02/08/2013 14:40 GMT+7

Bỏ thi tốt nghiệp, chất lượng giáo dục có xuống?

hungthuat
hungthuat

TTO - Sau khi đọc bài báo "Bỏ thi tốt nghiệp, chất lượng giáo dục chắc chắn sẽ xuống", bạn đọc Vi Vu (lebachanhtruc@...) đã gửi đến Tuổi Trẻ Online một số ý kiến phản biện.

5EBRtlgu.jpgPhóng to

"Bỏ thi tốt nghiệp, chất lượng giáo dục chắc chắn sẽ xuống"Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: Đề nghị bỏ thi tốt nghiệp THPT

Cùng với bạn Vi Vu, nhiều bạn đọc khác cũng thảo luận về việc nên hay không nên bỏ thi tốt nghiệp.

TTO xin trích đăng và mời bạn đọc cùng tham gia thảo luận.

+ Thi đối phó: Xin nói "kỳ thi tốt nghiệp THPT" chỉ là 1 kỳ thi để đối phó.

Đối phó ở chỗ học sinh chỉ thật sự tập trung học vào một vài môn trọng điểm năm lớp 12 để đối phó với thi tốt nghiệp. Do học dồn một lượng kiến thức lớn trong khoảng 9 tháng nên sau khi thi tốt nghiệp được 3 hay 4 tháng, thử hỏi còn được bao nhiêu bạn nhớ những kiến thức ở các môn không liên quan đến những gì các bạn sẽ thi ở đại học. Rồi cũng không lâu sau thì cũng sẽ quên hết tất tần tật. Vậy chất xám của hầu hết các bạn học sinh đã dồn vào trong năm lớp 12 sẽ giúp gì được các bạn khi vào đời.

+ Lãng phí: Ở Pháp, một nước giàu, khi mà tỉ lệ tốt nghiệp THPT chỉ mới 85% (thua VN ta hơn 10%), thì họ đã suy nghĩ là có nên phí tiền để tổ chức thi nữa hay không. Trong khi đó ở Việt Nam, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT mới đây có tới 97,5% đậu tốt nghiệp.

Báo Petro Times trong bản tin ngày 29-5-2013 với tiêu đề "Hà Nội miễn lệ phí thi tốt nghiệp THPT" cho biết: Theo Sở GD-ĐT và Sở Tài chính Hà Nội thì lệ phí thi của 1 học sinh trong kỳ thi này là 318.700đ".

Nay thử tính tròn 300.000đ cho mặt bằng chung cả nước, và năm 2013 có 946.064 thí sinh dự thi nên số tiền đã bỏ ra để tổ chức thi là 283.819.200.000 (gần 284 tỉ đồng).

+ Chất lượng giáo dục sẽ đi xuống khi bỏ thi tốt nghiệp?

Chất lượng giáo dục ở đây cho ta thấy ở việc người học ra đời sẽ làm được gì, có ứng dụng những gì đã học ở trường được không? Chứ không phải chất lượng ở những con số tỉ lệ đậu tốt nghiệp.

Bộ GD-ĐT lấy ví dụ nước ta không phải là trường hợp ngoại lệ. Nhưng xin thưa cá nhân tôi tin rằng các nước khác người ta học thật và thi thật. Người ta lấy kỳ thi tốt nghiệp THPT làm bộ lọc để gạn những học sinh không tốt nghiệp được sẽ chuyển sang học nghề (điều này sẽ tạo ra 1 lượng thợ dồi dào). Như ở Mỹ, theo Reuters, tỉ lệ tốt nghiệp toàn quốc chỉ 75%, như vậy mỗi năm sẽ có khoảng 1 triệu học sinh sẽ phải chọn hoặc là thi lại hoặc là học nghề, họ sẽ ít phải thấy cảnh thừa thầy thiếu thợ như chúng ta hiện nay.

+ Hướng đi nào?

Tôi không khuyến khích thả lỏng, buông xuôi cho 100% học sinh đều đậu tốt nghiệp mà trong đầu sáo rỗng. Ở đây giải pháp đặt ra là:

- Làm thế nào để chương trình học không nhồi nhét kiến thức vào đầu học sinh trong một năm để rồi sau đó năm nào cũng phải học đi học lại lên đến 20-30% những kiến thức của năm trước.

- Làm thế nào để chương trình học đi vào thực tế cuộc sống, học 12 năm xong mà những ứng xử trong xã hội, những kỹ năng sống cũng không biết thì cần phải xem lại. Tiền bối Nguyễn Thái Học có nói “không thành công thì cũng thành nhân”.

- Giảm bớt và giảm dần là chấm dứt căn bệnh thành tích qua việc xóa bỏ lề lối áp đặt “chỉ tiêu”. Đi đâu tôi cũng thấy đặt chỉ tiêu, trong khi đó thì thực lực không tới sẽ làm nảy sinh tiêu cực để chạy theo “thành tích”. Chưa bao giờ thấy chuyện ngược đời là vượt thành tích của năm ngoái nên bị cắt thi đua, xin thưa giải quyết vấn đề là ở gốc chứ không phải ở ngọn.

Vi Vu

+ Tôi không hiểu chất lượng giáo dục cụ thể ở đây là gì? Chúng ta đang căn cứ vào độ khó, phức tạp cũng như là lý thuyết lý tưởng của chương trình giáo dục để làm cơ sở đưa ra khái niệm chất lượng giáo dục? Tôi nghĩ chúng ta nên đơn giản hóa và thực tế hóa chương trình giáo dục thì tốt hơn. Kỳ thi nặng nề mang lại gánh nặng cho học sinh hơn là kích thích sự phát triển tư duy thực tế.

dovntruong@....

+ Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông để đánh giá trình độ học tập của các em sau 12 năm học. Không nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp nhưng nên xem lại kỳ thi đại học có nên giữ hay không? Mong ước được bước chân vào trường đại học là chính đáng. Hiện nay các trường đại học đang xem xét xét tuyển theo chỉ tiêu riêng của mình, dần dần không còn phụ thuộc vào kỳ thi đại học. Mỗi ngành nghề đều có những đặc thù hay đặc trưng riêng nên không thể chia các khối như hiện nay.

Hãy để các trường đại học lựa chọn riêng những sinh viên tốt nhất cho trường mình.

Đặng Minh Trí (dangminthri1308@...)

+ Những con số 95-98% không nói lên thực trạng giáo dục THPT hiện tại. Nếu nói sứ mệnh của giáo dục THPT là hoàn chỉnh phổ cập văn hóa thì tại sao ta không xét trên chặng đường 3 năm phấn đấu của các em? Mục đích của học bạ THPT là gì? Đâu là động lực để các em phấn đấu ngay từ những năm đầu cấp? Việc đánh giá, xếp loại chặng đường 3 năm phổ thông chỉ trong 1 kỳ thi, thay vì là cả chặng đường, liệu có mang lại cách nhìn nhận tích cực từ phía xã hội?

mieunguyen1975@...

+ Giảm áp lực thi cử là cần thiết, nhưng làm như thế nào thì chúng ta lại bế tắc trong tư duy. Tư duy chúng ta bị mắc kẹt trong một không gian chật hẹp, chừng nào chính chúng ta thoát ra khỏi nó thì sẽ hết sự ồn ào này. Nó thực sự không nhất thiết là phải tổ chức 2 kỳ thi sát nhau và cũng không nhất thiết là phải tốt nghiệp trung học rồi mới được phép thi đại học, rồi thi trùng môn giữa hai kỳ thi nữa!

Nguyễn Anh Tú (tbltu@...)

+ Cái mà nền giáo dục hướng con người ta tới là chân thiện mỹ, là ý thức, là niềm đam mê với cái mà mỗi học sinh muốn gắn bó, chứ không phải là những điểm số cao chót vót. Điểm số không phản ánh đúng vấn đề.

Nguyễn Anh Tuấn (tuanvkt@...)

+ Hãy xem xét kỹ trước khi đưa ra quyết định. Ai sinh ra và lớn lên đều phải trải qua giáo dục và đào tạo. Giáo dục và đào tạo là môi trường rèn luyện bao gồm cả về tư duy và ý thức. Quá trình rèn luyện phải được kiểm tra để đánh giá quá trình rèn luyện đó, như vậy mới phản ánh được cụ thể của quá trình rèn luyện và phản ánh được chất lượng của giáo dục. Bỏ thi tốt nghiệp có nghĩa là không phản ánh được quá trình rèn luyện nếu quá trình rèn luyện diễn ra theo kiểu tiêu cực.

Hãy xem việc thi tốt nghiệp như việc nhảy sào vậy, sẽ phản ánh cụ thể quá trình rèn luyện qua các nấc nhảy. Những ai được rèn luyện tốt sẽ nhảy qua nấc cao, còn những ai rèn luyện kém ắt sẽ nhảy ở nấc thấp và có thể sẽ nhảy không qua nấc quy định.

Hải Bình NT (haibinh007973@...)

hungthuat
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên