12/07/2013 07:42 GMT+7

Ép du khách sử dụng dịch vụ

HỮU CHƠN (Q.9, TP.HCM)
HỮU CHƠN (Q.9, TP.HCM)

TT - Đầu tháng 6 vừa rồi, tôi có dịp đi du lịch ở miền Trung. Điểm đến đầu tiên là Huế. Vốn mang ước muốn được chiêm ngưỡng một “Huế mộng, Huế mơ” nên xe chưa tới nơi lòng tôi đã đầy cảm xúc. Thế nhưng chúng tôi đã cảm thấy thất vọng với một số dịch vụ ở đây.

HFNHBByU.jpgPhóng to
Du khách phải trả 15.000đ cho mỗi tấm hình như thế này

Khi tham quan Thành nội, các đoàn khách thường vào thành bằng cách đi bộ từ bến xe Nguyễn Hoàng, ngang qua chân cột cờ rồi tham quan từng di tích. Đây là đoạn đường ngắn và thuận tiện nhất. Tuy nhiên, đến 16g30 chúng tôi định ra về thì anh hướng dẫn viên cho biết đã đến giờ đóng cửa hướng đi ra con đường ấy. Muốn về phải đi vòng, xa hơn (gần 1,5km). Có hai cách để khách chọn: một là đi bộ, hai là đi ôtô điện của ban quản lý ở đây, mỗi xe chở tám khách, 20.000 đồng/khách. Chúng tôi quyết định đi bộ. Lúc đi gần cửa kiểm soát xe điện, tôi tình cờ nghe được tranh luận giữa một số khách và nhân viên. Đại loại mỗi xe phải thu 160.000 đồng, xe nào không đủ tám khách thì mỗi người phải đóng nhiều hơn 20.000 đồng để bù vào cho đủ số tiền. Tôi không hiểu sao lại có chuyện đóng cửa hướng đi thuận tiện nhất để ép khách đi xe điện như thế?

Buổi tối, chúng tôi đi nghe ca Huế trên sông Hương, mua vé với giá 100.000 đồng/người. Trên thuyền nhân viên đặt sẵn nhiều bông hồng bằng nhựa trước chỗ ngồi để khách tặng hoa người hát. Và tất nhiên, khách luôn gắn kèm “nhụy” hoa (tiền) để tặng. Mỗi khi có người lên tặng hoa, một người đảm trách phần chụp ảnh bấm máy lia lịa dù không ai yêu cầu. Kết thúc buổi biểu diễn, mỗi khách được tặng một hoa đăng bằng giấy có cây nến ở giữa để thả xuống sông, rồi lại được chụp hình như trước đó.

Trong lúc đang rất vui vẻ, chúng tôi được nhà thuyền thông báo những người đã tham gia tặng hoa phải trả 10.000 đồng/lần, giống như tiền... thuê hoa. Lúc ấy thuyền đang neo giữa dòng Hương giang, chờ thu đủ tiền hoa mới quay về bến.

Sự thất vọng vẫn chưa dừng lại ở đó. Sáng hôm sau vừa điểm tâm ở khách sạn xong, chúng tôi ra ôtô đi tham quan tiếp thì thấy người chụp ảnh của nhà thuyền hôm qua đã chờ sẵn từ bao giờ. Họ kiên nhẫn tìm gặp từng “người trong ảnh” để giao “sản phẩm” và thu 15.000 đồng/tấm.

Thấy khách tốn kém vô lý quá, anh hướng dẫn viên cũng ái ngại nên nhắc chúng tôi cảnh giác với một số “chiêu” khác. Chẳng hạn như đừng gọi xích lô vì họ hứa hẹn rất ngọt rằng chở đi một giờ chỉ hết 70.000 đồng, nhưng nếu “trèo lên” thì khi trả tiền sẽ đòi 700.000 đồng, không ai dám không đưa!

Chúng tôi được an ủi phần nào vì trước khi kết thúc chuyến du lịch đã ở TP Đà Nẵng một ngày. Có nhiều bài viết hay về thành phố năng động này, tôi viết nữa cũng bằng thừa. Tôi chỉ muốn nói rằng cách nhau chỉ con đèo Hải Vân, nhưng khi du lịch ở Đà Nẵng chúng tôi không có cảm giác khó chịu rằng mình bị ép sử dụng dịch vụ như ở Huế.

Về việc phân tuyến để khách rời di tích bằng cửa Hiển Nhơn mà không bằng đường Ngọ Môn như trước đây, theo ông Mai Xuân Minh - phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế - là để dễ quản lý khách và đảm bảo trật tự, lại có thể tham quan thêm bảo tàng... Điều này cũng tương tự cách khai thác của nhiều di tích trên thế giới.

Ông Minh xác nhận tại đây có dịch vụ chuyên chở khách từ cửa Hiển Nhơn ra bến xe Nguyễn Hoàng do Công ty cổ phần Hoàng Thành thực hiện với mức giá 150.000 đồng/chuyến xe điện tám chỗ (màu vàng). Khách nhiều hay ít hơn tám người cũng trả mức giá này. Tuy nhiên, tại cửa Hiển Nhơn, trung tâm di tích vẫn có xe điện chở khách miễn phí tham quan Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế (xe màu xanh). Sau khi tham quan bảo tàng, nếu khách tiếp tục thuê xe điện để đi tiếp, giá chỉ còn 70.000 đồng/chuyến. Do đó khách có thể lựa chọn, hoặc đi bộ, đi xích lô hoặc thuê xe điện. Tất cả những điều này đều có trong bảng giới thiệu tại cửa ra vào di tích.

Về dịch vụ ca Huế, ông Nguyễn Văn Thắng, chánh thanh tra Sở VH-TT&DL Thừa Thiên - Huế, cho hay đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đang kiểm tra dịch vụ ca Huế trên sông Hương từ cả tháng nay. “Lâu nay số điện thoại đường dây nóng của sở (054.3847232, 0914050005) không hề nhận được phản ảnh những thông tin tương tự. Thanh tra sẽ xem xét chấn chỉnh, nhất là tình trạng dùng hoa nhựa. Tuy nhiên, tại tất cả các thuyền đều được niêm yết giá hoa để khách có thể lựa chọn có nên tặng hay không. Đoàn kiểm tra liên ngành dự kiến sẽ đề xuất cơ quan quản lý không cho phép thợ chụp ảnh lên thuyền nhằm đảm bảo tính tôn nghiêm của biểu diễn ca Huế” - ông Thắng cho biết.

TH.LỘC ghi

HỮU CHƠN (Q.9, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên