12/12/2012 07:15 GMT+7

Chuyện thường ngày trên xe buýt

Nguyễn Vân Anh
Nguyễn Vân Anh

TT - Hình ảnh hai bạn trẻ không nhường ghế cho cụ già trên chuyến xe buýt (Ống kính bạn đọc, Tuổi Trẻ ngày 10-12) theo phản hồi của nhiều bạn đọc, lại là hình ảnh thường thấy trên xe buýt.

FCfebWcw.jpgPhóng to

Bỗng nhiên “giả mù”

Tôi là sinh viên đi xe buýt hằng ngày và nhiều lần chứng kiến cảnh thanh niên khỏe mạnh ngồi ở những hàng ghế ưu tiên bỗng nhiên “giả mù” hoặc móc điện thoại ra nghe khi thấy người già lên xe. Đây là ý thức của con người, thể hiện đạo đức và văn minh của họ. Bản thân tôi thấy rất ngượng miệng khi yêu cầu họ đứng lên. Chỉ tội các cụ già đi xe mà gặp những người vô tâm này thôi.

Buồn thay

Khi tôi mang thai 7-8 tháng, đi xe buýt hầu như lần nào cũng đứng khi xe đông. Nhiều lúc cũng không thấy lơ xe lên tiếng nói ai đó nhường ghế cho tôi. Tôi đứng mà lo xe thắng gấp, không biết sẽ phải xoay xở thế nào. Khi chưa có thai, tôi thường xuyên nhường ghế cho cụ già, người mang thai. Vậy mà khi mình có thai thì không được ai nhường, buồn thay!

Xấu hổ

Tôi thường đi xe buýt số 55, rất đông sinh viên đi tuyến này nhưng các bạn trẻ vờ lơ đi khi các cụ già, trẻ em, phụ nữ mang thai lên xe. Có bạn còn giả vờ ngủ như không thấy gì. Nhường ghế, dường như đó không phải là chuyện của các bạn. Chỉ khi nào nhân viên bán vé lên tiếng mới có một bạn tự giác đứng lên. Thật xấu hổ. Các trường đại học cần giáo dục sinh viên ý thức tự giác để nhường cho người ưu tiên trên xe buýt.

Vô cảm

Tôi thấy một số bạn trẻ bây giờ vô cảm quá. Nhớ thời chúng tôi, lúc đó xe buýt làm gì có máy lạnh và sạch sẽ như bây giờ, đi xe buýt giống như cực hình vậy. Thế nhưng, thời sinh viên chúng tôi khi thấy người cao tuổi, phụ nữ mang thai lên xe, không ai bảo ai chúng tôi tự giác đứng lên nhường chỗ ngồi mà trong lòng vui lắm, vì lúc đó mình cảm thấy đã làm được một việc tốt dù cử chỉ ấy rất nhỏ so với các việc tốt khác. Sự vô cảm ở đây cũng thể hiện ở chỗ khi các bạn trẻ ấy không nhường chỗ thì những người xung quanh cũng không có ý kiến nhắc nhở các bạn ấy. Hi vọng các bạn trẻ hãy thể hiện mình xứng đáng hơn ngay cả trong gia đình và ngoài xã hội.

Phải thường xuyên nhắc nhở

* Tài xế Nguyễn Trọng Minh (20 năm trong nghề lái xe buýt của Công ty TNHH một thành viên Xe khách Sài Gòn):

Những hành khách trẻ tuổi đi xe buýt không nhường ghế cho những người thuộc đối tượng ưu tiên (người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người khuyết tật...) là chuyện xảy ra hằng ngày trên xe buýt. Vì vậy, khi cầm lái xe buýt tôi vẫn thường nhắc nhở: “Anh ơi, chị ơi, cô ơi nhường cho cụ già, phụ nữ mang thai... được ngồi ghế”. Sau khi được nhắc nhở như vậy, hầu hết bạn trẻ đều có ý thức nhường ghế và không ai phản đối.

Trong những chuyến xe buýt, tôi cũng bắt gặp không ít bạn trẻ không cần đợi nhắc nhở mà họ có ý thức tự nhường ghế cho người già, người khuyết tật và phụ nữ mang thai. Có thể nói đó là những hình ảnh rất đẹp, thể hiện tình người, đồng thời thể hiện văn hóa trên xe buýt. Đây là điều mà những người lái xe buýt rất mong muốn, góp phần làm cho những xe buýt thêm an toàn và lịch sự để ngày càng có nhiều người đi xe buýt.

* Ông Ngô Quang Vũ (giám đốc xí nghiệp Công ty TNHH một thành viên Xe khách Sài Gòn):

Xí nghiệp thường xuyên nhắc nhở lái xe, tiếp viên xe buýt cần có thái độ và lời nói nhỏ nhẹ với những hành khách trẻ tuổi đi xe buýt nhường ghế cho những người được ưu tiên. Đồng thời trên xe cũng có bảng quy định và trên màn hình tivi của xe buýt cũng có những lời nhắc nhở hành khách đi xe nhường ghế cho những người cần được ưu tiên. Vì vậy, vấn đề ở đây là ý thức của những hành khách không tự nhường ghế cho người ưu tiên. Do đó, có lúc làm hành khách đi xe buýt, tôi phải nói lớn để mọi người trên xe buýt cùng hưởng ứng như: “Anh bạn ơi nhường ghế cho cụ già ngồi” và anh bạn trẻ tuổi đó đứng lên nhường ngay.

Nguyễn Vân Anh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên