|
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Thuận nói:
Phóng to |
Ông Trần Quốc Thuận - Ảnh: K.H. |
Mua sắm xe công: Thủ tướng bảo dừng, nhiều nơi vẫn muaKhi công bộc xài sangXe công phình lớn
"Nói về tài sản công không nên chỉ dừng ở xe công, mà cần nói đến cả đất đai. Pháp luật không quy định nhưng ở cấp nào đó người ta vẫn có thể phân cho anh này mấy trăm mét, anh kia mấy chục mét. Có thể hợp lý ở điểm nào đó, nhưng không công khai nên khiến nó cứ mập mờ, khó hiểu và dễ sinh lạm dụng" Ông Trần Quốc Thuận |
- Chưa có một thống kê nào về chi phí cho một xe công trong một tháng, một năm vì cái này phụ thuộc vào từng người sử dụng, số kilômet thực tế chạy và chạy vào những việc cụ thể nào.
Nói thật chi phí thực tế của xe công rất vô cùng, khi đã có xe công, thường lãnh đạo thích đi đâu thì đi. Lái xe và chánh văn phòng đều là cấp dưới, người ta thích gian dối thì khai thế nào cũng được. Đi nhậu nhưng người ta bảo đi tiếp khách, đi hội hè thì nói đi công tác, về quê nói đi thực tế, gặp gỡ anh A, anh B cho cơ quan...
* Theo ông đánh giá, một nước còn nghèo như VN, gần 26.000 chiếc xe công là nhiều hay ít? Chi phí cho một chiếc xe công cũng không nhỏ?
- Tôi thấy đúng là xe công đang phình ra và lý do có khi đơn giản lắm. Trước đây, cấp được sử dụng xe công và xe đưa đón ít. Nay chúng ta sửa cơ chế, cho số người được hưởng nhiều hơn, chi tiêu tiền dễ hơn. Bây giờ phó chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội, đại biểu chuyên trách, thậm chí phó một số ban của Quốc hội cũng có xe công. Đôi khi người ta bảo ông A ở cơ quan X, cơ quan Y có xe, tại sao mình không có.
Con số và thực tế cho thấy xe công ở VN chúng ta đang được cấp và sử dụng khá tràn lan. Trong khi một chiếc xe công, theo kinh nghiệm của tôi, mỗi tháng chi phí trung bình, tính cả khấu hao, thời giá hiện nay không thể dưới 15 triệu đồng.
* Xe công một số nơi được mua vượt quy định, dùng sai tiêu chuẩn thì sự lãng phí là khó tránh?
- Nhiều người tận dụng các cuộc họp la cà đi các nơi, nhất là những hội nghị toàn quốc thì tiện ghé qua hết tỉnh này tỉnh khác chơi vô tội vạ. Họ vô tư đi xe công quá tiêu chuẩn, sai quy định thì chắc họ chẳng sá gì việc tốn kém và lãng phí. Dường như người ta đang bỏ qua cho nhau, tạo điều kiện cho nhau, khiến tạo cảm giác về một tầng lớp đặc quyền đặc lợi.
Người dân thắc mắc, rồi họ không thắc mắc nữa, nhiều người bảo không phải không quan tâm nữa mà là “hết chỗ nói rồi”. Đi xe công sai quy định là dấu hiệu của sự lạm quyền, thoái hóa.
* Khi đề xuất khoán xe công, ông có bị phản ứng không?
- Tôi có tham gia soạn thảo nghị quyết trong đó có vấn đề khoán xe công, theo đó các chức danh tiêu chuẩn có xe công nếu tự nguyện sẽ được khoán chi phí theo tháng, tự lo xe, đổi lại được nhận một khoản tiền. Tôi làm dựa trên tinh thần các văn bản của Đảng, Nhà nước. Quyết định của Thủ tướng về quy chế, tiêu chuẩn sử dụng xe công cũng khuyến khích khoán. Tuy nhiên khi nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, nhiều người nói ủng hộ chủ trương khoán xe nhưng rồi chỉ mỗi mình tôi xin khoán.
Mỗi tháng tôi được 4,5 triệu đồng, tính ra hai năm tôi cũng được cả trăm triệu đồng, đủ sửa nhà. Tôi thấy đi xe ôm, taxi có vấn đề gì đâu nhưng nhiều người vẫn bảo “anh nhận xe lại cho rồi, cơ quan thiếu gì xe”, “anh làm thế khiến anh em đi xe khó nghĩ”...
* Khoán xe công ở VN tiết kiệm cho ngân sách nhưng nhiều người nói có khoán được 15-20 triệu đồng/tháng người ta cũng không nhận khoán?
- Tôi không biết có phải các vị đó giàu có hay không nên không cần những khoản tiền khoán xe nữa. Tuy nhiên, đúng là có người nói nếu không đi xe công thì đến cơ quan khác làm việc người ta không đón tiếp, làm việc không thuận lợi. Thậm chí có người bảo phấn đấu cả đời mới có tiêu chuẩn đi xe thì phải đi cho nở mày nở mặt. Xe công đang là công cụ “cho oai” của một số người.
Phải chăng đi xe công người ta sẽ dễ nói chuyện, dễ nhờ vả hơn? Và sử dụng xe công rõ ràng là thoải mái hơn taxi. Dù có được khoán cao nhưng bỏ tiền khoán đó trong túi trả taxi ai cũng tiếc. Trong khi xe công thì có lý do là đi thoải mái. Trước đây, tôi nhớ có vị một tháng đăng ký đi công tác đến 6.000km. Tôi không rõ có phải lãng phí không, nhưng rõ ràng họ làm và đi như thế là khủng khiếp, như thế khoán thì lỗ.
* Xe công đang được sử dụng quá tiêu chuẩn, mua vượt định mức. Theo ông, cần làm gì để ngăn chặn?
- Quyết định của Thủ tướng có tính pháp lý rất cao, người dân phải tuân thủ triệt để và các quan chức, cơ quan nhà nước đương nhiên cũng phải như vậy. Tôi nghĩ nếu ai mua xe quá tiêu chuẩn, dùng xe sai nên theo đúng quy định: xe mua vượt tiêu chuẩn sẽ đem ra bán đấu giá, chênh lệch sung công, cá nhân phải đền bù thiệt hại, bị kỷ luật nghiêm thì ngay lập tức nhiều người sẽ xem lại dự định mua xe. Không có gì là khó làm việc này cả.
Người dân thấy phát hiện của mình được xử lý nghiêm thì tôi tin sẽ có nhiều người tích cực tham gia giám sát, nêu sai phạm ngay. Cần có cơ quan chịu trách nhiệm cuối cùng với trách nhiệm cá nhân rõ ràng về quản lý việc mua sắm, sử dụng xe công.
Trước đây, chúng ta quy định các hội nghị toàn quốc cơ quan nào tổ chức thì chi tiền, địa phương không chi trả chi phí xe cộ, ăn ở. Làm như vậy kinh phí lớn quá có thể cắt ngay. Nay mỗi dịp hội nghị ở trung ương, các địa phương vẫn chi tiền.
* Kinh nghiệm trên thế giới về xe công thế nào, cần có giải pháp nào cho vấn đề xe công ở VN, theo ông? - Nên mở rộng, quyết liệt trong việc khoán xe công vì đây là một trong những kiểu bao cấp cuối cùng còn sót lại. Tôi nhớ bộ trưởng Bộ Tài chính khi phát biểu tại Quốc hội từng nói nếu dừng mua xe công một năm có thể tiết kiệm cho ngân sách 1.000 tỉ đồng. Lúc còn làm việc, tôi tính nếu khoán xe công mỗi năm VN tiết kiệm được ít nhất 3.000 tỉ đồng. Trên thế giới, có thực tế các nước giàu không có chế độ xe công, các nước rất nghèo mới hay có vì xe quá hiếm. VN giờ không hiếm xe nữa rồi nên đang rất thuận lợi để đẩy mạnh việc khoán. Các nước đại đa số họ đều làm thế cả, ta cũng nên cố làm. Việc này có thể ảnh hưởng đến quyền lợi theo quy định của một số người nhưng thực tế anh không đi xe công có phải anh không được đi ôtô nữa đâu? Anh vẫn có thể đi taxi, đón tận nhà, nếu đơn thuần xe công là phương tiện đi lại khi thi hành công vụ thì có gì không được? Theo tôi, chỉ cấp bộ trưởng trở lên mới nên có xe công đưa đón tận nhà. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận