Mục tiêu thì dễ đồng thuận, nhưng những thông tin từ Hội nghị quốc tế về quản lý các nguồn nước xuyên biên giới trong thế giới đang thay đổi tại Hua Hin (Thái Lan) hôm 2-4 cho thấy các bên liên quan sẽ không dễ thống nhất ngay được về cách thực hiện.
Phóng to |
Hội nghị quốc tế về quản lý nguồn nước xuyên quốc gia trong một thế giới đang biến đổi khai mạc ngày 2-4 tại Hua Hin (Thái Lan). Ông Jeremy Bird, chủ tịch Ủy ban Mekong (thứ hai từ trái sang) và ông Trần Minh Trung, Bộ Các tài nguyên nước Trung Quốc (thứ hai từ phải sang) - Ảnh: MRC |
Theo thông tin từ Ủy ban sông Mekong, không chỉ dân số mà còn cả ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng đang tạo áp lực cho dòng sông Mekong. Các quốc gia (Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam) dùng chung con sông dài thứ 12 thế giới này sẽ chứng kiến nhiệt độ tăng 0,8oC trong 20 năm tới; khô hạn vào mùa khô và lụt lội vào mùa mưa sẽ khắc nghiệt hơn, nước biển dâng tại khu vực đồng bằng châu thổ phía bắc; đồng bằng sông Cửu Long có thể bị lún toàn bộ do đói phù sa...
Tiến sĩ Colin Chartres, tổng giám đốc Viện Quản lý nước quốc tế, nhận định sẽ diễn ra tình trạng thiếu nước phục vụ phát triển kinh tế ở khu vực Đông Nam Á. Một trong những cách có thể đảm bảo an ninh lương thực và an ninh khu vực là quản lý và lập kế hoạch sử dụng tốt hơn các nguồn nước xuyên quốc gia. Tuy nhiên, các quốc gia lại hiếm khi có chung ưu tiên trong phát triển.
Dòng Mekong được đánh giá là có sự đa dạng sinh học nhất thế giới, hơn cả con sông lớn nhất thế giới Amazon ở Nam Mỹ. Nhưng tám con đập ở đầu nguồn Mekong do Trung Quốc xây dựng và 11 con đập mà các nước ở cuối nguồn đang chuẩn bị xây dựng trên dòng chảy chính để đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển của mình... lại đang khiến các tổ chức bảo tồn gióng lên hồi chuông cảnh báo.
Các nước cuối nguồn cũng lo lắng trước những đập thủy điện đang và sẽ được xây dựng. Điều này có thể khiến các nước này tự rơi vào tình trạng “há miệng mắc quai”, một chuyên gia của Việt Nam nhận xét. Nhiều nhà môi trường thế giới đã cảnh báo việc xây dựng đập, ngăn chặn dòng chảy để sản xuất điện là việc dễ làm, rẻ, có sẵn, đem lại lợi nhuận cao, nhưng hậu quả gây ra không kém nặng nề.
Ông Peter Lysholt Hansen, đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam và Lào, nhận xét đang có một sự bối rối và lúng túng trong quản lý ở cấp cao và các cấp hoạch định chính sách ở các nước tiểu vùng Mekong. Ông đặt câu hỏi: “Khi xây đập thủy điện, họ có quan tâm tới việc duy trì đa dạng sinh thái ở dòng sông và thu nhập của người nghèo hai bên dòng sông không?”.
“Đánh đổi” là từ hay được các đại biểu nhắc tới. Do xung đột giữa phát triển kinh tế trước mắt và bảo vệ môi trường, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển, và bài toán này không dễ giải quyết hay giải quyết luẩn quẩn như “con mèo cắn đuôi xoay vòng quanh”.
Ở vị trí cuối nguồn Mekong, Việt Nam không có nhiều lựa chọn như những nước đầu nguồn. Tham gia đầy đủ các cơ chế đối thoại, thúc đẩy hợp tác khu vực và thế giới là cách Việt Nam đang thực hiện.
Các giải pháp đang rất cần. Trong thế giới mà các quốc gia ngày càng phụ thuộc và tương tác lẫn nhau, việc hợp tác để tối đa hóa lợi ích lâu dài của Mekong cho mọi nước và cho mọi người, chứ không chỉ lợi ích cục bộ, được xem là một cách làm phù hợp nhất.
20 phút bào chữa: “vô tội” Đại diện của Trung Quốc tại hội nghị, tiến sĩ Trần Minh Trung - tổng giám đốc Cục Hợp tác quốc tế, khoa học và công nghệ, Bộ Các tài nguyên nước - đã tận dụng 20 phút của mình trên diễn đàn để bác bỏ cáo buộc cho rằng nguyên nhân khô cạn ở cuối nguồn Mekong hiện nay là do những con đập khổng lồ được xây dựng ở phía đầu nguồn trên sông Lan Thương của Trung Quốc. Lý do mà Trung Quốc dẫn giải ra để khẳng định mình “vô tội” là khô cạn cũng đang diễn ra cả một khu vực rộng lớn ở phía tây của nước mình và ảnh hưởng tới hàng chục triệu người. “Thiên nhiên thay đổi, đó là lý do chính gây nên thiếu nước hiện nay” - ông Trung nhấn mạnh. Những lời “phân trần” này rất khác so với những cảnh báo mà Liên Hiệp Quốc và nhiều tổ chức dân sự thế giới và khu vực nêu lên trước đó. “Nói như đại diện Trung Quốc vậy là sai, hoàn toàn sai” - một giáo sư thủy văn học châu Á đang giảng dạy về quản lý nước tại châu Âu, châu Á và có 30 năm làm việc trong lĩnh vực này đã nói với Tuổi Trẻ như vậy. Dù sao, như vị giáo sư này thừa nhận, việc Trung Quốc đồng ý chia sẻ có giới hạn các số liệu thủy văn của một vài con đập được xem là một bước tiến trong hợp tác giữa Trung Quốc và các thành viên khác của Mekong. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận