23/03/2014 06:45 GMT+7

Asiad 2019: nên trả hay không?

LÊ KIÊN - H.T. ghi
LÊ KIÊN - H.T. ghi

TT - Sau phiên điều trần hôm 18-3, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Hoàng Tuấn Anh đã làm dư luận bất an khi không phúc đáp rõ ràng những vấn đề đặt ra với việc đăng cai Asiad 2019, đặc biệt là kinh phí tổ chức.

Asiad 2019: bỏ cuộc sớm còn hơn để dân oằn vai gánh nợ"Bị gài vào thế rồi"150 triệu USD để đăng cai Asiad 2019

CjHK6VhW.jpgPhóng to
Thành phố Incheon (Hàn Quốc) giới thiệu ba linh vật của Asiad 2014. Để tổ chức sự kiện này, chủ nhà cho biết kinh phí tổ chức là 1,62 tỉ USD - Ảnh: Website Asiad 2014

Diễn đàn chủ nhật kỳ này xin tiếp tục bàn về câu chuyện Asiad 2019.

* TSLÊ ĐĂNG DOANH (chuyên gia kinh tế):

Tôi ngạc nhiên, không hài lòng và lo ngại

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các nước thường sử dụng sự kiện tổ chức đại hội thể thao châu lục hoặc thế giới để thu hút sự chú ý của thế giới về phía mình. Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hi Lạp... từng tổ chức các sự kiện như vậy.

Tuy nhiên, chỉ một số ít quốc gia tổ chức xong những sự kiện như vậy thì nền kinh tế của họ cất cánh cao hơn, thế giới chú ý đến họ hơn và vị thế quốc gia của họ được nâng cao.

Vậy VN cần đánh giá kỹ xem năm 2019 mình đang đứng ở đâu, liệu trong điều kiện kinh tế - xã hội, thể thao như vậy thì đã đến lúc mình có thể mở mày mở mặt với thế giới chưa?

Tôi thiên về phía cần phải tính toán hết sức thận trọng, bởi không tính toán kỹ thì mình sẽ đi theo con đường nợ nần như Hi Lạp chứ không phải là con đường của Hàn Quốc, Nhật Bản.

Cần lưu ý rằng khi Nhật Bản, Hàn Quốc đăng cai các sự kiện như vậy thì họ đã là nước công nghiệp phát triển, thu nhập bình quân đầu người đã rất cao và trình độ thể thao của họ ở top đầu châu lục và thế giới.

Hơn nữa, với một việc lớn như vậy thì cần thiết phải có một hội đồng độc lập để thẩm định, đánh giá từ kinh phí tổ chức đến những cái được, cái mất.

Chính phủ và Quốc hội cũng phải nghe nhiều để có quyết định đúng đắn nhất. Tôi ngạc nhiên, không hài lòng và thậm chí lấy làm lo ngại trước phần trình bày của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh tại phiên điều trần.

Ông Tuấn Anh mới trình bày một mảng nhỏ của kinh phí, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn thì trình bày một mảng rộng hơn nhưng cũng chưa phải là đầy đủ.

Lại không có ý kiến thẩm định độc lập. Và đến giờ này chưa có căn cứ nào để nói rằng đâu là con số chính xác, vậy chúng ta tin vào đâu?

Trước một việc lớn như vậy, tôi nghĩ rằng cần có phương pháp làm việc thích hợp, rất cần phải thảo luận, thẩm định và phản biện.

Ví dụ, căn cứ nào để nói rằng 72% kinh phí cho Asiad lấy nguồn từ xã hội hóa? Dự án xây dựng làng vận động viên rất đồ sộ có khả thi trong điều kiện bất động sản trầm lắng thế này không?

Liệu đến năm 2019 nền kinh tế VN đã cất cánh được chưa, khi mà hiện tại vẫn còn rất nhiều khó khăn?... Tôi đề nghị tại kỳ họp Quốc hội tháng 5 tới cần đặt vấn đề này ra, chất vấn và quy trách nhiệm. Ông bộ trưởng trình ra như vậy thì trách nhiệm cá nhân của ông ấy thế nào?

* ÔngLÊ NHƯ TIẾN (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):

Lớn hơn 150 triệu USD rất nhiều...

Bây giờ không phải là thời điểm chúng ta bàn là nên hay không nên tổ chức Asiad 18 nữa bởi vì chúng ta đã cam kết quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để Hà Nội đứng ra đăng cai tổ chức.

Đây vừa là vấn đề pháp lý và cũng là danh dự quốc gia. Trước hết, chúng ta sẽ phải chứng tỏ cho thế giới biết rằng VN có thể tổ chức thành công một sự kiện thể thao tầm cỡ châu lục.

Thứ hai, qua việc tổ chức Asiad là cơ hội vàng cho đội ngũ VĐV, HLV và các nhà tổ chức, quản lý thể thao của VN nâng cao trình độ, nhận thức lên một tầm mới.

Thứ ba, đây cũng là dịp có thể mang lại lợi ích kép, đó là phát triển đồng bộ hạ tầng thể thao của nước nhà và đón nhận hàng trăm ngàn khách du lịch, phát triển các ngành dịch vụ.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là qua giải trình của người đại diện Chính phủ là Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh thì chưa làm rõ được toàn diện về vấn đề kinh phí phục vụ Asiad 18.

Con số 150 triệu USD mà bộ trưởng đề cập chỉ là khâu chuẩn bị và tổ chức, còn rất nhiều khoản chưa được tính, đó là toàn bộ hạ tầng thể thao phải sửa chữa, nâng cấp, xây mới (trong đó có nhiều môn thể thao mà VN chưa có hạ tầng như sân đua xe đạp lòng chảo, trường đua ngựa...).

Như vậy, chi phí sẽ lớn hơn con số 150 triệu USD rất nhiều lần.

Sau phiên điều trần, chúng tôi đã đề nghị ba bộ Kế hoạch - đầu tư, Tài chính, Văn hóa - thể thao và du lịch phối hợp rà soát lại toàn bộ công tác chuẩn bị, các công trình hạ tầng phục vụ Asiad 18, kinh phí đào tạo huấn luyện viên, vận động viên phục vụ Asiad 18 mà đặc biệt là việc đưa 850 vận động viên đi tập huấn trong nước và quốc tế (chắc chắn số tiền không nhỏ)...

Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch phải báo cáo với Chính phủ và Quốc hội tổng số chi phí phục vụ cho việc tổ chức Asiad 18 là bao nhiêu. Cá nhân tôi nghĩ rằng Hàn Quốc phải chi 1,62 tỉ USD cho Asiad Incheon 2014 thì VN có tiết kiệm thế nào đi chăng nữa cũng không thể thấp hơn số này.

* ÔngPHẠM VĂN KIẾT (nguyên giám đốc Sở TDTT TP.HCM):

Không nên tổ chức Asiad 2019

Đã về hưu khoảng chục năm nay, ông Phạm Văn Kiết chưa hề xuất hiện một lần nào để trả lời báo chí, với nguyên tắc: “Mình đã về hưu, để mọi chuyện cho những người đương nhiệm làm”. Tuy nhiên, với câu chuyện liên quan đến Asiad 2019 thì ông “xé rào”.

Ông tâm sự: “Tôi suy nghĩ rất nhiều về chuyện này, và cuối cùng thì quyết định phải nói, đó là nên trả quyền tổ chức Asiad 2019. Là một người VN, tôi nghĩ ai mà không mong muốn đất nước mình làm chủ nhà Asiad. Nhưng lúc nào thì được chứ năm 2019 thì chưa”.

Phân tích cho quan điểm của mình, ông nói: “Asiad là một đại hội thể thao có tầm vóc lớn hơn SEA Games rất nhiều. Vậy mà, khi đăng cai SEA Games, chúng ta đã có kế hoạch trước cả chục năm. Thậm chí có kế hoạch sớm và rất chi tiết, nhưng chi phí cho SEA Games 2003 cũng vượt nhiều so với kế hoạch.

Riêng với Asiad 2019, tôi theo dõi kỹ và thấy sự chuẩn bị rất hời hợt. Con số tương đương 150 triệu USD để tổ chức cho đại hội này là chuyện không thể có.

Với kinh nghiệm cả đời gắn bó với thể thao, tôi đoan chắc tổng kinh phí phải cao gấp chục lần con số 150 triệu USD mà bộ trưởng đưa ra, và như vậy quả là đáng lo cho đất nước chúng ta khi đang còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Một điều rất quan trọng nữa khi tổ chức một đại hội thể thao, đó là chúng ta chuẩn bị lực lượng như thế nào để xứng đáng với vị trí chủ nhà. Không thể làm chủ nhà mà cứ trông mong vào những môn “đi tắt đón đầu”.

Sở dĩ SEA Games 2003 thành công là vì chúng ta đã chuẩn bị lực lượng rất kỹ, thể hiện qua chương trình mục tiêu quốc gia.

Còn với Asiad 2019, không thể chấp nhận được khi nhận quyền đăng cai mà kế hoạch đầu tư lực lượng vẫn chưa có.

Thậm chí, cho đến giờ này chỉ còn năm năm nữa thôi, nhưng kế hoạch vẫn còn trên giấy. Với sự chuẩn bị như thế, không thể yên tâm được”.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

“Giờ dây thun”, chấm dứt được không?Nhà công vụ: nên không?Cảm hóa học sinh cá biệt bằng tình yêu thươngLàm gì để Hà Nội thanh lịch?Dường như xã hội đang lệch chuẩn

LÊ KIÊN - H.T. ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên