Cùng với đó là những lo ngại nếu cơ quan chức năng không mạnh tay, nạn cướp giật đã hoành hành bấy lâu càng lan rộng.
Phóng to |
Vẫn có nhiều người dân tham gia bắt cướp góp phần giữ an ninh (ảnh chụp trên đường phố tại Q.10, TP.HCM) - Ảnh tư liệu |
Cảnh sát ở đâu?
Bạn đọc Ngọc Quan kể lại một tình huống tương tự mình gặp phải và phân tích nguyên nhân: Đọc xong bài viết tôi rất thông cảm cho bức xúc của tác giả vì tôi cũng vừa bị giật latop tại đường Hoàng Ngọc Phách, Q.Tân Phú. Tôi la đến khan cả cổ nhưng có ai giúp đâu dù lúc đó hai bên đường rất nhiều người chỉ biết đứng đó bàn tán. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, tại sao họ dửng dưng, có hai vấn đề mà họ phải làm vậy.
1. Khi họ truy bắt lỡ gây tai nạn cho tên cướp hoặc khi tên cướp dùng hung khí chống lại, trong lúc giằng co lỡ gây tử vong thì họ là người phải chịu hậu quả.
2. Nếu bắt được tên cướp, giao công an rồi cho đi tù vài tháng, khi được thả ra tên cướp sẽ đi kiếm những người đã bắt hắn ở khu vực đó mà trả thù. Lúc đó vì phòng vệ mà lỡ tay làm chết hắn thì xem như cũng đi "bóc lịch" thôi.
Như vậy đường nào người dân thường cũng có thể vào "bóc lịch". Như vậy hỏi xem còn ai dám ra tay giúp đỡ cho bằng mình tự bảo vệ tài sản khi ra đường thôi.
Bạn đọc trinhanhtuanqt94@... ở Biên Hòa, Đồng Nai đặt ra một số tình huống: Tên cướp kia đang đi với đồng bọn, một tên bị bắt còn tên kia chạy thoát. Giả sử người chứng kiến là người dân sống kế cận nơi xảy ra sự việc, tên cướp kia biết rất rõ người chứng kiến là ai. Tên cướp đến ngay nhà người chứng kiến để phá hoại.
Và bạn trinhanhtuanqt94@... đặt tiếp câu hỏi: Thử hỏi lúc đó có kêu cũng không kịp, công an có đến kịp lúc không hay đến khi sự việc xảy ra rồi mới đến để lập biên bản, hồ sơ? "Được vạ thì má đã sưng".
Bạn trinhanhtuanqt94@... đặt vấn đề: "Nếu như công an chúng ta mà nhanh chóng có mặt ngay hiện trường (chỉ trong vòng 5 phút sau khi nhận được tin báo thôi) thì chúng ta hoàn toàn tin tưởng. Còn ở đây nếu các anh đến được tới nơi khi chúng ta đã lãnh đủ, thì....
Bạn đọc Nguyễn Long (longnguyenco@...) cũng cho rằng người dân không làm thay công việc của công an. Công an được trả lương, được huấn luyện và trang bị công cụ để đối phó với tội phạm. Nghĩa vụ của người dân là đóng thuế và được bảo vệ chứ không phải làm thay công việc đảm bảo trật tự trị an hay bắt cướp thay công an.
Vì thế, bạn đọc Nguyễn Long đặt câu hỏi: Công an không hoàn thành nhiệm vụ của mình lại đổ cho phong trào toàn dân giữ gìn an ninh không tốt. Nếu dân lo được thì chúng tôi cần các anh làm gì nữa?
Nên tự ý thức phòng thân
Nhân đọc bài viết, bạn đọc Hồ Thanh Chí nhắc lại một ý kiến bạn đọc Bang Nhu đăng trên Tuổi Trẻ Online ngày 26-11-2012: Phụ nữ ra đường nên cẩn thận gấp ba lần! (phản hồi cho bài viết Táo tợn chặt tay người đi đường cướp tài sản) với các nội dung:
1. Không đi xe xịn; 2. Không ăn vận đẹp đẽ, sexy; 3. Không mang bóp, ví, giỏ xách treo lủng lẳng; 4. Không đeo nữ trang: cà rá, bông tai, vòng, dây chuyền (vàng cũng như inox, trong đêm chập choạng chúng chẳng biết đồ giả đồ thật, cứ cướp tất rồi hay); 5. Không đi một mình, đặc biệt những đoạn đường vắng, gặp đường vắng thì quay đầu lại, thà đi xa còn hơn làm mồi cho cướp; 6. Không mang tiền mặt quá nhiều trong người, nếu có phải đi giao dịch với số tiền lớn thì đi taxi (mà phải báo về tổng đài là tôi đi số xe taxi đó, số tài đó, điện thoại của tôi là số này, rồi báo cho người quen biết những thông tin vậy, công khai trước mặt tài xế luôn thì tránh được họa tài xế nổi máu tham rồi xử đẹp mình)...
Bạn đọc hieu@... cùng chia sẻ quan điểm về việc từ phòng thân: họp tổ dân phố, công an khu vực đã thông báo, và trên báo chí đã đăng tải nhiều rồi... Thời buổi này mà còn đeo vàng to chà bá ra đường chỉ làm mồi cho bọn cướp thôi... đã có nhiều trường hợp bị cướp té xe chết... Trên các diễn đàn đều nói trước hết người dân tự bảo quản tài sản của mình... Bọn cướp bây giờ manh động lắm, thường có hung khí trong tay nên người dân không dám dũng cảm đổi tính mạng với tài sản...
Bạn đọc chaunhankim_tili@... cũng cùng lập luận: "Biết thành phố hay cướp giật thì nên biết tự mình bảo quản tài sản của mình. Tôi không trách người bị cướp nhưng tôi thiết nghĩ một phần lỗi là do mình vì mình là người tạo ra sơ hở và ham muốn của người khác."
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận