10/08/2013 07:12 GMT+7

Không phải chỉ chuyện y đức

LỆ QUYÊN
LỆ QUYÊN

TT - Đã có hơn 200 ý kiến phản hồi các bài viết liên quan đến việc “nhân bản” phiếu xét nghiệm tại Bệnh viện Hoài Đức, Hà Nội. Chúng tôi xin giới thiệu một số ý kiến.

uOSOkQde.jpgPhóng to

Không chấp nhận được

Tôi là một cán bộ trong ngành y tế và rất bức xúc với hành động này. Thứ nhất, giám đốc bệnh viện phân công thiếu khoa học và cố ý để nhân viên làm giả. Thứ hai, nể nang gì mà cấp phiếu khống đến hơn nghìn bệnh nhân. Nếu có tìm lý do để đổ thừa thì cũng phải tìm lý do nào cho hợp lý chút chứ? Thứ ba, để giúp người nhà người quen hoàn thiện hồ sơ, thì đấy là hồ sơ, nếu họ không đạt sức khỏe hay dùng kết quả xét nghiệm đó cho mục đích sai trái thì mấy bác mấy cô nghĩ sao? Xã hội tiến đến nền văn minh hiện đại mà cứ cái kiểu suy nghĩ và làm việc quan liêu, thiếu trách nhiệm thế này thì đến khi nào đất nước mới phát triển? Bệnh nhân giao cả mạng sống cho bác sĩ mà làm ăn kiểu này thì không thể chấp nhận được.

Thiếu đạo đức và trách nhiệm

Trong lâm sàng y học, cùng bị mắc một bệnh nhưng lại có rất nhiều “con bệnh” khác nhau. Nghĩa là mỗi cá thể đáp ứng với bệnh tật khác nhau. Nguyên do là sự khác biệt tuổi tác, giới tính, cơ địa... thì có các thông số sinh lý học khác nhau, triệu chứng và diễn biến bệnh cũng sẽ khác nhau.

Chính vì thế, ngành y sinh thế giới và mỗi nước qua nhiều thế hệ đã xây dựng “bảng chỉ số sinh lý học bình thường” ở người. Tại các labo (phòng xét nghiệm) y học lâm sàng, các bảng chỉ số sinh học đó được “quy trình hóa” và thể hiện trong các bảng, biểu treo (dán) ngay tại labo. Hơn thế nữa, trong tất cả biểu mẫu trả lời kết quả xét nghiệm luôn có cột “chỉ số bình thường” để so sánh với kết quả thực tế của mỗi người tại thời điểm xét nghiệm. Đó là quy định bắt buộc trên toàn cầu.

Một kỹ thuật viên xét nghiệm, một nhân viên khi làm việc tại các labo đều đã được đào tạo và phải nắm rõ vấn đề cơ bản như vậy. Những người chịu trách nhiệm pháp lý khi ký xác nhận một kết quả xét nghiệm lâm sàng cũng không thể không biết điều đó. Vì thế, không thể lấy kết quả xét nghiệm của người này áp cho người khác để chẩn đoán và điều trị.

Hậu quả của việc “nhân bản” “phiếu kết quả xét nghiệm” không gây ra chết người tức thì, nhưng có thể là nguyên nhân gián tiếp chết người vì căn cứ để chẩn đoán bệnh bị sai. Ví dụ, một người bị ngất do đói và tụt đường huyết vào cấp cứu. Kết quả xét nghiệm đường huyết được “nhân bản” từ một người bị bệnh đường huyết thì chỉ số đường sẽ rất cao. Bác sĩ điều trị cấp cứu căn cứ vào kết quả xét nghiệm và chỉ định tiêm insulin thì bệnh nhân sẽ chết ngay tại phòng khám, thậm chí chết khi chưa kịp rút mũi kim ra. Đó là nguyên nhân tử vong do người làm xét nghiệm gây nên.

Thời gian gần đây liên tiếp những ca tử vong bất thường ở bệnh viện, những vụ việc trái với lương tâm và vô trách nhiệm trong ngành y tế đang làm dư luận lo lắng. Liên hệ đến các kỳ thi tuyển sinh đại học, điểm chuẩn của các trường y dược thường cao ngất ngưởng. Dường như đã có nghịch lý là “đầu vào” của nhân lực ngành y cao, tại sao chất lượng và hiệu quả của “đầu ra” vẫn xảy ra nhiều sự cố? Nhưng ngẫm kỹ hóa ra lại không. Vì với ngành y, chỉ kiến thức và trình độ cao chưa đủ.

Ở ngành y đòi hỏi đạo đức và lương tâm, tình thương, sự cảm thông và trách nhiệm ở mỗi con người rất cao, vì công việc của họ gắn liền với sinh mạng con người. Có được những điều đó phải qua một quá trình đào tạo toàn diện mang tính đặc thù riêng của ngành nghề, trong một môi trường minh bạch và nhân văn. Ngoài ra nghề y không để bị cuốn vào cơn lốc thị trường và làm giàu như các ngành nghề khác. Môi trường làm việc cũng phải minh bạch, rõ ràng và có những quy định khắt khe về quy trình và đạo đức nghề nghiệp. Người lãnh đạo phải làm gương để nhân viên noi theo. Nếu không, dù thầy có giỏi, phương tiện hiện đại mà không hội đủ lương tâm, đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp thì hậu quả gây chết người vẫn xảy ra.

Không còn đơn giản là chuyện y đức, những sai sót chuyên môn đơn thuần của từng cá nhân hay riêng lẻ từng địa phương nữa, những bất thường trong ngành y đã và đang diễn ra đòi hỏi ngành y tế cần xem xét lại chính sách quản lý và vận hành của mình.

Bàng hoàng, phẫn nộ

Đó là tâm trạng của hầu hết bạn đọc khi phản hồi vụ việc “nhân bản” phiếu xét nghiệm. Bạn đọc đã dùng hàng loạt cụm từ nói về hành động này như: kinh khủng, táng tận lương tâm, dã man, độc ác...

Bạn đọc Trần Lâm Thảo viết: “Đọc bài báo tôi thật sự quá bàng hoàng. Xét nghiệm máu cho người bệnh mà gian lận như thế thì hậu quả thật khó lường, lỡ ra người bệnh tưởng mình có bệnh đi điều trị thì có phải nguy hiểm không. Phần lớn khi người dân vào bệnh viện thường tin tưởng tuyệt đối vào kết quả của y, bác sĩ, nhưng bây giờ chắc cần xem lại việc khám bệnh tổng quát của mỗi người, coi chừng “tiền mất tật mang”. Bạn đọc Lê Dân đề nghị: “Nên làm rõ vấn đề và truy cứu trách nhiệm hình sự các đối tượng có liên quan. Ở đây không chỉ lường gạt tiền của bệnh nhân mà kết quả xét nghiệm máu sai dẫn đến sự tiên lượng của bác sĩ cũng sai, không chỉ bệnh nhân mất tiền xét nghiệm mà mất cả tiền khám, tiền thuốc, bên cạnh đó có thể uy hiếp tính mạng bệnh nhân do không được chữa trị đúng thuốc và kịp thời.

Ngoài đề nghị xử lý nghiêm sai phạm cụ thể này, nhiều bạn đọc cũng đề nghị cần làm rõ việc trù dập đối với người tố cáo sai phạm. Bạn đọc Lê Văn Thuận cho rằng “Cần tìm hiểu và xử lý thật nặng những người để lộ thông tin người tố cáo (có thể là thông báo cho người bị tố cáo biết). Thế này thử hỏi ai dám đi tố cáo những việc làm sai trái của cán bộ nhà nước?”.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Nhân bản xét nghiệm : Cho mượn máy để bán hóa chấtTạm đình chỉ công tác GĐ Bệnh viện đa khoa Hoài ĐứcHàng ngàn người "xài" chung kết quả xét nghiệmCông an vào cuộc điều tra gian lận kết quả xét nghiệmBệnh viện Hoài Đức tạm đình chỉ chức vụ người tố cáo!Bệnh viện Hoài Đức: nhân bản xét nghiệm để gian lận tiền BHYT

LỆ QUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên