04/04/2010 07:56 GMT+7

Phải chia sẻ dữ liệu về nguồn nước

KHỔNG LOAN thực hiện
KHỔNG LOAN thực hiện

TT - Quản lý nguồn nước không thể làm đơn lẻ, mà phải có sự phối hợp, chia sẻ và minh bạch trong thông tin. Tuổi Trẻ đã trao đổi với một số đại biểu dự hội nghị.

WB3SDcoV.jpgPhóng to

Những ngày này, nhiều kênh rạch ở ĐBSCL bị cạn kiệt nước. Ông Nguyễn Tấn Phước (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) bất lực trước liếp hẹ và những cây sống đời bị thiếu nước - Ảnh: T.T.D.

Đánh đổi, hay có lựa chọn khác?

* Ông Lê Đức Trung (chánh văn phòng Ủy ban sông Mekong Việt Nam):

Trao đổi thông tin với Trung Quốc còn rất ít

Tôi đính chính lại rằng không phải phía Trung Quốc mời các quốc gia cuối nguồn Mekong thăm đập Cảnh Hồng, mà là do Ủy ban sông Mekong quốc tế (MRC) đề nghị và Trung Quốc chấp nhận đề nghị đó.

Trung Quốc luôn cho rằng các đập của họ chỉ có tác động nhỏ, không đáng kể đối với các nước cuối nguồn. Việt Nam từ trước tới nay luôn muốn có sự chia sẻ thông tin. Việt Nam từ trước tới nay luôn muốn có sự chia sẻ thông tin, có sự nghiên cứu những tác động của các con đập một cách khách quan và khoa học để có thể kết luận chuyện này. Hiện nay, rất khó để có thể làm vậy vì sự trao đổi thông tin giữa phía Trung Quốc và các nước cuối nguồn là rất ít, không đủ để đưa ra những đánh giá như mong muốn. Ở cuối nguồn, Việt Nam gặp rất nhiều thách thức trước những hoạt động phát triển, gây ô nhiễm môi trường ở thượng nguồn, biến đổi khí hậu. Chúng tôi rất mong muốn Trung Quốc và Myanmar tự nguyện tham gia Ủy ban sông Mekong quốc tế.

* Giáo sư Ben Braga (phó chủ tịch Hội đồng Nước thế giới - WWC):

Không thể làm đơn lẻ

Trong 50 năm qua, hơn 1.000 cuộc xung đột do sử dụng nguồn nước đã xảy ra. Các lưu vực sông là môi trường kinh tế và xã hội rất phức tạp, chịu nhiều áp lực khác nhau. Việc quản lý nước không thể làm theo kiểu đơn lẻ, không tính tới thực tế kinh tế, chính trị và xã hội của các khu vực khác như trước. Sự tham gia của các quan chức chính phủ cấp cao là điều cơ bản dẫn tới thành công của việc hợp tác quản lý các lưu vực các dòng sông quốc tế.

* Ông Roger Gill (phó chủ tịch Hiệp hội Thủy điện quốc tế):

Làm thủy điện phải bảo vệ môi trường

Hiện nay thủy điện đang cung cấp 60% năng lượng cho thế giới. Tuy nhiên, vấn đề lớn là làm thế nào để xây nhà máy thủy điện một cách bền vững. Tổ chức của chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác như Quỹ bảo tồn thiên nhiên hoang dã WWF, Oxfam, Tổ chức Minh bạch quốc tế để đưa ra những công cụ đánh giá đối với từng nhà máy thủy điện. Vấn đề là hạn chế ảnh hưởng tiêu cực và duy trì được môi trường sinh thái. Vì vậy đòi hỏi sự tham gia của nhiều cấp khác nhau. Công tác quản trị cấp quốc gia và cấp dự án là yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo rằng dự án thủy điện sẽ đạt được những kết quả tốt. Các khía cạnh xã hội, kinh tế và môi trường phải có tầm quan trọng như nhau trong các đánh giá đó.

* Ông Jeremy Bird (chủ tịch Ủy ban sông Mekong quốc tế):

Thúc đẩy Trung Quốc chia sẻ thông tin

- Cuối tháng 3 vừa rồi, Trung Quốc bắt đầu xả ít nước thêm từ các hồ chứa, giúp mực nước ở một số khu vực tăng thêm nửa mét. Việc tăng thêm như vậy là không xảy ra nếu không có đập.

* Thực tế người dân nhiều nước vẫn không tin các con đập đầu nguồn lại không ảnh hưởng gì tới cuối nguồn như phía Trung Quốc giải thích. Vậy quan điểm của MRC về chuyện này ra sao?

- Người dân hai bên bờ Mekong đang chứng kiến mực nước thấp kỷ lục, điều mà họ chưa từng chứng kiến trong 1-2 thế hệ. Thế nên cũng là lẽ tự nhiên khi họ nghĩ rằng đó là do các con đập đầu nguồn gây ra. Ngoài ra, trên các diễn đàn của mình, các tổ chức dân sự cũng lên tiếng mạnh mẽ về hậu quả các con đập đầu nguồn đối với các cộng đồng cuối nguồn. Tôi nghĩ hội nghị lần này đã thay đổi nhận thức của rất nhiều người về khía cạnh chia sẻ thông tin, thúc đẩy đối thoại.

Có nhiều lĩnh vực chúng tôi cần phải thảo luận hơn, như thông tin về mùa khô, cơ chế hoạt động của các hồ chứa... hoặc trong trường hợp khẩn cấp hay khi có gì thay đổi liên quan đến việc vận hành các đập so với kế hoạch ban đầu thì Trung Quốc cũng cần phải chia sẻ thông tin sớm và trước. Có thế chúng tôi mới có thể thông tin tới các chính phủ thành viên để họ thông tin tới người dân.

* Người dân hai bên bờ Mekong có thể chờ đợi điều gì ở hội nghị này và các cuộc gặp cấp cao và thượng đỉnh hai ngày tới?

- Hợp tác hơn, đối thoại hơn. MRC trong những năm gần đây đã tăng cường hợp tác hơn với khối các tổ chức dân sự và sẽ tiếp tục làm như thế. Chúng tôi hi vọng các bên sẽ tiếp tục hiểu nhau hơn thông qua đối thoại.

Hội nghị quốc tế về “Quản lý nguồn nước xuyên quốc gia trong thế giới đang thay đổi” với hơn 300 đại diện của Mekong và các khu vực hạ nguồn sông quốc tế, các tổ chức quốc tế, chuyên gia về nước đã kết thúc sau hai ngày làm việc. Hội nghị đã kêu gọi các bên ở lưu vực sông cởi mở hơn nữa trong việc chia sẻ các dữ liệu liên quan tới nguồn nước xuyên biên giới. Thông cáo viết: “Tiếp cận minh bạch tới các thông tin về nguồn nước là quan trọng. Theo dõi lượng mưa, dòng chảy và chất lượng nước là điều cần thiết để hợp tác thực hiện”.

Về các đập thủy điện đang gây nhiều tranh cãi, hội nghị ra tuyên bố khẳng định việc phát triển hạ tầng và thủy điện có thể đem lại nhiều lợi ích cho các nước Mekong, nhưng “Những sự phát triển này cần phải tính tới các ảnh hưởng của xã hội và các hệ thống sinh thái”.

Thông cáo của hội nghị sẽ được chuyển tới đoàn đại biểu tham dự cuộc họp cấp cao bốn nước cuối sông Mekong trong hai ngày 4 và 5-4. Theo lịch trình làm việc, hôm nay 4-4 diễn ra cuộc họp cấp bộ trưởng các nước cuối sông Mekong để chuẩn bị cho cuộc họp cấp thủ tướng ngày 5-4.

Cuộc họp thượng đỉnh của bốn nước cuối sông Mekong ngày 5-4 với sự tham gia của bốn thủ tướng cho thấy các bên đang tiếp tục khẳng định ở mức cao nhất về tăng cường hợp tác để sử dụng có trách nhiệm sông Mekong. Đây là lần đầu tiên các thủ tướng gặp mặt kể từ khi Ủy ban sông Mekong quốc tế (MRC) ra đời 15 năm trước.

MRC - đơn vị tổ chức sự kiện, là cơ quan liên chính phủ giữa Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan, với nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác về quản lý bền vững lưu vực Mekong. MRC hoạt động dựa trên cơ sở đồng thuận giữa các quốc gia thành viên, tức nếu một quốc gia không nhất trí về một chính sách thì chính sách đó sẽ không được thực hiện.

K.L.

Một sự trùng hợp!

Đề cập ý kiến của phía Trung Quốc cho rằng hạn hán ở cuối nguồn Mekong là do thời tiết biến đổi, báo The Strait Times ngày 2-4 trong bài viết với tựa đề “Giữ nước trên sông Mekong và bưng bít thông tin”, đã viết: “Hiện tượng thời tiết này lại trùng hợp với việc Trung Quốc gia tăng xây dựng các đập nước một cách đáng kể. Tháng 7 vừa qua, Trung Quốc đã bắt đầu đưa nước vào hồ chứa Tiểu Loan, một trong những đập cao nhất thế giới và là con đập thứ tư được xây dựng trên sông Mekong thuộc tỉnh Vân Nam. Về khả năng trữ nước, ba con đập đầu tiên của Trung Quốc trên sông Mekong, được xây dựng từ 1992-2008, tổng cộng chỉ hơn 2,9 tỉ m3 nước một chút. Còn riêng hồ chứa của đập Tiểu Loan sẽ là 15 tỉ m3 nước. Việc làm đầy hồ chứa này sẽ mất khoảng từ 5-10 năm.

Tổng cộng Trung Quốc sẽ có tám đập nước trên sông Mekong ở tỉnh Vân Nam và có thể xây dựng thêm những đập khác cao hơn về phía thượng nguồn. Dự kiến năm 2014, một đập mới có thể được hoàn thành ở phía hạ lưu đậpTiểu Loan, tại Nọa Trát Độ. Tuy ở dưới thấp hơn, nhưng đập này sẽ có trữ lượng nước lớn hơn, với gần 23 tỉ m3”.

QUANG HƯƠNG

KHỔNG LOAN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên