Chuyện bếp núc nghề báo:
Hậu trường thông tin sự kiện Ngô Bảo Châu
Giao lưu với bạn đọc Tuổi Trẻ: vui, buồn tác nghiệp
Phóng to |
PV Thanh Hà đang tiếp cận với GS Ngô Bảo Châu, tác giả bức ảnh này là PV Hoài Linh |
* Chào chị Thanh Hà. Có nhiều phóng viên nước ngoài đến tác nghiệp tại sự kiện GS Ngô Bảo Châu đón nhận giải Fields tại Hyderapad (Ấn Độ) không? Chị thấy phóng viên Việt Nam mình đủ sức cạnh tranh với phóng viên nước ngoài chưa? So sánh giữa những tin, bài của Tuổi Trẻ và các báo khác (trong lẫn ngoài nước) đăng về sự kiện Ngô Bảo Châu, chị thấy Tuổi Trẻ hơn/ thua được điều gì? (Đoàn Lan An Nhiên, 23 tuổi, annhien.doan@)
- PV Thanh Hà: Tại đại hội toán học Thế giới (ICM2010) tổ chức tại thành phố Hyderabad có rất nhiều phòng viên nước ngoài đến tác nghiệp. Con số cụ thể thì tôi không có điều kiện tìm hiểu nhưng căn cứ vào số phóng viên, bao gồm tất cả các loại hình từ báo viết, truyền hình, phát thanh, các hãng thông tấn…, thường xuyên có mặt tại khu vực Trung tâm hội nghị quốc tế Hyderabad, thì con số này phải lên tới vài trăm người. Phòng dành cho báo chí của trung tâm luôn trong tình trạng quá tải về chỗ ngồi và đường truyền internet. Không chỉ có phóng viên của các hãng thông tấn, các nhật báo, tại ICM 2010 còn có rất nhiều nhà báo - nhà khoa học, họ là biên tập viên của các tờ tạp chí khoa học, toán học của các trường ĐH, viện nghiên cứu lớn trên khắp thế giới.
* Tôi cảm giác với đoạn này, được trích từ chính trong bài báo "Xài internet khó khăn như thế nào ở một đất nước thuộc dạng cường quốc công nghệ thông tin trên thế giới? Phải làm gì khi ở nhà, tòa soạn chỉ đạo, tiếp cận các nhà toán học, để nghe thêm về nhận xét của họ về công trình đoạt giải của GS Ngô Bảo Châu, thì chỉ nhận được những ý kiến kiểu "rất xã giao"? Anh chị đã có những điều để kể với chúng tôi. Nên xin lấy đây làm câu hỏi để "phỏng vấn" ngược lại các nhà báo. (Huỳnh Tâm, 30 tuổi, crazyheart2103@)
Phóng toPV Thanh Hà tại Ấn Độ
- PV Thanh Hà: Trước khi đi, tôi tìm hiểu và được biết Hyderabad là thành phố công nghệ cao - được mệnh danh là Cyberabad, là một trung tâm công nghệ cao hàng đầu của Ấn Độ hiện nay với sự hiện diện của những tập đoàn, công ty công nghệ thông tin, điện tử viễn thông hàng đầu trên thế giới. Vì thế tôi đã cho rằng sử dụng internet sẽ rất dễ dàng, đơn giản. Nhưng trên thực tế, việc này có phần khó khăn hơn nhiều so với tôi đã hình dung. Với những người lần đầu đến đây như chúng tôi, việc tìm kiếm và sử dụng internet rất khó khăn, ngoại trừ hai nơi: trong khách sạn với giá cao và tại trung tâm hội nghị.
Một người bạn Ấn Độ lý giải: Ấn Độ được coi là một cường quốc công nghệ thông tin nhưng cũng như khoảng cách trong phân hoá giàu nghèo, khoảng cách phân hoá trong công nghệ thông tin ở đây cũng rất lớn. Những người cần và thường xuyên sử dụng internet đã có đủ phương tiện cá nhân hiện đại, trong công sở, trường học. Còn đại bộ phận người dân trên đường phố không có nhu cầu sử dụng Internet vì thế có phần khác với Việt Nam, ở đây rất khó kiếm các điểm internet công cộng.
Trước và sau khi GS Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Fields, cụm từ “Bổ đề cơ bản” được nhắc đến nhiều hơn bao giờ hết. Và không ít người thắc mắc về nội dung của công trình nghiên cứu gắn với “bổ đề cơ bản” đã mang đến giải thưởng “Nobel toán học” cho GS Ngô Bảo Châu. Nhưng không chỉ có chúng ta - những người ngoại đạo của toán học - có thể biết đến mà không thể hiểu một cách cặn kẽ công trình, kết quả nghiên cứu của GS Châu.
Tại ICM, thậm chí ngay sau khi GS Ngô Bảo Châu vừa trình bày báo cáo toàn thể với gần một ngàn nhà toán học chăm chú lắng nghe, tôi đã thử trao đổi với một số nhà toán học theo yêu cầu của toà soạn để lấy ý kiến đánh giá về công trình và giải thưởng của GS và đều nhận được những ý kiến rất trân trọng, bày tỏ sự ngưỡng mộ nhưng cụ thể hơn thì không.
Phần lớn các nhà toán học cho biết họ khâm phục trước thành tựu của GS, thấy GS được trao giải là rất xứng đáng nhưng chưa đủ khả năng hiểu về công trình, kết quả nghiên cứu của GS Ngô Bảo Châu… Tôi đã đem thắc mắc này trao đổi với GS Ngô Việt Trung- viện trưởng viện Toán học VN và vỡ lẽ khi GS cho hay “Cả thế giới có chừng 30 nhà toán học hiểu kỹ về “Bổ đề cơ bản”, có thể hiểu được, đánh giá được kết quả nghiên cứu của GS Ngô Bảo Châu. Trong số đó, có mặt ở ICM 2010 là không quá 10 người!”.
Có lẽ vì thế những nhà toán học mà chúng tôi gặp đều nhìn nhận kết quả nghiên cứu của GS Ngô Bảo Châu là một đỉnh cao của toán học nhưng cũng chỉ có thể dừng ở bên dưới để ngước nhìn lên và dành cho tôi những câu trả lời… rất xã giao. Ở góc độ một người đi phỏng vấn, tôi đã không thành công trước yêu cầu của toà soạn vì lý do khách quan đó. Vì vậy, chúng tôi đã chọn những cách tiếp cận khác đối với sự kiện và nhân vật…
* Tôi có một thắc mắc là trong những tấm hình chụp GS Ngô Bảo Châu tại Ấn Độ, có nhiều hình liên quan đến gia đình của giáo sư, nhưng hầu như không thấy tấm hình nào có vợ của giáo sư trong đó. Khộng biết vì vợ của giáo sư không sang chung vui cùng chồng, hay vì Tuổi Trẻ không thể chụp hình vợ của giáo sư. Tôi nghĩ, đằng sau sự thành công của người đàn ông, không thể không nhắc đến vai trò, hình ảnh của người phụ nữ.(Trường Sơn, 34 tuổi, truongson.trandinh@)
- PV Thanh Hà và Hoài Linh: Thắc mắc của anh cũng là thắc mắc của nhiều bạn đọc đã gửi về cho Tuổi trẻ. Trong cuộc giao lưu với bạn đọc Tuổi trẻ Online vài ngày sau khi nhận giải thưởng Fields, GS Ngô Bảo Châu đã trả lời câu hỏi này một cách rất thẳng thắn “Vợ tôi không muốn được thông tin đại chúng nhắc đến. Tôi hoàn toàn hiểu và tôn trọng cô ấy”.
Đó cũng chính là yêu cầu được GS Ngô Bảo Châu trao đổi với chúng tôi ngay từ cuộc gặp đầu tiên với anh tại Hyderabad. Chúng tôi hiểu mong muốn của anh và tôn trọng điều đó. Chính vì vậy, không chỉ chú ý ngay từ khi chụp hình mà mỗi khi chọn những bức ảnh sử dụng trên mặt báo, chúng tôi đều lưu ý để không vi phạm “nguyên tắc” này. Ngay cả khi nhận được yêu cầu từ toà soạn, xuất phát từ rất nhiều câu hỏi, mong muốn của bạn đọc, chúng tôi vẫn phải xin lỗi không thể đáp ứng được vì tôn trọng yêu cầu của GS.
Thật ra, đằng sau yêu cầu đó không có gì là phức tạp. Đó chỉ đơn giản là lối sống của từng cá nhân, từng gia đình, là cách ứng xử được lựa chọn của mỗi người trước đám đông và thông tin đại chúng. Là người đã trực tiếp tiếp xúc với GS và gia đình anh, trong đó có phu nhân của GS, tôi thực sự ngưỡng mộ cách ứng xử của cả hai anh chị. GS đã tôn trọng mong muốn của vợ, ngay cả trước áp lực từ công chúng và sự nổi tiếng. Còn với phu nhân của GS, tôi cũng thấy chị thật bản lĩnh khi vẫn giữ cho mình lối sống và cách ứng xử của mình trước những sự kiện dồn dập.
Nếu như trước đó còn chút băn khoăn về yêu cầu rất dứt khoát của GS thì sau một khoảnh khắc trong buổi trưa ngày 19-8, được chứng kiến hình ảnh GS Ngô Bảo Châu giữa vòng vây của đồng nghiệp, báo chí… còn vợ anh thì đứng lùi xa một chút, lặng lẽ nhìn với niềm hạnh phúc và trân trọng ngời lên trong ánh mắt, tôi thực sự hiểu thêm ý nghĩa của câu nói đằng sau thành công của người đàn ông, có vai trò, hình ảnh của một người phụ nữ. Có những người phụ nữ thực sự đứng đằng sau thành công, vinh quang của người chồng dù họ chọn cách… không xuất hiện.
Phóng to |
Giáo sư Ngô Bảo Châu và phu nhân chào quan khách tại lễ chào mừng giáo sư Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Fields tổ chức tại Trung tâm hội nghị quốc gia (Hà Nội) tối 29-8 - Một trong những dịp hiếm hoi báo chí chộp được hình ảnh phu nhân GS Ngô Bảo Châu xuất hiện liên quan đến sự kiện này - Ảnh tư liệu |
* Là nhóm phóng viên Việt Nam duy nhất tại Ấn Độ ở sự kiện này, anh chị có những thuận lợi và khó khăn gì? Được biết Ấn Độ là một đất nước sử dụng nhiều ngôn ngữ, trong đó tiếng Anh rất phổ biến, nhưng theo tôi biết giọng Ấn nói tiếng Anh cũng khá khó nghe. Anh Linh và chị Hà có gặp trục trặc hoặc có trường hợp nào hiểu nhầm khi nói chuyện với người dân địa phương không? Người Ấn chào đón sự kiện này như thế nào? Tôi nghĩ nếu VN được đăng cai sự kiện này, người ta sẽ xuống đường ăn mừng.(Phạm Thị Trâm Anh, 31 tuổi, matbocau@)
- PV Thanh Hà: Thuận lợi lớn nhất của chúng tôi là không phải đối mặt với sự cạnh tranh trực tiếp. Chúng tôi thuận lợi hơn khi có thể tiếp cận, gặp gỡ GS Ngô Bảo Châu và các nhân vật khác. Sự độc quyền thông tin, hình ảnh là một lợi thế, điều đó cũng giúp chúng tôi giảm bớt áp lực cạnh tranh, so sánh mà nếu có một số đồng nghiệp báo bạn cũng có mặt ở đây, sẽ khó tránh khỏi.
Tuy nhiên là nhóm phóng viên duy nhất từ VN đến tác nghiệp tại Hyderabad, chúng tôi cũng mất đi cơ hội nhận được sự hỗ trợ và chia sẻ từ các đồng nghiệp. Khi bận rộn, toàn tâm tập trung cho công việc, bài vở, nhưng đến buổi tối, khi công việc cuả một ngày hoàn tất, tôi cũng thầm ước có một vài đồng nghiệp cùng có mặt ở đây để có thể chia sẻ với nhau niềm vui khám phá một thành phố Ấn Độ mà tôi biết mình ít cơ cơ hội quay trở lại.
Đúng là tiếng Anh giọng Ấn rất khó nghe, nhất là khi giao tiếp ngoài đường phố. Chúng tôi thường xuyên gặp trục trặc về ngôn ngữ khi giao tiếp với người dân sở tại trên đường phố, khi sử dụng phương tiện giao thông cộng cộng, khi cần hỏi thăm đường hoặc các thông tin cần thiết… Đã có không tin tình huống dở khóc dở cười xảy ra với chung tôi vì bất đồng ngôn ngữ khi cả hai bên… đều nói tiếng Anh. Cuối cùng, chúng tôi đã tìm được một cách giải quyết khả dĩ nhất: đó là cố gắng bắt chước nói tiếng Anh theo giọng Ấn. Sau đó, tình hình giao tiếp thuận lợi hơn hẳn...
* Chào PV Thanh Hà-Hoài Linh. Ấn tượng đầu tiên của anh, chị trong lần đầu tiên tiếp xúc với GS Ngô Bảo Châu la như thế nào?(Nguyễn Hữu Chuyên, 21 tuổi, Huuchuyenhcm@)
- PV Thanh Hà: Gặp GS Ngô Bảo Châu tại Ấn Độ là lần đầu tiên tôi nói chuyện, phỏng vấn trực tiếp. Còn trước đó, tôi đã có một vài lần gặp GS tại các hội thảo tổ chức tại Hà Nội, trao đổi qua email… Vì thế ấn tượng của tôi không hẳn là ấn tượng “đầu tiên”. Nhưng quả thật, khi trực tiếp trao đổi, phỏng vấn GS Châu, tôi hơi bất ngờ với sự thân thiện, dễ gần, thẳng thắn có phần khác với vẻ bề ngoài trầm tĩnh, kín đáo.
Tôi ấn tượng với cách giao tiếp, trò chuyện của GS Ngô Bảo Châu: có phong cách của một người Hà Nội gốc trong một gia đình gia giáo, vừa có sự chừng mực của một nhà khoa học, có cách nói chuyện thẳng thắn của người sống lâu ở nước ngoài và sự khiêm tốn, sâu sắc, cách diễn đạt ngắn gọn, lựa chọn từ ngữ rất chính xác của riêng GS.
* Những chuyến đi tác nghiệp như vậy có đem lại cho anh chị những kinh nghiệm gì? Bao nhiêu phần trăm những kinh nghiệm đó, các anh chị đã biết được từ trường lớp?(Đoàn Lan An Nhiên, 23 tuổi, annhien.doan@)
- PV Thanh Hà: Những chuyến đi tác nghiệp như chuyến đi Hyderabad vừa qua mang lại cho tôi những kinh nghiệm rất phong phú và thiết thực. Trong đó quan trọng nhất là những kinh nghiệm trong việc tự mình giải quyết những khó khăn ở một môi trường làm việc xa lạ, không dễ dàng “cầu viện” trước những khó khăn nảy sinh bất ngờ, ngoài dự tính. Ví dụ như lần đi Ấn Độ này, tôi không nghĩ sẽ khó tìm phương tiện liên lạc về toà soạn như vậy vì ở Ấn Độ, để phòng chống khủng bố, họ cực kỳ hạn chế, quản lý rất chặt chẽ việc sử dụng thuê bao di động trả trước. Và tôi đã gặp khó khăn khi không kịp tìm hiểu trước để roaming từ VN.
Riêng lần này, kinh nghiệm quan trọng nhất mà tôi rút ra được đó chính là sự nỗ lực đến cùng để giải quyết những tình huống khó khăn, tưởng như không còn cơ hội. Nếu như thực sự đeo đuổi đến cùng, cố gắng tận dụng từng cơ hội nhỏ nhất, chúng ta có thể mở được cánh cửa tưởng như đã khép lại. Việc đăng ký được thẻ tác nghiệp tại ICM vào ngày cuối cùng trước khi khai mạc sự kiện này chính là ví dụ cho kinh nghiệm này.
Phần lớn kinh nghiệm mà tôi rút ra được là từ những trải nghiệm thực tế của bản thân và đồng nghiệp.
Mạo hiểm chẳng để làm gì nếu không đem lại kết quả * Chào nhà báo Viễn Sự! Tôi rất ấn tượng về những hình ảnh bò tót do anh chụp được. Hình ảnh chứng tỏ anh tiếp cận với bò tót ở một cự ly rất gần. Xin anh cho biết trước khi quyết định làm đề tài này, anh có sợ nguy hiểm xảy ra hay không? Khi sợ hãi như thế anh nghĩ đến điều gì? Trong sự nghiệp làm báo của mình, có bao giờ anh gặp những tình huống nguy hiểm buộc anh phải lựa chọn: Tác nghiệp hoặc rút lui? Anh chia sẻ như thế nào về sự dấn thân và lựa chọn trong nghề báo?(T.L, 23 tuổi, tamlua88@) * Chào bạn Viễn Sự. Bạn đánh giá mức độ nguy hiểm khi thực hiện bài viết về bò tót này là như thế nào. Cá nhân tôi đánh giá, mức độ nguy hiểm trong trường hợp này chẳng thấm là bao so với các phóng viên chiến trường, hoặc các trường hợp viết về đề tài săn bắt cướp, tệ nạn xã hội... Bạn nghĩ sao?(Trần Phúc An, 32 tuổi, phucan.tran@) - Phóng viên Viễn Sự: Tất nhiên là tôi có sợ. Tôi luôn suy nghĩ: Mạo hiểm chẳng để làm gì nếu không đem lại kết quả. Với khoảng cách 20 - 30 m, tôi vẫn tin là mình có thể thoát thân kịp khi bò tót nổi khùng. Ngoài ra, về độ an toàn, tôi không có nhiều lo lắng khi thực hiện đề tài này, bởi lẽ đi cùng chúng tôi đã có các kiểm lâm của Hạt quốc gia Vườn kiểm lâm Phước Bình, đồng thời mong muốn được gặp bò tót làm tôi hào hứng. Các anh luôn theo sát chúng tôi, tìm cách đánh lạc hướng bò tót để tôi chụp ảnh và đưa ra các yêu cầu để bảo đảm an toàn. Điều đó theo các kiểm lâm là cần thiết vì trước đó, do không cẩn thận đã có ba người bị bò tót húc bị thương. Bò tót thì dù sao cũng chỉ là một con bò thôi, không thể gây nguy hiểm như các đề tài mà bạn nói. Tuy nhiên, khi tham gia bất cứ đề tài nào, về con bò tót hay tệ nạn xã hội… tôi đều có một yêu cầu như nhau là phải tự bảo đảm sự an toàn tối đa cho bản thân. Bởi đó là điều kiện đầu tiên giúp một phóng viên có thể đưa được thông tin mà bạn đọc đang chờ.
Cũng có đôi lần tác nghiệp trong những tình huống nguy hiểm, ví như những lần tác nghiệp bão lũ ở miền Trung. Tuy nhiên tôi chưa bao giờ phải lựa chon như bạn nói. Bởi lẽ trước đó tôi đã trang bị các điều kiện an toàn tối đa cho mình và nhận được sự hỗ trợ của nhiều người khác. Tôi không muốn dung chữ “dấn thân” vì nghề báo trước tiên cũng là một nghề để mưu sinh, chỉ khác là công việc mình làm, sản phẩm mình tạo ra được ký tên phía dưới. Có thể vì thế mà nhiều người nghĩ rằng tính dân thân của nghề báo cao hơn. Còn khi đã lựa chọn thì với nghề báo phải có cả đam mê và khả năng, chỉ một cái thôi thì sẽ rất khó. * Anh Viễn Sự thân. Tình hình mới nhất của những chú bò tót ở Ninh Thuận hiện nay là như thế nào? Và có thêm thiệt hại nào cho người dân nữa không? Rất mong được anh cập nhật thêm những thông tin mới nhất!(Trần Quang Sang, 23 tuổi, quangsang@) - Phóng viên Viễn Sự: UBND Tỉnh Ninh Thuận đã chi 25 triệu đồng để bảo vệ bò tót và bảo đảm an toàn cho dân vì chú bò tót này vẫn thường xuyên “xuống núi”, định cư trong rẫy của người dân. Tuổi Trẻ sẽ cập nhật khi có thông tin mới nhất. * Em là một sinh viên báo chí, cảm thấy rất hào hứng với nội dung này, khi qua đó, có thể rút ra được cho mình những kinh nghiệm làm báo nhất định. Em xin có một câu hỏi: Từ đâu Tuổi Trẻ có được thông tin bò tót xuất hiện tại Bình Thuận (qua đường dây nóng?), và vì đâu Tuổi Trẻ quyết định tiếp cận với sự kiện này. Em nhớ các báo thời điểm này, chỉ có mỗi Tuổi Trẻ chọn đề tài này. Có phải Tuổi Trẻ nghĩ rằng đây sẽ là đề tài tạo nhiều sự tò mò cho độc giả?(Lê Văn Bảo Trung, 19 tuổi, baotrungsvbc@) - Phóng viên Viễn Sự: Tuổi Trẻ không phải là tờ báo đầu tiên khai thác thông tin về bò tót. Trước đó TTXVN, rồi một số báo mạng đã đưa tin. Tuy nhiên cùng với TTXVN, Tuổi Trẻ là một trong hai tờ báo đầu tiên có mặt tại Phước Bình, nơi bò tót xuất hiện và Tuổi Trẻ là tờ báo đầu tiên chụp ảnh và quay phim về con bò tót này ở cự ly gần và lâu nhất. Một loài thú quý hiếm có trong sách đỏ xuất hiện, 20 ha rẫy bị phá hại, ba người dân húc bị thương… Đó là lý do Tuổi Trẻ quyết định tiếp cận bò tót và đưa tin. * Em xin hỏi PV Viễn Sự: Trước khi tiếp cận với bò tót tại xã Phước Bình (Bác Ái, Ninh Thuận) thì anh đã có nhiều chuyến đi thực tế như vậy để lấy tư liệu chưa?(Nguyễn Hữu Chuyên, 21 tuổi, Huuchuyenhcm@) - Phóng viên Viễn Sự: Tiếp cận một con bò tót thì chưa nhưng những sự kiện nóng tương tự như bão lụt, thiên tại thì tôi đã từng tham gia đưa tin. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận