31/07/2011 04:14 GMT+7

Nên mở lòng với những người xung quanh

Tiến sĩ LUKAS MIRA (người Thụy Sĩ, lãnh đạo một tập đoàn lớn tại Việt Nam)
Tiến sĩ LUKAS MIRA (người Thụy Sĩ, lãnh đạo một tập đoàn lớn tại Việt Nam)

TT - Tính đến nay tôi đã sống ở VN hơn hai năm. Khoảng thời gian không dài nhưng cũng đủ để tôi thấy và chiêm nghiệm được nhiều tính cách của người dân, vùng đất nơi đây.

9Wla8iK4.jpgPhóng to
Tiến sĩ Lukas Mira - Ảnh: Công Nhật

Còn nhớ lần đầu đặt chân tới VN với tư cách một khách du lịch bụi, tôi đã bị VN hớp hồn bởi một nền văn hóa đậm chất Á Đông. Tôi nhanh chóng quyết định quay lại nơi đây sống và làm việc.

Đối với nhiều người nước ngoài, giao thông ở VN chỉ có thể tóm gọn trong các từ như “quá khủng khiếp”, “hỗn loạn”... Nhưng tôi cảm nhận ngược lại, luôn thấy rất thú vị khi được hòa mình vào dòng xe tại VN. Chính vì thế mà dẫu bản thân được cơ quan trả tiền để sử dụng taxi, tôi vẫn thích đi lại bằng chiếc xe hai bánh của mình.

Những buổi sáng cuối tuần được chạy xe rong ruổi khắp nơi trong thành phố, được dừng lại mua đồ, trò chuyện với bất kỳ ai trên đường... là những khoảnh khắc đẹp trong tôi. Tôi cũng thường tự chạy xe, dò đường để đi cà phê, đến thăm nhà bạn bè lúc rỗi rảnh và rất may mắn là chưa từng bị anh công an nào “hỏi thăm”.

Về đồ ăn VN, tôi chỉ có thể nói một từ “quá tuyệt”. Dường như chẳng có món ăn nào của VN mà tôi chưa từng nếm qua hoặc lắc đầu từ chối, dù chúng được phục vụ trong những nhà hàng cao cấp hay chỉ là những quán ăn nhỏ lề đường. Tôi đặc biệt thích món bún chả giò của các bạn. Đối với tôi, đây chắc chắn là một trong những món ăn ngon nhất thế giới.

Người Việt theo tôi là khá thân thiện, luôn nhã nhặn khi trò chuyện cùng người nước ngoài. Họ luôn cố gắng tránh gây ra những tranh cãi không cần thiết khi tiếp xúc với người khác, điều mà theo tôi có cả mặt lợi và hại. Ở đây tôi chỉ xin đề cập đến khía cạnh không tích cực do chúng tác động ít nhiều tới tôi.

Trong kinh doanh hoặc khi làm việc, chuyện nhân viên cố giữ im lặng trước mọi chuyện là một điều rất nguy hiểm bởi chúng sẽ tác động lớn đến hiệu quả công việc. Lấy ví dụ từ nhiều người Việt mà tôi từng làm việc cùng, khi họ không hiểu rõ nhiệm vụ mà tôi giao hoặc họ có một ý kiến khác, họ thường không nói ra mà lại luôn giữ im lặng.

Việc né tránh hỏi lại hoặc tranh luận với đồng nghiệp, với sếp khiến kết quả họ làm hoàn toàn trái với mong đợi. Nhiều người giải thích rằng họ sợ bị mang tiếng “chậm tiếp thu” hoặc “dốt ngoại ngữ” nếu thẳng thắn thừa nhận họ không hiểu điều những sếp nước ngoài như chúng tôi giao. Một bộ phận khác cho rằng thà im lặng làm đại để mọi chuyện đi tới đâu thì tới, còn hơn là nêu ý kiến góp ý, phản bác với sếp để rồi sau đó phập phồng lo sợ bản thân bị sếp “để ý”.

Thú thật, tôi cũng như nhiều vị lãnh đạo khác đều trân trọng bất cứ sự đóng góp ý kiến nào từ nhân viên của mình. Nói cách khác, điều chúng tôi quan tâm nhất là hiệu quả công việc. Công việc chỉ đạt kết quả tốt nhất nếu nhận được sự hỗ trợ, đóng góp hết mình của tất cả nhân viên. Chỉ cần một nhân viên vì chút sĩ diện hão hay rụt rè im lặng, nhắm mắt làm đại thì công việc của cả một tập thể sẽ bị ảnh hưởng.

Huống hồ lãnh đạo cũng là người, cũng phạm phải sai lầm như bất kỳ ai khác... chúng tôi chắc chắn không thể trụ vững nếu cứ đơn độc chỉ đạo mọi thứ. Nhiều khi chúng tôi thấy mình bị khủng hoảng bởi luôn phải căng đầu để nghĩ ra những giải pháp hoàn hảo nhất cho dự án của mình, bởi chúng tôi biết nếu bản thân buông mình làm đại thì sẽ chẳng nhân viên nào góp ý, vực dậy.

Tôi biết người dân Việt rất siêng năng, thông minh... nhưng họ sẽ đạt được nhiều thành công hơn khi dám bộc lộ bản lĩnh, sự chủ động hoặc đơn giản là đóng góp ý kiến nhiều hơn trong công việc. Hãy tin tôi, năng lực của bạn sẽ được cải thiện đáng kể nếu bạn chịu mở lòng với những người xung quanh dù đó là bạn bè, đồng nghiệp hay sếp của bạn.

Tiến sĩ LUKAS MIRA (người Thụy Sĩ, lãnh đạo một tập đoàn lớn tại Việt Nam)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên