá cao việc hiện thực hóa hai sáng kiến của Việt Nam tại HNCC lần thứ nhất, cụ thể là xây dựng dự án Trung tâm đào tạo nghề Mekong - Nhật Bản đặt tại Vĩnh Phúc và việc Nhật Bản tài trợ các dự án của Ủy hội Mekong nhằm quản lý nguồn nước vào mùa lũ và mùa hạn.

* HNCC ASEAN - Hàn Quốc lần 13: ASEAN hoan nghênh “Sáng kiến châu Á mới” của Hàn Quốc ưu tiên tăng cường hợp tác với ASEAN, nhất trí nâng quan hệ ASEAN - Hàn Quốc thành đối tác chiến lược và thông qua tuyên bố chung về đối tác chiến lược vì hòa bình, thịnh vượng.

* HNCC ASEAN - Trung Quốc lần 13: Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt các nước ASEAN phát biểu: “Quan hệ ASEAN - Trung Quốc có tầm quan trọng đặc biệt với hòa bình, an ninh và phát triển ở Đông Nam Á và Đông Á. Trong nhiều năm qua, quan hệ với Trung Quốc là mối quan hệ phát triển năng động và toàn diện nhất của ASEAN, là nhân tố thúc đẩy quan hệ của ASEAN với các đối tác khác.” Thủ tướng nhấn mạnh cả hai bên cần nỗ lực hơn nữa để biến thỏa thuận và sáng kiến thành hoạt động và kết quả cụ thể.

* HNCC ASEAN+3 (Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc) lần 13: ASEAN đánh giá tiến trình ASEAN+3 đang chứng tỏ là một trong những cơ chế năng động và hiệu quả nhất trong việc thúc đẩy mạnh hợp tác Đông Á, khẳng định đây là một trong những khuôn khổ chính để hướng tới mục tiêu xây dựng cộng đồng Đông Á.

* HNCC ASEAN - Liên Hiệp Quốc lần 3: Hội nghị thống nhất nâng cấp quan hệ ASEAN - Liên Hiệp Quốc trở thành quan hệ đối tác đặc biệt. ASEAN và Liên Hiệp Quốc sẽ tiếp tục duy trì các cơ chế đối thoại và tiếp xúc thường xuyên bên lề các khóa họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Tối 29-10, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đến Hà Nội để tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á.

Trước đó tại Hawaii, bà Clinton cho biết chuyến thăm châu Á của bà và Tổng thống Barack Obama là nhằm duy trì và tăng cường vai trò của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cải thiện an ninh, tăng cường sự thịnh vượng khu vực.

Đề cập chính sách ngoại giao “Triển khai về phía trước” mà Mỹ đang theo đuổi, bà Hillary Clinton khẳng định: “Chúng tôi đang tăng tốc độ và mở rộng quy mô tương tác với khu vực. Chính sách ngoại giao của Mỹ được triển khai theo ba hướng: hình thành nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tương lai, hỗ trợ an ninh khu vực, hỗ trợ các tổ chức dân chủ và quảng bá các giá trị nhân văn phổ thông”.

Tại Việt Nam, như bà Clinton cho biết, Mỹ đang thiết lập cấp độ hợp tác “chỉ 10 năm trước đây vẫn là không tưởng”. “Quan hệ ngoại giao - kinh tế giữa hai nước đang hiệu quả hơn bao giờ hết - bà Clinton tuyên bố - Và mới đây chúng tôi đã mở rộng đàm phán trong lĩnh vực an ninh hàng hải và các vấn đề quốc phòng khác”.

Việt Nam cũng mời Mỹ tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á với vai trò khách mời. Theo bà Clinton, các diễn tiến đó đã mở ra tiến trình hợp tác mới vô cùng quan trọng. “Dù còn bất đồng, nhưng chúng tôi cam kết vượt qua quá khứ để hướng tới một mối quan hệ thành công và thịnh vượng”.

Bà Clinton cho biết tại Diễn đàn khu vực ASEAN, Mỹ đã thảo luận vấn đề an ninh trên biển Đông. “Chúng tôi chào đón các bước của Trung Quốc nhằm bắt đầu các cuộc thảo luận với ASEAN về một bộ quy tắc ứng xử chính thức hơn, mang tính ràng buộc”.

Ngày 29-10, Ngoại trưởng Nhật Seiji Maehara đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì. Cuộc gặp được mô tả là “trong bầu không khí tích cực, bình tĩnh, với quan điểm hướng về phía trước”.

Cuộc gặp ban đầu dự kiến chỉ 30 phút nhưng đã kéo dài tới 1giờ 20 phút. Trong cuộc gặp, hai ngoại trưởng đã đề cập các vấn đề nóng, thu hút sự chú ý của quốc tế như tranh chấp trên biển Hoa Đông, xuất khẩu đất hiếm từ Trung Quốc sang Nhật, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và hoạt động thúc đẩy giao lưu giữa nhân dân hai nước.

Trả lời phỏng vấn báo chí, Ngoại trưởng Nhật Maehara cho biết hai bên đã đồng ý cải thiện mối quan hệ song phương và nối lại đàm phán về dự án khai thác khí đốt chung trên biển Hoa Đông. “Chúng tôi đồng ý sẽ thúc đẩy mối quan hệ chiến lược, cả hai bên cùng có lợi - ông Maehara tiết lộ - Phía Trung Quốc cũng đồng ý như vậy”.

Ông Maehara cũng bày tỏ mối quan ngại của Nhật Bản về chính sách hạn chế xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc. Ông Dương Khiết Trì cam kết Trung Quốc sẽ không sử dụng đất hiếm như một “công cụ mặc cả”. Ông Dương nhấn mạnh: “Chính sách đất hiếm của Trung Quốc dựa trên quan điểm về bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên”.

Tuy nhiên, giữa hai bên vẫn tồn tại nhiều bất đồng. Đại diện Bộ Ngoại giao Nhật tiết lộ trong cuộc họp, hai bên đều tiếp tục khẳng định chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Lo ngại Trung Quốc tăng tàu tuần tra trên biển ĐôngToàn văn bài phát biểu khai mạc hội nghị ASEAN của Thủ tướng Nguyễn Tấn DũngThế giới dồn sự chú ý về Hà NộiASEAN khai mạc với quyết tâm chính trị mạnh mẽAsean cần mạnh bạo và sáng tạo hơn

HƯƠNG GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên