08/05/2014 03:23 GMT+7

Tai nạn rình rập dưới chân cầu

MẬU TRƯỜNG - NGỌC ẨN
MẬU TRƯỜNG - NGỌC ẨN

TT - Cầu Lê Văn Sỹ (Q.3, TP.HCM) vừa thông xe đã gây thất vọng cho người dân TP vì cầu không xây cao nên việc lưu thông qua cầu này không khác trước. Tương tự, nhiều cây cầu ở TP có đường băng ngang đầu cầu rất nguy hiểm...

Cầu Lê Văn Sỹ: Lý do vướng giải tỏa chưa thuyết phụcVết nứt trên trụ cầu Lê Văn Sỹ là vết xướcThông xe cầu Lê Văn Sỹ

BnY3O2sx.jpgPhóng to
Dưới chân cầu Chánh Hưng (Q.8) là trụ đèn tín hiệu giao thông nên xe cộ phải dừng ngay trên cầu để chờ đèn đỏ - Ảnh: Mậu Trường

Ở những đầu cầu này, giao thông lộn xộn, ùn ứ thường xuyên và chuyện va quẹt xe xảy ra như cơm bữa.

Dừng đèn đỏ ngay trên cầu

Nhiều người dân Q.8 đều lắc đầu ngao ngán khi nhắc đến cầu Chánh Hưng, vì mỗi khi đi qua cầu phải xếp hàng dài chờ đèn đỏ ngay trên cầu và thót tim bởi những pha xe đứt thắng lao tự do từ trên cầu băng qua giao lộ. Cầu Chánh Hưng nối giữa P.4 và P.9 (Q.8). Nếu đi từ P.4 qua P.9, xe cộ phải dừng chờ đèn đỏ ngay trên cầu vì phía dưới chân cầu, nơi giao cắt với đường Hưng Phú có chốt đèn tín hiệu giao thông.

"Không thể đổ thừa do thiếu vốn, do vướng giải tỏa mà cần đặt ra yêu cầu xây cầu phải đảm bảo an toàn giao thông và vì tính mạng con người"

Ông PHẠM SANH

Ngày 5-5, khi chúng tôi đang dừng chờ đèn đỏ trên cầu Chánh Hưng, từ phía sau một xe máy do phụ nữ điều khiển đã đâm mạnh vào đuôi xe chúng tôi. Người phụ nữ liền xin lỗi và giải thích: “Do dốc cao quá nên không thắng kịp”. Đúng như chị nói, hầu hết những người dừng xe chờ đèn đỏ tại đây đều phải đặt chân lên thắng xe để xe không bị tuột dốc lao về phía trước.

Một người dân sống gần cầu Chánh Hưng cho biết thường xuyên chứng kiến cảnh va quẹt xe dưới dốc cầu này. Trong đó có một số vụ xe lớn bị đứt thắng khi đổ dốc cầu khiến nhiều người hoảng loạn. Gần đây nhất là vụ xe buýt tông liên hoàn vào nhiều xe khác khi đang đổ dốc cầu ngày 11-2 khiến hai xe máy và một xe du lịch chạy cùng chiều hư hỏng nặng.

Tại đây, do lượng xe dừng chờ đèn đỏ trên cầu nhiều nên thường xuyên xảy ra ùn ứ. Vào giờ cao điểm, hàng trăm xe máy, ôtô và xe buýt dừng xe kín chỗ trên cầu. Lực lượng chức năng phải thường xuyên túc trực để điều tiết giao thông vì theo một người dân địa phương, chỉ cần đèn tín hiệu giao thông trục trặc khoảng năm phút là có thể xảy ra kẹt xe kéo dài hàng giờ liền.

Cách cầu Chánh Hưng khoảng 50m là cầu Nguyễn Tri Phương (nối Q.5 và Q.8). Đầu cầu Nguyễn Tri Phương phía Q.5 là điểm giao cắt với đường Trần Hưng Đạo. Để hạn chế tình trạng xe cộ băng ngang dốc cầu này, ngoài trụ đèn tín hiệu tại đây, đơn vị chức năng đã tổ chức giao thông khác hẳn với những cây cầu khác. Theo đó, xe cộ từ đường Nguyễn Tri Phương muốn lên cầu để qua Q.8 phải đi vòng qua đường Trần Phú, sau đó vòng lại đường Trần Hưng Đạo và quẹo phải lên cầu (thay vì chỉ mất khoảng 20m để lên cầu thì mọi người phải đi vòng hàng trăm mét mới được lên cầu).

Tương tự, xe cộ từ đường Trần Hưng Đạo, hướng từ Q.1 - Q.5 muốn lên cầu này cũng phải vòng qua đường Trần Phú - Trần Hưng Đạo, sau đó mới lên được cầu. Với cách tổ chức giao thông rườm rà này, tuy đã hạn chế lượng xe băng ngang dưới chân cầu nhưng thỉnh thoảng vẫn xảy ra tình trạng ùn ứ, giao thông lộn xộn mỗi lần có xe lớn chạy trên đường Trần Hưng Đạo, hướng từ Q.5 đi Q.1.

Dưới hai đầu cầu Tạ Quang Bửu (Q.8) là đường 1107 Tạ Quang Bửu (còn gọi là đường dọc rạch Hiệp Ân) và đường Bông Sao. Cả hai tuyến đường này đều cắt ngang ngay dốc cầu. Phía đường 1107 Tạ Quang Bửu, cơ quan chức năng đã lắp dải phân cách ngay giữa dốc cầu để ngăn không cho xe băng ngang dốc cầu và dồn xe cộ lại để đi qua một khoảng hở, cách dốc cầu hơn 100m.

Còn phía đường Bông Sao, theo ghi nhận của chúng tôi, xe cộ vẫn băng ngang ngay dốc cầu gây nguy hiểm cho người điều khiển xe từ trên cầu đổ dốc xuống. Một người chạy xe ôm tại đây cho biết hầu như ngày nào tại dốc cầu này cũng xảy ra va quẹt. “Tôi không hiểu sao dưới gầm cầu vẫn đủ độ tĩnh không, đất trống bỏ phí mà không làm đường chui phía dưới. Trong khi người dân phải băng ngang đường, cắt ngang dòng xe đang đổ dốc cầu rất nguy hiểm” - một người dân Q.8 thắc mắc.

Tương tự, cầu Phú Xuân phía Q.7 bị đường Phạm Hữu Lầu cắt ngang ngay dưới chân cầu. Xe cộ đi từ huyện Nhà Bè qua Q.7 phải dừng đèn đỏ ngay dốc cầu. Người dân khu vực này cho biết những ngày cuối tuần và ngày lễ, giao lộ này là điểm nóng về giao thông vì xe cộ hỗn loạn, va quẹt xe xảy ra liên tục.

OKqXOxTw.jpg
Sơ đồ giao thông tại cầu Chánh Hưng (Q.8, TP.HCM) và cầu Nguyễn Tri Phương (Q.5, TP.HCM) - Đồ họa: Vĩ Cường

Vi phạm Luật giao thông

Một cán bộ Sở Giao thông vận tải TP thừa nhận cách đây 14 năm do thiếu vốn nên công trình xây dựng cầu Nguyễn Tri Phương không nối kết với cầu Chánh Hưng khiến giao thông tại đây không thông suốt và gây ra nhiều vụ ùn ứ, tai nạn giao thông. “Tuy nhiên công trình xây cầu Nguyễn Tri Phương được chia làm hai giai đoạn và dự kiến giai đoạn 2 hoàn thiện cầu này mở rộng. Thế nhưng các địa phương buông lỏng quản lý đô thị nên người dân dọc hai bên đường cầu Nguyễn Tri Phương đã xây dựng nhà cửa khang trang khiến việc đầu tư giai đoạn 2 không thể thực hiện được vì kinh phí đền bù giải tỏa tăng rất nhiều” - vị này nói.

Theo một số chuyên gia, ngành chức năng đã sai lầm khi ngay từ đầu không đầu tư một lần xây dựng cầu Nguyễn Tri Phương. Theo ông Phạm Sanh - chuyên gia giao thông, nguyên nhân sâu xa là do chưa có quy định tiêu chuẩn thiết kế cầu trong đô thị nên các đơn vị thiết kế chưa đúng để công trình xây dựng cho nhanh mà bỏ qua các yêu cầu kỹ thuật khác. “Tôi đến quan sát cầu Lê Văn Sỹ và nhận thấy chỉ cần nâng cao một chút là có thể thông xe đường dưới dạ cầu, nhiều người dân ở khu vực cầu cũng đồng ý như vậy. Thế nhưng người ta không làm” - ông Sanh cho biết.

Theo ông Phạm Sanh, việc xây cầu có đường băng ngang ở đầu cầu là không đúng Luật giao thông đường bộ vì luật quy định không được tụ tập, dừng xe trên mặt cầu. Như vậy, các cơ quan chức năng đầu tư xây dựng cầu có đường băng ngang đầu cầu đã vi phạm và còn làm cho những người đi xe buộc phải vi phạm Luật giao thông. “Với mật độ xe cộ lưu thông ngày càng nhiều, cần phải xây dựng cầu vượt lên đường ngang đầu cầu, nhưng đơn vị tư vấn thiếu trách nhiệm, chủ đầu tư cũng “lờ” cho qua và “quên” luôn quy định xây dựng cầu phải tổ chức tuyển chọn kiến trúc cầu”- ông Phạm Sanh nói.

Tổ chức lại giao thông ở hai đầu cầu Lê Văn Sỹ

Báo Tuổi Trẻ ngày 3-5 đăng bài “Cầu Lê Văn Sỹ (TP.HCM): xây mới nhưng chuyện cũ vẫn còn”, phản ánh tình trạng giao thông lộn xộn ở hai đầu cầu. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do không có đường chui trong khi hai đầu cầu chỉ lắp dải phân cách mềm nên xe cộ tùy tiện băng ngang ngay đường dẫn lên cầu khiến xe chạy qua cầu xung đột với dòng xe chạy thẳng trên đường Trường Sa và đường Hoàng Sa.

Ngày 7-5, theo ghi nhận của chúng tôi, giao thông ở hai đầu cầu này đã được tổ chức lại hợp lý hơn. Theo đó, tại đoạn đường dẫn lên cầu ở hai đầu cầu, cơ quan chức năng đã cho lắp đặt dải phân cách cứng giữa hai chiều lưu thông.

Phía đường Trường Sa, xe cộ muốn băng qua bên kia đường buộc phải vòng lại khoảng hở của dải phân cách trước cổng chợ Nguyễn Văn Trỗi. Còn phía đường Hoàng Sa, xe cộ muốn băng qua bên kia đường phải vòng xe tại khoảng hở dải phân cách tại giao lộ Trần Quốc Thảo - Kỳ Đồng.

MẬU TRƯỜNG

MẬU TRƯỜNG - NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên