Chương trình “Góp đá xây Trường Sa” do Tuổi Trẻ phát động đến nay đã nhận được tiền mặt, hiện vật trị giá hơn 54 tỉ đồng do hàng triệu cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đóng góp.
Ai đã đến Trường Sa mới hiểu rõ giá trị của từng gáo nước ngọt, từng cọng rau xanh, từng nụ cười và cái bắt tay của người đất liền. Nhưng điều này cũng có nhiều người chưa ra đến Trường Sa được nghe rồi. Điều ít được nhắc đến hơn là ai từng bước từ tàu xuống xuồng để cập đảo mới thấy được giá trị cơ động của những chiếc xuồng CQ.
Hơn 54 tỉ đồng góp đá Hai chiếc xuồng CQ đầu tiên này do hai đơn vị là Công ty cổ phần VNG và Công ty cổ phần ôtô Trường Hải đóng góp, trong đợt vận động “Tặng xuồng cứu hộ CQ cho Trường Sa”, thuộc chương trình “Góp đá xây Trường Sa”. Xuồng do Nhà máy X70- Cục Kỹ thuật hải quân thi công với tiêu chuẩn quân sự, trị giá mỗi chiếc là 3,5 tỉ đồng. Chương trình “Góp đá xây Trường Sa” được báo Tuổi Trẻ phát động từ giữa tháng 5-2011. Tính đến nay, chương trình đã nhận được tiền mặt, quà tặng, hiện vật trị giá hơn 54 tỉ đồng do hàng triệu cá nhân, tập thể, doanh nghiệp, đơn vị tổ chức trong và ngoài nước đóng góp. Nhiều chương trình, hoạt động đã được tổ chức như: “Xuồng cứu hộ CQ cho Trường Sa”, “Mùa xuân biển đảo”, “Tủ thuốc và áo phao cho ngư dân”, chiến dịch nhắn tin “Mỗi tin nhắn - một viên đá xây Trường Sa”... Hai công trình nhà ở lâu bền đã được xây dựng và đưa vào sử dụng trên đảo Đá Tây A (tháng 5-2012) và trên đảo Đá Tây C (tháng 5-2013), trị giá mỗi công trình 17 tỉ đồng. |
Những chiếc xuồng CQ nhỏ, nhẹ, có thể cặp sát mạn tàu, vào tận bờ kè của đảo, xoay quanh chân nhà giàn, lao vun vút trên làn nước của rạn san hô, vượt lên trên ngọn sóng, luồn lách giữa các vũng xoáy, chao lắc mà không chìm. Bước lên xuồng CQ, người chiến sĩ như được mọc thêm cánh, gắn thêm vây, thêm tay, thêm chân để hoàn thành những nhiệm vụ sống còn: bảo vệ chủ quyền đảo, cứu hộ, cứu nạn ngư dân...
Và vì vậy mà hai đơn vị tham gia chương trình “Góp đá xây Trường Sa” đã quyết định chọn hạng mục xuồng CQ để đóng góp sau khi được tận mắt thấy chiếc xuồng lượn quanh đảo, tận chân đặt xuống xuồng để lên đảo.
Ông Nguyễn Một, giám đốc truyền thông Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco), kể: Ở công ty có một số anh em đã có cơ hội đến Trường Sa, chứng kiến những thiếu thốn và thấy được những gì đang cần thiết phải được bổ sung ở Trường Sa. Ở góc nhìn của những người sản xuất ôtô, Thaco đã chọn ngay xuồng CQ để đóng góp vì “mê” tính cơ động, tốc độ và khả năng chịu sóng gió. Để chuẩn bị một buổi giao lưu, vận động đóng góp với hơn 6.500 cán bộ, công nhân viên, những thứ hai đầu tuần sau lễ chào cờ, các đơn vị của Thaco trên toàn quốc đều tổ chức chiếu phim tài liệu về Trường Sa, phát những thông tin của chương trình “Góp đá xây Trường Sa”. Gần một tháng như vậy, 100% nhân viên Thaco đã hồ hởi trích lương để đóng góp nên 3,5 tỉ đồng, đủ một chiếc xuồng CQ. Ông nói: “Mỗi nhân viên của chúng tôi đóng góp một hòn sỏi nhỏ để thể hiện trách nhiệm công dân của mình, mong mọi người trong xã hội sẽ tiếp tục tham gia tích cực hơn nữa để mang nhiều hơn những hơi thở đất liền ra đảo với anh em chiến sĩ”.
Có mặt trên chuyến tàu ra Trường Sa tháng 5-2013, bà Đoàn Đỗ Ngọc Thi, đại diện Công ty VNG, đã tỏ ra rất xúc động mỗi khi được lên đảo. Bà Thi cứ băn khoăn mãi: “Biển cả thật mênh mông mà đảo nổi, đảo chìm, nhà ở cho chiến sĩ lại chật hẹp quá. Cả điều kiện sinh hoạt lẫn điều kiện để thực hiện nhiệm vụ của họ thật khó khăn...”. 13 ngày để đến 10 điểm đảo, trải nghiệm không dễ có và khó quên để cho bà Thi hiểu: Biển càng mênh mông càng cần có sự hiện diện của chủ nhân, và những chiếc xuồng CQ lướt như gió trên sóng đã tăng rất nhiều sức mạnh cho những người chủ của biển.
Hôm nay, lại rong ruổi trên đường đến Cam Ranh để trao chiếc xuồng tình nghĩa của Công ty VNG, bà Thi chia sẻ: “3,5 tỉ đồng tưởng như là lớn, nhưng ra đến Trường Sa thì biết đó là nhỏ, chỉ là một chiếc xuồng. Nhưng đó lại là chiếc xuồng được các chiến sĩ coi như “con cưng”, được nâng niu bảo quản cẩn thận, sử dụng hữu hiệu trong những trường hợp thật cần thiết, đặc biệt. Nhỏ nhưng là cả tấm lòng của những người ở đất liền gửi đến để đồng hành cùng các chiến sĩ, cùng nhau lướt sóng bảo vệ quê hương mình...”.
Tiếp sức cho con trai người lính biển Chút tình gửi đến gia đình người lính biển Ngày 2-8, đại diện báo Tuổi Trẻ đã gửi 10,8 triệu đồng đến gia đình ông Nguyễn Viết Thuân (chủ tịch UBND huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Đây là số tiền đợt hai của bạn đọc Tuổi Trẻ gửi đến chia sẻ với con trai của ông Thuân là Nguyễn Viết Khuê (18 tuổi), vừa trải qua đợt phẫu thuật u trung thất tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Bà Phan Thị Huyền - mẹ của Khuê - cho biết Viết Khuê hiện đang nằm tại phòng hồi sức và tình trạng sức khỏe sau phẫu thuật rất tốt. Sau bài viết “Nỗi đau của người lính biển” (Tuổi Trẻ ngày 26-7-2013), nhiều bạn đọc đã gửi tiền đến báo Tuổi Trẻ hoặc trực tiếp đến Bệnh viện Chợ Rẫy thăm hỏi và ủng hộ về cả vật chất lẫn tinh thần cho gia đình Khuê. Con số đó vẫn đang tăng lên từng ngày. Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã điều trị miễn phí cho bệnh nhân Nguyễn Viết Khuê và hỗ trợ tiền ăn hằng ngày cho gia đình ông Thuân. Được biết, Nguyễn Viết Khuê đã trở thành tân sinh viên của Trường ĐH Tôn Đức Thắng (khoa quản trị tài chính). Báo Tuổi Trẻ sẽ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho Nguyễn Viết Khuê để Khuê vững vàng hơn khi bước chân vào giảng đường đại học. *Bác sĩ Trần Văn Khanh, giám đốc Bệnh viện Quận 2, TP.HCM, cho biết ngay sau khi đọc được thông tin trên báo Tuổi Trẻ, ban giám đốc Bệnh viện Quận 2 đã kêu gọi cán bộ, công nhân viên góp tiền để giúp đỡ gia đình ông Thuân. Ngày 30-7, trước ngày Khuê được phẫu thuật tại Bệnh viện Chợ Rẫy, đại diện Bệnh viện Quận 2 đã đến tận giường bệnh Viết Khuê để trao số tiền góp được là 10 triệu đồng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận