17/07/2013 05:00 GMT+7

Côn đồ lộng hành bến xe: Không xử lý hình sự được?

C.MAI ghi
C.MAI ghi

TT - Rất nhiều bạn đọc bức xúc với vụ “Côn đồ lộng hành bến xe” (càng bức xúc hơn khi thượng tá Nguyễn Văn Huê - phó trưởng Công an Q.Bình Tân, TP.HCM - cho biết khó xử lý hình sự các đối tượng này (Tuổi Trẻ ngày 6-7).

“Côn đồ lộng hành bến xe”: khó xử lý hình sự!Tại sao côn đồ dám lộng hành bến xe?Côn đồ lộng hành cả hai bến xe miền Tây lẫn miền Đông

Ov8LMVrL.jpgPhóng toMột đối tượng trong băng nhóm trấn lột ép một hành khách lên xe máy - Ảnh: MINH MẪN

Tuổi Trẻ

trở lại câu chuyện này với ý kiến phân tích của các chuyên gia cho rằng nếu quyết tâm sẽ xử lý hình sự được.

Luật sư Trịnh Thanh (Đoàn luật sư TP.HCM): Kiểm tra lại khâu phát hiện tội phạm

Qua thông tin của bài báo thì những hiện tượng giành giật, bắt, giữ khách, trấn lột tài sản của khách... là có dấu hiệu của hành vi bắt, giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản, tội phạm và hình phạt được quy định trong Bộ luật hình sự hiện hành. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là vì sao các hành vi vi phạm nói trên lại thường không được phát hiện, xử lý theo đúng quy định của pháp luật?

Theo tôi, nhiều khả năng nguyên nhân nằm ở khâu phát hiện tội phạm của cơ quan có trách nhiệm quản lý địa bàn này. Tại sao với một lực lượng hùng hậu gồm các tổ xe ôm, bốc vác tự quản, lực lượng bảo vệ bến xe, tổ chức dân phòng đóng trên địa bàn, rồi công an phường, quận... lại không phát hiện ngay được vi phạm? Trong khi một nhóm phóng viên lại có thể xâm nhập, viết bài chỉ ra được từng tên của băng nhóm này, băng nhóm kia và phương thức, thủ đoạn phạm tội của mỗi băng nhóm... Ở đây phải chăng đã có sự thờ ơ, buông lỏng nào đó của một số cán bộ quản lý tại địa bàn này?

Bên cạnh đó, cũng cần phải xem lại công tác tuyên truyền, tiếp nhận thông tin cũng như xử lý thông tin tố giác tội phạm ở đây như thế nào. Vì sao những người bị hại, người làm chứng lại thường chọn giải pháp im lặng không tố cáo? Rồi thủ tục tố giác tội phạm có đơn giản không, việc bảo vệ nhân chứng, người bị hại có đảm bảo hay còn khiến người dân e ngại, sợ sệt?... Tất cả các điều này nếu không được quan tâm đúng mức cũng sẽ hạn chế việc phát hiện tội phạm, và gây khó khăn cho chính công tác xử lý vi phạm ở giai đoạn sau.

Theo tôi, chính cơ quan giữ gìn an ninh, trật tự tại địa bàn này phải kiểm tra lại các khâu phát hiện, tiếp nhận và xử lý thông tin tố giác tội phạm và có hướng khắc phục để nhanh chóng lập lại trật tự kỷ cương, tạo sự bình an cho người dân.

Thẩm phán Vương Văn Nghĩa (tòa hình sự TAND TP.HCM): Cần kiên quyết xử lý hình sự

Đúng là nạn nhân, hành khách bị trấn lột, hành hung cũng cần hợp tác với cơ quan công an bằng việc tố cáo để làm căn cứ cho cơ quan công an xử lý hình sự các băng nhóm côn đồ. Tuy nhiên, trách nhiệm của cơ quan công an, chính quyền địa phương thì không thể chờ nạn nhân tố cáo mới có thể xử lý hình sự các đối tượng này, nếu nạn nhân ngại tố cáo thì không xử lý gì.

Qua công tác nắm địa bàn, các trinh sát hình sự công an quận, cảnh sát khu vực công an phường là những người phải nắm rõ nhất tình hình hoạt động của các băng nhóm côn đồ tại các bến xe. Công an có thể dùng biện pháp để theo dõi, bắt quả tang ngay khi các đối tượng côn đồ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, trấn lột, chèn ép hành khách. Biên bản vi phạm cùng sự xác nhận của nạn nhân là căn cứ để khởi tố, xử lý hình sự hành vi cưỡng đoạt tài sản của các đối tượng côn đồ này. Cần kiên quyết xử lý hình sự mới mong dẹp được nạn chèn ép, trấn lột gây kinh hoàng cho hành khách. Việc theo dõi, xử lý của công an, chính quyền địa phương cũng cần phải thực hiện thường xuyên chứ không phải chỉ làm khi có nạn nhân đến tố cáo hoặc báo chí phản ánh. Thực tế trong quá trình xét xử nhiều năm qua, chúng tôi cũng thấy một vài vụ côn đồ cưỡng đoạt tài sản, cướp, cướp giật tài sản của hành khách tại bến xe (miền Đông, miền Tây) bị đưa ra xử lý hình sự nhưng không nhiều.

Đối với một số đối tượng dùng thủ đoạn gian dối để lừa đảo hoặc trộm cắp tài sản, nếu trước đó cơ quan công an, chính quyền địa phương đã chú ý xem xét xử phạt hành chính các đối tượng, băng nhóm bảo kê này thì khi những người này tiếp tục vi phạm (dù số tiền chiếm đoạt của hành khách dưới 2 triệu đồng) cũng có thể xử lý hình sự được.

Ban giám đốc, lãnh đạo các bến xe cũng cần phải tăng cường trách nhiệm quản lý, phân công bảo vệ để hướng dẫn hành khách, không để các băng nhóm côn đồ lộng hành, có cơ hội trấn lột, lừa đảo hành khách, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cơ quan công an để thu thập chứng cứ, làm cơ sở xử lý hình sự các băng nhóm côn đồ bến xe.

Thượng tá Nguyễn Văn Huê (phó trưởng Công an Q.Bình Tân, TP.HCM): Khó chứ không phải không thể...

Không phải chúng tôi nói khó xử lý hình sự thì không thể xử lý. Tuy nhiên, cần phải xem xét từng hành vi và các điều kiện theo quy định của Luật tố tụng mới có thể đánh giá đầy đủ, khách quan.

Với các hành vi như chèo kéo, dụ dỗ, ép buộc khách từ bến xe ra ngoài đi xe dù, bến cóc thì có xử lý hình sự được hay không? Xử lý theo hành vi nào? Bản chất đây là một thỏa thuận dân sự giữa hành khách và đối tượng cò mồi, người có nhu cầu đi xe và người giới thiệu dịch vụ để hành khách đạt được mục đích của mình. Tuy nhiên, hành vi vi phạm ở đây là việc các đối tượng chèo kéo khách đưa tới các xe dù, bến cóc, giữ hành khách trên xe quá lâu, sau đó hành khách tự bỏ tiền vé để đi xe khác thì chỉ có thể xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực hành chính, không thể xử lý hình sự. Kể cả việc một số đối tượng bán thuốc kích dục, thuốc xoa bóp, thuốc đông y, dựa trên các quy định về quản lý chuyên ngành và quy định ngành nghề kinh doanh có điều kiện để xử phạt hành chính, làm sao xử lý hình sự được?

Các hành vi có đủ cơ sở để xử lý hình sự như: cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản đương nhiên phải xử lý hình sự khi có đủ yếu tố. Nhưng với các điều luật này, điều kiện quan trọng nhất là phải có nạn nhân thì hầu hết không tìm được họ nên không thể xử lý hình sự. Luật sư và nhiều người dân đặt câu hỏi vì sao người dân không tố cáo, hợp tác với lực lượng công an, vì sao công tác phát hiện không kịp thời để xử lý triệt để... Chúng tôi xin khẳng định việc tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm của công an địa phương tuân thủ đúng quy định pháp luật, của ngành công an, chịu sự giám sát của viện kiểm sát và cơ quan cấp trên. Công tác tuyên truyền, nắm tình hình địa bàn, tuần tra kiểm soát đều đã được chú trọng triển khai tích cực. Còn vì sao người dân chưa tích cực hợp tác, có rất nhiều nguyên nhân mà không chỉ riêng cá nhân tôi hay Công an Q.Bình Tân có thể giải quyết được.

Bến xe vốn là nơi lui tới của người dân TP và nhiều tỉnh thành khác với lưu lượng rất đông. Ở đó luôn tiềm ẩn sự phức tạp về an ninh trật tự, đặc biệt là một bến xe lớn như bến xe miền Tây, tình hình càng phức tạp hơn. Từ đầu năm 2013 tới nay, chúng tôi đã buộc đưa đi chữa bệnh tại các trung tâm 44 đối tượng và lập hồ sơ xử lý theo quy định nhiều đối tượng khác hoạt động tại khu vực bến xe này. Nếu không nắm chắc địa bàn, không có các hoạt động nghiệp vụ thì không thể làm được như vậy. Dù đã nỗ lực nhưng chúng tôi cũng xác định trách nhiệm của mình trong việc để tệ nạn diễn ra trên địa bàn, người dân bất an khi tới bến xe. Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp để duy trì an ninh trật tự tại khu vực bến xe miền Tây.

Gia Minh

C.MAI ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên