22/04/2014 06:17 GMT+7

Xe quá tải: cần xử lý đồng bộ

TS VÕ DUY NGHI
TS VÕ DUY NGHI

TT - Trong vấn đề xử lý xe quá tải, bên cạnh việc lập các trạm cân di động trên toàn quốc, cần có những chính sách bổ sung để bảo đảm hài hòa lợi ích doanh nghiệp và lợi ích Nhà nước.

Xe hơn trăm tấn chạy trên quốc lộ 1Hàng trăm xe quá tải nối đuôi trên quốc lộ 20Tài xế cũng mong xử nghiêm xe quá tải

wzefu2Zx.jpgPhóng to
Thanh tra giao thông xử phạt xe quá tải trên đường Nguyễn Văn Linh, Q.7, TP.HCM - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Việc Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chỉ đạo quyết liệt các giải pháp hạn chế xe quá tải thông qua lập các trạm cân di động trên toàn quốc đã được dư luận đánh giá cao, đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải làm ăn chân chính. Tuy nhiên vẫn còn những ý kiến trái chiều chưa đồng thuận, những vướng mắc cần tháo gỡ.

Cần theo chuẩn mực quốc tế

Quy định hiện hành về tải trọng xe của Bộ GTVT có một số bất cập làm cho các phương tiện vận tải không thể chở đúng trọng tải thiết kế vì tổng trọng lượng xe và hàng vượt quá khung quy định.

Đơn cử như loại hàng là container, theo quy định của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) và tiêu chuẩn ISO thì quy định về kích thước, trọng lượng vỏ container, khối lượng hàng hóa xếp trong container tiêu chuẩn là thống nhất trên toàn thế giới.

Các hãng tàu, các hãng vận chuyển, nhà sản xuất và người sử dụng container đều phải tuân thủ quy định này. Khi hàng nhập về Việt Nam, do quy định về tải trọng đường bộ nếu xếp đủ tải container theo quy định thì tổng trọng lượng xe và hàng sẽ vượt quá quy định hiện hành, do đó doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải chọn giải pháp rút bớt hàng để giảm tải hoặc yêu cầu nhà cung cấp xếp hàng trong container theo đúng quy định của Việt Nam.

Đây cũng chính là gánh nặng lớn cho doanh nghiệp vì phải tăng chi phí đóng thêm container, chi phí rút hàng giảm tải container.

Cần biết rằng các phương tiện vận tải đang lưu hành ở Việt Nam được sản xuất theo chuẩn mực quốc tế thì khi lưu hành ở Việt Nam cũng phải được chở đúng tải trọng thiết kế vì tiêu chuẩn cầu đường Việt Nam hiện nay được áp dụng theo các tiêu chuẩn xây dựng quốc tế như AASHTO, JRA...

Việc không được cấp phép lưu hành theo đúng trọng tải thiết kế gây ra nhiều lãng phí cho xã hội và cho chính doanh nghiệp vận tải, Bộ GTVT cần nghiên cứu để điều chỉnh các quy định hiện hành theo chuẩn mực quốc tế, làm sao các phương tiện vận tải phải được hoạt động đúng trọng tải thiết kế để bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp.

Xử lý từ gốc

Hiện nay Bộ GTVT chỉ mới chỉ đạo các tỉnh thành trên toàn quốc đặt các trạm cân di động trên các tuyến đường trọng yếu, chủ yếu là các quốc lộ.

Vấn đề đặt ra là phải xử lý nạn quá tải từ gốc, tức là từ nơi nhận hàng như cảng biển, cửa khẩu biên giới, khu công nghiệp, nhà máy, công trường khai thác nguyên vật liệu...

Nếu chỉ xử lý quá tải trên quốc lộ thì các xe quá tải trên tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, các xe chạy đường ngắn chở vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, thành phố sẽ thoát khỏi sự kiểm soát của lực lượng chức năng, gây ra tình trạng không công bằng giữa các doanh nghiệp vận tải, tạo ra kẽ hở pháp lý.

Nên chăng cần phân bổ lại việc đặt các trạm cân di động, chủ yếu tập trung các địa điểm nhận hàng nói trên để ngăn chặn từ gốc, tránh gây ra ách tắc giao thông như hiện nay? Việc đặt các trạm cân lưu động ở nơi nhận hàng có thể tăng thêm kinh phí và nhân lực.

Tuy nhiên với giá mỗi cân di động khoảng 2 tỉ đồng thì chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ (khoảng 10.000 tỉ đồng/năm) và nguồn thu từ phạt xe quá tải để xây dựng các trạm cân di động trên toàn tuyến giao thông.

Mục đích của Quỹ bảo trì đường bộ là duy tu, sửa chữa cầu đường thì việc sử dụng quỹ để lắp đặt thêm các trạm cân lưu động, giảm thiệt hại cầu đường do xe quá tải gây nên là tác động tương hỗ. Khi vấn nạn xe quá tải được giải quyết thì quỹ sẽ giảm chi cho việc tu bổ cầu đường.

Sử dụng phương tiện thay thế

Để không gây ra hư hỏng cầu đường do vận chuyển quá tải đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích doanh nghiệp, nên chọn giải pháp chọn chủng loại phương tiện vận tải thay thế.

Một trong các biện pháp là sử dụng xe tải thân liền kéo rơmooc (combined vehicles). Đây là loại phương tiện vận tải được các nước trên thế giới sử dụng phổ biến nhằm tăng tải trọng cho phương tiện vận tải mà vẫn không gây tổn hại cho cầu đường.

Các chuyên gia vận tải đã tính toán khi sử dụng loại phương tiện này thì tải trọng trục tác động lên cầu đường sẽ giảm so với sử dụng xe đầu kéo kéo sơmi rơmooc khi chở cùng khối lượng hàng hóa vì số lượng trục xe lớn hơn.

Tổng khối lượng hàng hóa chuyên chở của loại xe này sẽ tăng lên so với vận tải bằng xe tải thường hoặc xe đầu kéo kéo rơmooc.

Hiện nay một số nước trong khu vực như Lào, Campuchia đang sử dụng loại phương tiện này để vận chuyển quặng đồng, quặng sắt, clinker trên đường công cộng.

Thiết nghĩ Bộ GTVT nên tính toán lại tải trọng cho phép của loại phương tiện này và sửa đổi quy định hiện hành về tải trọng cho phép xe thân liền kéo rơmooc thì các doanh nghiệp sẽ tích cực hưởng ứng, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước và doanh nghiệp.

TS VÕ DUY NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên