07/06/2012 01:06 GMT+7

Tôi đã nói dối

NGUYỄN CHIÊU DƯƠNG
NGUYỄN CHIÊU DƯƠNG

TT - Không biết là từ lúc nào, chị đi tới đi lui, thập thò, lấp ló trước cánh cửa sắt khép kín của căn nhà bên cạnh. Tôi bước sang hỏi: Chị tới hồi nào? Chị đáp: Nãy giờ, ghé thăm thằng bé Cang nhưng kêu cửa không được. Tôi đỡ lời: Phải kêu thật lớn mới được. Chị nói: Kêu rồi nhưng không ai nghe! Tôi nhìn lên tấm bảng hiệu cửa hàng thời trang (đã nghỉ bán từ lâu) rồi dè dặt nói: Thôi, để tui gọi điện thoại giùm cho. Chị mừng rỡ nói: Ừ, gọi giùm tui đi! Tui không biết chữ.

Tôi bước vào nhà mình. Điện thoại đang sạc pin. Bỗng dưng tôi lừng khừng: Biết có làm phiền người ta không? Lỡ như bà ấy tới mượn tiền hay nhờ cậy gì đó thì mình sẽ bị chủ nhà trách là “làm tài khôn”...

Mất gần 5 phút cân nhắc, so đo, tôi trở ra gặp chị: Gọi rồi nhưng không ai trả lời. Chắc đổi số rồi! Vẻ thất vọng toát ra nơi ánh mắt buồn buồn của chị, còn tôi thì nghe trong lòng xốn xang, ray rứt vì đã nói dối...

Trước đây, chị đến giúp việc và giữ trẻ cho nhà này. Chủ nhà là vợ của một Việt kiều, đang chờ chồng bảo lãnh ra nước ngoài. Giờ thì chị đã nghỉ việc nhưng vì nhớ thằng bé mà chị ghé thăm, còn chuyện “mượn tiền” hoặc “nhờ cậy” gì đó là do tôi lo xa nên nghĩ vậy. Mà cũng có cơ sở đó. Nhìn bộ dạng và chiếc xe đạp cà tàng chị dựng trước cửa ngôi nhà vợ Việt kiều thì có nghĩ thế chắc cũng không sai. Tôi trấn an mình. Và nếu đúng như thế thì nếu tôi giúp chị, gọi điện thoại cho chủ nhà, tôi sẽ không thể nào thoát khỏi tình cảnh của người “làm ơn mắc oán”. Chủ nhà sẽ cho tôi là người khéo lo chuyện bao đồng mất thôi.

Ngẫm nghĩ, thời thế đổi thay, bây giờ làm việc gì cũng phải suy đi tính lại cho an toàn. Tôi đã từng bị trách cứ vì chuyện “chỉ nhà” cho người khác để rồi khi chủ nhà gặp rắc rối, họ liền quay sang đổ thừa tại mình: Ông chỉ nhà tui làm chi cho có chuyện. Mai mốt làm ơn nói không biết giùm tui. Tôi bỗng khôn ra: Ừ, chỉ nhà thì khó, chớ không chỉ thì dễ ợt. Lắc đầu một cái là xong.

Ôi, cái chuyện “chỉ nhà” và “gọi điện thoại giùm” sao mà phiền phức. Phải chăng do thời buổi khủng hoảng kinh tế, do vỡ nợ, phá sản, do lừa đảo, lường gạt...bây giờ nở rộ mà lòng người đành chịu khép cửa, hẹp hòi? Và có lẽ vì vậy mà sáng nay, tôi đã phải nói dối người đàn bà nghèo khó kia: Gọi rồi nhưng không ai trả lời. Tội nghiệp chị ấy! Chị lại tin tôi: Ừ, chắc là đổi số rồi!

Đến trưa, đọc trên Tuổi Trẻ, đề thi tốt nghiệp THPT môn văn có câu: Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái đạo đức trong đời sống xã hội..., tôi tự cảm thấy mình có lỗi với chị - người phụ nữ giúp việc nhà quê mùa và không biết chữ ấy. Đành nói một mình: Cho tôi xin lỗi chị, chị nhé!

NGUYỄN CHIÊU DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên