03/10/2010 08:25 GMT+7

Đàn ông bán hàng

LƯƠNG NGUYỄN
LƯƠNG NGUYỄN

TTO - Tôi không biết mình bắt đầu chú ý đến những người bán hàng là đàn ông từ khi nào, có lẽ từ khi biết nhìn cuộc đời với gam màu không phải toàn màu hồng, biết xót xa trước những mảnh đời xung quanh...

Với tôi, đàn ông bán hàng hoặc rất vui vẻ hoặc lại mang một nỗi buồn xa xăm.

ZU4BCuqU.jpgPhóng to
Cụ Lê Văn Mười, 80 tuổi, nhà ở Bình Dương, bán hàng ở cầu Kinh (Thanh Đa, Bình Thạnh, TP.HCM) nuôi vợ yếu bệnh, con tâm thần - Ảnh: http://vtc.vn

Với những người đàn ông bán hàng vui vẻ, tôi nhớ hồi tôi còn học cấp II, có lần chú L., chủ quán hủ tiếu mà tôi rất thích, nói với tôi rằng sau này có muốn bán hủ tiếu giống chú không, tôi hồn nhiên trả lời rằng: "Có!". Vì hủ tiếu chú nấu rất ngon và luôn nhiệt tình đón khách, trò chuyện và hỏi thăm họ với nụ cười không bao giờ tắt trên môi.

Hoặc chú N., bán hàng ở căngtin trường tiểu học của tôi cũng thế, luôn cười vui vẻ và hay pha trò cho các cô cùng bán trong căn tin cũng như đám khách hàng học trò. Rồi anh chủ quán cơm trong ký túc xá mà tôi chưa kịp biết tên. Tóc húi cua, giọng miền Bắc ngọt ngào và đôi mắt hí mỗi lần cười là hết thấy mặt trời, anh rất được lòng sinh viên chúng tôi vì luôn pha trò mỗi khi bán cơm.

Xem ra những người đàn ông bán hàng vui vẻ ấy có lẽ do họ làm chủ và việc buôn bán của họ có thể nói là luôn ổn định.

Họ rất khác với những người đàn ông bán hàng buồn xa xăm. Như một lần tôi đã gần như bị ám ảnh bởi một ánh mắt đẫm một nỗi buồn không biết phải gọi thế nào của một người đàn ông bên tấm vải bạt trải vội bên lề đường với vài thứ trái cây trên đó, dưới ánh sáng nhá nhem của buổi chiều chạng vạng lẫn với ánh vàng vọt của đèn đường.

Không ai ghé ngang qua gian hàng của ông. Và ông ngồi đó, bó gối với đôi bàn tay nhăn nheo cùng cái nhìn dường như trống rỗng hướng ra dòng xe qua lại trước mặt. Thỉnh thoảng, ông tỉ mẩn sắp xếp lại mớ trái cây trước mặt, rồi lại ngồi, trông chờ một tiếng thắng xe và bóng dáng ai đó trờ đến và hỏi mua một chút gì.

Bến xe Củ Chi, TP.HCM. Những ai thường đến bến xe này chắt hẳn sẽ biết người đàn ông với nước da ngăm đen, trong bộ đồ lính và chiếc xe đạp cọc cạch với thùng kem trên đó. Ông thường lên xe với 4 - 5 cây kem trong tay. "Kem đi em!", "Trời nóng, ăn kem đi chị!".

Có khi ông chẳng nói gì, lặng lẽ chìa kem ra trước mặt khách. Và trước những cái lắc đầu của hành khách, ông lại lặng lẽ xuống xe, chờ chuyến xe sau...

Người đàn ông gầy gò, lưng áo luôn ướt đẫm mồ hôi trong khi tay vẫn cầm những que kem đang bốc hơi mát lạnh, và đôi mắt của ông cũng đau đáu buồn. Có bao nhiêu người sẽ ăn những que kem bình dân đó của ông trong thời buổi đã có nhiều những cây kem cao cấp đủ màu, đủ vị?

Chúng ta đã xúc động với hình ảnh những phụ nữ tảo tần vất vả, xót xa khi thấy họ ngồi buồn bên gánh hàng ế ẩm. Nhưng với những người đàn ông, nỗi buồn xem ra càng thấm thía, thậm chí xót xa hơn.

Họ không có may mắn được làm chủ, khó có thể vui vẻ và phải luôn mang nỗi buồn trong ánh mắt. Nhưng họ đáng mặt đàn ông hơn rất nhiều lần so những người đàn ông suốt ngày say xỉn, đánh đập vợ con.

Con cái của họ có xấu hổ với bạn bè khi cha mình không phải là kỹ sư, giám đốc? Nếu chúng tận mắt thấy được và hiểu được sự vất vả cùng nỗi buồn trong ánh mắt của cha chúng, chúng chắc phải tự hào thay vì cố tạo ra một nghề nghiệp nào đó để nói về cha mình.

Nghĩ vậy, nhưng sao vẫn thấy ái ngại mỗi khi nhìn vào mắt những người đàn ông bán hàng...

LƯƠNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên