22/06/2010 07:14 GMT+7

Mũ bảo hiểm: Những nhà sản xuất đáng ngờ

“Công nghệ” in tem CR
“Công nghệ” in tem CR

TT - Mũ bảo hiểm (MBH) kém chất lượng từ đâu ra? Đi tìm đáp án cho câu hỏi này, PV Tuổi Trẻ thấy không ít chuyện bất ngờ và cũng rất đáng ngờ.

EoGR6Jkb.jpgPhóng to
Mũ bảo hiểm tại một điểm tập kết bên bờ kênh Nhiêu Lộc, sau khi hoàn thiện được chở đến các điểm bán lẻ - Ảnh: N.Triều

Kỳ 1: Hàng dỏm bán tràn lan!

Chọn ngẫu nhiên một vài nhãn hiệu MBH được chứng nhận hợp quy theo danh sách công bố của Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng (TCĐLCL), chúng tôi tìm đến Công ty TNHH TMSX may mặc và quảng cáo Minh Nghi - chủ nhân loại MBH hiệu Adess đang được bày bán khá nhiều trên thị trường với giá 55.000 đồng/mũ. Công ty này đã được Trung tâm Chứng nhận phù hợp (Quacert, Hà Nội) cấp giấy chứng nhận chất lượng và dấu hợp quy (CR) cho hai loại sản phẩm MBH A1, A2.

Công ty này đăng ký trong danh sách tại 43/5 khu phố 1, đường Nguyễn Văn Quá, P.Đông Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM nhưng thực tế lại là ngôi nhà cấp bốn của một người dân tại địa phương đang sinh sống. Ông Nguyễn Thái Học, cảnh sát khu vực, xác nhận: “Tại phường Đông Hưng Thuận có địa chỉ 43/5 khu phố 1, đường Nguyễn Văn Quá... và đây là nhà dân từ trước đến giờ. Tại địa chỉ trên không có Công ty TNHH TMSX may mặc và quảng cáo Minh Nghi hoạt động”.

Địa chỉ “ma”

Theo điều tra của chúng tôi, trường hợp của Công ty TNHH TMSX may mặc và quảng cáo Minh Nghi không phải là cá biệt. Tương tự, trong danh sách MBH đã được chứng nhận hợp quy do Tổng cục TCĐLCL công bố ngày 7-4-2009 có mẫu MBH DL02 sản xuất bởi Công ty TNHH Đức Trụ (81/5 đường ĐHT05, P.Đông Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM). Thế nhưng, khi chúng tôi tìm đến địa chỉ của công ty nơi đây chỉ là một khu nhà kho cũ kỹ với cánh cổng đóng im ỉm.

Công an khu vực - ông Hồ Phương Lâm cho biết công ty này đã ngừng hoạt động vài năm nay. Bảo vệ của Công ty Đức Trụ - ông Trương Đình Hoàng cũng nói: “Công ty ngừng hoạt động gần sáu năm nay. Ông chủ công ty đã đi nước ngoài”!

Những nhà sản xuất “đầu có tóc” đã vậy, các cơ sở “trọc đầu” (không thuộc danh sách được chứng nhận hợp quy) thì lai lịch càng tù mù hơn. Chẳng hạn, MBH có thương hiệu Atila Helmet có kiểu dáng bắt mắt với giá bán chỉ 35.000 đồng/chiếc. Trên những chiếc mũ này dán nhãn ghi nhà sản xuất là Công ty TNHH TM nhựa Duy Tân, 100A Lý Thường Kiệt, P.7, Q.Tân Bình, kèm theo là chiếc tem CR... giả (rất dễ nhận biết vì không có tên tổ chức chứng nhận).

Tìm đỏ mắt không ra “tổng hành dinh” của công ty nên chúng tôi nhờ ông Nguyễn Văn Thu, cảnh sát khu vực P.7, Q.Tân Bình. Ông Thu giở sổ ra kiểm tra rồi quả quyết: “Trên địa bàn không có địa chỉ này và cũng không có Công ty TNHH TM nhựa Duy Tân nào hoạt động”.

Quy trình làm MBH giá rẻ

Trong khi đó, hầu hết MBH bày bán dọc vỉa hè đều “lập lờ đánh lận con đen” bằng cách dán nhãn hiệu tá lả. Điểm chung của những MBH này là không có địa chỉ nhà sản xuất rõ ràng mà chỉ ghi “sản xuất tại Việt Nam”. Những chiếc mũ này ở đâu ra?

Chúng tôi lần ra được một địa chỉ tập kết hàng là một căn nhà nằm ven kênh Nhiêu Lộc, quận 1. Từ địa chỉ này, chúng tôi phát hiện thêm một số địa chỉ “khả nghi” ở tận vùng ven thuộc quận Bình Tân và huyện Bình Chánh. Nói “khả nghi” vì đây không phải là những cơ sở sản xuất hoành tráng mà chỉ là những căn nhà cấp bốn, trong các khu trọ bình dân. Chúng tôi cũng làm quen được T., một thanh niên từng tham gia sản xuất MBH dỏm, nay đã giải nghệ.

Hỏi về quy trình cho ra đời một chiếc MBH giá rẻ, loại đang chiếm thị phần “mũ vỉa hè”, T. kể: “Làm cái này toàn dân tay ngang hết. Không cần nhà xưởng, chẳng cần máy móc, nếu làm đầu nậu thì cần chút vốn”. Thấy chúng tôi trố mắt, T. giảng giải: “Ông ra tiệm ĐT, KQ ở gần chợ Thiếc mua đồ món, muốn bao nhiêu cái thì mua đủ bao nhiêu bộ rồi phân phát ra cho người quen, bạn bè để ráp lại thành một cái hoàn chỉnh, dán tem, dán nhãn vào, dễ ợt. Họ ráp xong thì thu gom lại đem bán cho mấy sạp vỉa hè”.

Theo chỉ dẫn của T., chúng tôi tìm đến cửa hàng ĐT trên đường Hòa Hảo, quận 11 thì đúng nơi đây bán đầy đủ “đồ món” để sản xuất một chiếc MBH. Tại cửa hàng này, chúng tôi sắm một bộ gồm vỏ nhựa 8.000 đồng, mũ xốp 6.000 đồng, dây đeo và đệm lót cùng ốc vít 3.000 đồng, tổng cộng cả chiếc mũ là 17.000 đồng. Trước khi chúng tôi ra về, chàng trai bán hàng còn dặn với theo: “Anh mua về tỉnh, số lượng nhiều thì em có thể bớt mỗi thứ 1.000 đồng. Anh cứ gọi điện trước đặt số lượng, cho địa chỉ là em giao tới rồi nhận tiền luôn, khỏi lo”!

Kết quả kiểm nghiệm: choáng!

Để “khám tổng quát” chất lượng MBH hiện nay, chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn tiêu dùng (Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN) mua ngẫu nhiên 31 mẫu MBH đang bán trên thị trường ở tám cửa hàng và một siêu thị tại các quận 3, 5, 11, Bình Thạnh và Gò Vấp để đưa đi kiểm nghiệm chất lượng tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường và chất lượng 3 (Quatest 3). Đáng lưu ý, trong số này có 18 mẫu MBH của những doanh nghiệp có tên trong danh sách được chứng nhận hợp quy do Tổng cục TCĐLCL VN công bố.

Kết quả thử chất lượng MBH đầu tháng 6-2010 cho thấy có đến 71% số mẫu (22/31 mẫu) được đưa đi kiểm tra không đạt chất lượng theo quy định. Có hai chiếc trong số mẫu thử bị vỡ cả vỏ nhựa sau khi đưa lên máy thử, chiếm 6,5%. Các nhà chuyên môn ở Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cho rằng kết quả này so với hai lần thử chất lượng trước đó (tháng 12-2007 và tháng 3-2008) là “không cải thiện hơn”.

Bà Võ Việt Hà - chánh thanh tra Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM - cho biết trong năm 2009 đơn vị này đã lấy mẫu kiểm tra chất lượng đối với 12 mẫu MBH và cho kết quả có đến chín mẫu (75%) không đạt chất lượng theo quy chuẩn.

Cũng cần nói thêm, trong số 31 mẫu MBH được chúng tôi đưa đi kiểm nghiệm có hơn 16,1% số mẫu dán tem CR giả. “Vấn đề MBH được dán dấu chất lượng “CR” giả vẫn đang là thực trạng đáng lo ngại” - Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN cảnh báo.

Ai chứng nhận chất lượng?

Hiện có năm tổ chức chứng nhận được Bộ Khoa học và công nghệ chỉ định, gồm: Trung tâm Chứng nhận phù hợp - Quacert (Hà Nội), Văn phòng chứng nhận chất lượng - BQC (Hà Nội), Quatest 1 (Hà Nội), Quatest 2 (Đà Nẵng) và Quatest 3 (TP.HCM). Điều đó đồng nghĩa với việc chỉ những MBH được năm tổ chức này chứng nhận đạt chất lượng và dán tem CR với đúng mã số mới được phép buôn bán trên thị trường.

Quy định là vậy nhưng trong số mười mẫu dán tem CR có tên tổ chức chứng nhận là Quatest 3 được chúng tôi đưa đi kiểm nghiệm chỉ có sáu mẫu (60%) đạt quy chuẩn chất lượng và 2/4 mẫu (50%) dán tem có tên tổ chức chứng nhận Quacert đạt yêu cầu. Riêng bốn mẫu dán tem CR với tên đơn vị chứng nhận là BQC thì kết quả cho tỉ lệ đạt quy chuẩn là... 0%.

Lý giải về những chiếc MBH được sản xuất bởi những doanh nghiệp, cơ sở đã được chứng nhận hợp quy, các cơ quan quản lý - trong đó có các tổ chức chứng nhận - cho rằng lỗi ở nhà sản xuất. “Chúng tôi chứng nhận là chứng nhận trên quy trình sản xuất và mẫu sản phẩm ở thời điểm chứng nhận. Còn sau khi được chứng nhận rồi, doanh nghiệp có tuân thủ quy trình sản xuất, chất lượng nguyên vật liệu hay không thuộc về ý thức của doanh nghiệp và doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm”- ông Hoàng Lâm, phó giám đốc Quatest 3, nói.

Trong khi đó, có một hiện tượng đáng lưu ý là có đến hơn 20 cơ sở sản xuất MBH tại TP.HCM thay vì đăng ký chứng nhận tại Quatest 3 lại “ôm hàng” ra tận Hà Nội để đăng ký chứng nhận và hai điểm đến là Quacert và BQC. Cả hai công ty ở Cần Thơ và một ở Đắk Lắk cũng chọn cách “bay xa” ra đăng ký và được chứng nhận tại BQC.

Đặc biệt, trường hợp Công ty TNHH SX thương mại và kỹ thuật Á Châu (P.Hiệp Tân, Q.Tân Phú, TP.HCM) có mười kiểu mũ mang các nhãn hiệu Senco, Evic và Andas thì có đến chín kiểu mũ được chứng nhận bởi BQC, trong đó ba mẫu Senco MT08, Senco MT104 và Evic MT101 giấy chứng nhận và dấu CR đã hết hiệu lực từ ngày 15-2-2010. Riêng mẫu duy nhất của công ty này được chứng nhận tại Quatest 3 là Senco MT105 đã bị tạm đình chỉ từ ngày 20-5-2009.

Giải thích lý do phải ôm hàng ra tận Hà Nội kiểm định, một số chủ doanh nghiệp cho rằng yêu cầu của Quatest 3 quá khắt khe nên những cơ sở đầu tư thiết bị thường thường bậc trung dễ bị đánh rớt, với lại do ở gần cơ quan chức năng nên có thể sẽ bị kiểm tra, giám sát bất cứ lúc nào.

Theo ông Hoàng Lâm, quy trình kiểm định chất lượng do Tổng cục TCĐLCL quy định là thống nhất trong toàn hệ thống. “Quatest 3 làm đúng quy chuẩn yêu cầu và đúng chức trách được giao. Còn về những tổ chức khác tôi xin miễn trả lời” - ông Lâm nói.

“Công nghệ” in tem CR

Yếu tố đầu tiên thuyết phục người tiêu dùng là chiếc tem CR bảo chứng chất lượng. Tuy nhiên, quy định hiện hành lại khá dễ dãi khi cho phép nhà sản xuất tự in nên màu sắc, kích thước, nội dung con tem cũng “trăm hoa đua nở”.

Vì quá thoải mái nên có một số người không ngại tham gia thị trường MBH bằng công đoạn in tem gia công. Tự thiết kế một mẫu tem trên giấy trắng, chúng tôi tìm đến hai cửa hàng decal trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận 10 và quận 11 ngỏ ý đặt hàng in 10.000 bản thì nhận liền những cái gật đầu. “Năm trăm đồng một cái là chỉ lấy công làm lời thôi anh ơi” - chủ một cửa hàng níu kéo khi chúng tôi quay lưng bỏ đi.

Mới đây, khi trò chuyện với chúng tôi, ông Lương Thanh Liêm - giám đốc Công ty TNHH SX-TM-DV Hùng Hậu - kể chuyện hồi mới đưa MBH đi kiểm định tại Quatest 3 đã có vài người tìm tới nhà rao bán tem CR với giá 500 đồng/tem.

“Công nghệ” in tem CR
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên