Sách là loại quà tặng được nhiều người đề cao. Trong cuộc sống hối hả hiện nay, với một số người, gần như đến tết mới có thì giờ rảnh. Khi đó họ mới kịp để tâm đọc trọn một cuốn sách. Sách tặng trong dịp tết thường là những cuốn cẩm nang về sức khỏe, về đối nhân xử thế, những triết lý để người ta ngẫm nghĩ, những câu chuyện làm rung động lòng người... Có người tặng các đĩa kinh Phật để cùng nhau lắng lòng lại, bình tâm lại mà sống tích cực hơn thay vì mãi bon chen, tranh đoạt. Thành thử ra, tết là dịp hiếm hoi trong năm để mọi người tạm gác mọi ưu phiền, lo toan để có những phút giây bình lặng, thanh thản.
Gần đây hơn, lại rộ lên phong trào tặng chữ nhân dịp xuân về. Có lẽ đó là xu hướng hoài cổ trong dịp “mỗi khi hoa đào nở...” và cũng là cách để cân bằng tình cảm, tinh thần trong cuộc sống hối hả hiện nay. Không chỉ có phúc, lộc, thọ, tài... vốn là những chữ được dùng nhiều trong dịp tết từ ngàn đời qua, bây giờ còn có nhiều chữ rất ý nghĩa khác. Nhắc nhở mọi người sống có trên có dưới, hiếu để, người ta tặng chữ “hiếu”; lời khuyên sống biết san sẻ, hi sinh, thậm chí chịu đựng nhau, người ta tặng chữ “nhẫn”; động viên người ta sống có tình có nghĩa có thể tặng chữ “nhân”, chữ “tâm” hay chữ “yêu thương”; chúc nhau thì có thể dùng chữ “an”, “khang”, “hạnh phúc” hay “vạn sự như ý”...
Bây giờ, có người đề nghị quà tết nên là các cây xanh hoặc hoa để làm cuộc sống đô thị thêm chút màu sắc, đỡ ngột ngạt, căng thẳng hơn. Có thể chỉ là một chậu xương rồng, một giò lan, một chậu kiểng, một góc bonsai... nhưng đều giúp không gian sống của chúng ta gần với thiên nhiên thêm một chút.
Tôi thấy những quà tặng này đều rất có ý nghĩa. Nhưng còn một loại quà tặng khác vượt ra ngoài các khuôn khổ quà tặng thông thường, mà tôi tạm gọi là quà tặng cộng đồng. Gần đến tết, một số bạn bè trên cộng đồng mạng đã “hê” nhau góp quà đem tặng cho trẻ em, đồng bào nghèo. Hoạt động quà tặng cộng đồng này hoàn toàn mang tính cá nhân, đơn lẻ, tức chỉ một hoặc một nhóm cá nhân thông qua mối quan hệ quen biết của mình để vận động không chỉ hiện vật (quần áo, sách vở, chăn màn, thực phẩm...) mà còn hiện kim. “Xin” được quà, họ lại lụi cụi mang trao đến những bà con nghèo mà họ biết (qua người quen giới thiệu hoặc tình cờ biết) bằng sự chân thành, quý trọng chứ không phải kiểu bố thí. Cũng tinh thần đó, có người cứ đến giao thừa thì dắt con trẻ ra phố, gặp người vô gia cư nào cũng tặng quà hoặc lì xì, thoạt nhìn như để cầu may nhưng lại mà một cách tặng - quà - cho - nhau rất có ý nghĩa, bởi quà tặng không chỉ nhằm động viên một cách thiết thực cho những người khó khăn mà còn dặn con cái và tự nhắc bản thân sống tử tế hơn.
Ngày tết, tặng quà cho nhau, xin chọn những món quà có ý nghĩa tinh thần, đừng quá nặng nề vật chất, càng tránh nhằm trục lợi. Thôi thì ngày tư ngày tết, tạm gác những sân si đời thường qua một bên, chúng ta nên sống chan hòa hơn, “thật” hơn, bớt đi những danh vọng, bon chen vốn có thường ngày. Điều đó hẳn giúp bản thân ta thanh thản, thoải mái, hạnh phúc hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận