Phóng to |
Những ý kiến bạn đọc quanh câu 2 của đề thi môn văn: "Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội" |
TTO xin được trích đăng:
Nói không với thành tích
Đề xuất “phát động phong trào một xã hội không dối trá” của bạn Dương Minh Triết quả thật rất hay. Tôi ủng hộ đề xuất này của bạn.
Quả thật, thói dối trá, thiếu trung thực đang tồn tại, hiện diện trong xã hội hằng ngày, hằng giờ, thậm chí trở thành thói quen của nhiều người. Chúng ta đang dần trở nên thiếu trung thực mà không còn chút ngượng ngùng.
Ngày xưa, tôi còn nhớ trận đòn của mẹ cho đến tận bây giờ cũng không dám nói dối là khi trót làm vỡ đồ mà nói dối mẹ là con mèo làm. Bài học thơ ấu ghi dấu ấn rất sâu đậm. Nếu chúng ta được giáo dục từ bé, sống trong một môi trường lành mạnh thì sẽ khó có lời nói dối nào được thốt ra. |
Chúng ta vẫn dạy con em mình văn hóa, đạo đức, lối sống lành mạnh. Nhưng suy cho cùng, chính bản thân mỗi chúng ta còn chưa thực hiện được thì mong gì con em mình làm được.
Với đề thi, tôi tin 100% học sinh sẽ hô to khẩu hiệu phê phán thói dối trá trong đời sống xã hội, kêu gọi mọi người và bản thân chúng sẽ hứa thực hiện tốt tính trung thực, đấu tranh chống mọi biểu hiện dối trá. Thế nhưng, đấy lại là điều dối trá mà chúng làm khi thi xong xuất hiện hàng loạt “phao” thi ngoài sân trường. Nói không dối trá ư? Chỉ là khẩu hiệu.
Nói cái gì cũng hay, cũng tốt. Còn thực hiện… đợi đấy. Đó là thực trạng mà xã hội ta đang phải đối mặt. Đó chính là thực trạng của bệnh thành tích, sĩ diện hão của con người, do con người tạo ra. Một xã hội giả dối thì tương lai sẽ đi đến đâu?
Mọi người, mọi nhà, mọi ngành, chúng ta hãy bắt tay nhau đối diện với sự thật, nhìn nhận rõ cái tồn tại của mình để xây dựng một xã hội không có dối trá, xã hội mà con người có thể sống, làm việc và phát ngôn không cần phải suy tính thiệt hơn!
Chỉ có phong trào thì "mèo vẫn hoàn mèo"?
Đọc bài viết “Làm sao trị được bệnh dối trá” của tác giả Dương Minh Triết trên TTO, tôi rất đồng tình với quan điểm của tác giả. Nhưng đến cuối bài viết, tác giả lại làm cho tôi thất vọng khi lại đề xuất phát động phong trào một đơn vị, một cơ quan, một xã hội không dối trá. Nói như tác giả, cuối cùng “mèo vẫn hoàn mèo” sao?
Vì thành tích của con mình, cha mẹ buộc con phải nói dối và chính mình nói dối. Vì thành tích của lớp, của trường mà thầy cô buộc học trò phải nói dối và chính mình cũng dối trá. Vì thành tích cơ quan mà nhiều vị chủ chốt buộc nhân viên phải dối trá và tự mình cũng đã dối trá. Sự dối trá đã có hệ thống, có dây chuyền rồi.
Giờ chỉ biết phát động phong trào thì sẽ càng nhiều người nói dối, càng nhiều nhà nói dối, và xã hội sẽ nói dối nhiều hơn chứ không bao giờ đi đến kết thúc có hậu là không nói dối.
Trong mỗi gia đình, cha mẹ ngay từ khi sinh con ra nên dạy cho con tính trung thực, thẳng thắn. Ngay từ mẫu giáo, các giáo viên cũng nên làm gương và dạy cho học trò mình không dối trá. Đó là ý thức bản thân và cũng là ý thức danh dự của mỗi người.
Theo tôi, khó mà phát động phong trào chống nói dối để họ làm tốt hơn được. Chỉ có thể dựa vào đạo đức và nhân phẩm của chính mỗi người thôi.
Dối trá tích cực hay tiêu cực? Trong cuộc sống có hai loại dối trá, dối trá tích cực và dối trá tiêu cực. Với dối trá tích cực, chúng ta không sợ có hại cho xã hội mà ở một góc độ nào đó nó còn có tác dụng ngược lại. Lấy ví dụ, một người bị bệnh hiểm nghèo, sự sống chỉ được tính từng ngày. Trong trường hợp này, bác sĩ và người thân sẵn sàng nói dối để mang lại sự lạc quan cho người bệnh mà không sợ ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Với dối trá tiêu cực, con người sẵn sàng có hành động hay lời nói ngược lại với sự thật để nhằm đạt được lợi ích cá nhân của riêng mình. Những trường hợp đạo văn hay thi hộ là minh chứng cho sự dối trá tiêu cực. Vì quyền lợi cá nhân mà họ quên đi đạo đức nghề nghiệp để biến những gì của người khác thành của mình. Hằng ngày, hình như chúng ta đã quen dần với sự dối trá tiêu cực nhiều hơn dối trá tích cực. Làm sao trị được căn bệnh này? Đây không phải là một câu hỏi dễ dàng trả lời với bối cảnh xã hội hiện nay. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận