Phóng to |
Cựu chiến binh Trường Sa tưởng niệm đồng đội đã hi sinh - Ảnh: V.T. |
Tối 24-2, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), Ban liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa tổ chức họp mặt với sự có mặt của hơn 100 cựu chiến binh từng chiến đấu và công tác ở quần đảo Trường Sa (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa).
Bài học cảnh giác
Đại tá Nguyễn Văn Dân, nguyên phó tham mưu trưởng Vùng 4 hải quân, kể hạ tuần tháng 4-1975, trong cương vị trung úy trợ lý hàng hải căn cứ Cam Ranh, ông tham gia đoàn “đi nhanh”, gồm các tàu 679 và 680 để tiếp quản và củng cố một số đảo.
Điểm đầu tiên là Song Tử Tây, đã thấy ngôi mộ của liệt sĩ Tống Văn Quang (đặc công hải quân nhân dân Việt Nam), hi sinh ngày 14-4-1975. Trên đảo có bia chủ quyền của Việt Nam cộng hòa, ghi “Năm 1955, phái bộ của Hải quân Việt Nam cộng hòa đến thị sát và tiến hành tổ chức triển khai lực lượng đóng giữ...” và bảng tọa độ kèm chỉ dẫn hàng hải đến Singapore, Malaysia... Sau Song Tử Tây là Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn... Tại khu vực đã thấy tàu Trung Quốc giả dạng tàu đánh cá lởn vởn theo dõi.
Những năm sau đó, nhiều lần ra Trường Sa thực hiện nhiệm vụ, ông Dân đều thấy tàu Trung Quốc cản trở tàu ta làm nhiệm vụ. Nhưng tình hình trở nên hết sức căng thẳng từ đầu năm 1988, Trung Quốc dùng vũ lực cướp một số đảo của ta.
Ông Dân kể đêm 13-3-1988, khi ông đi tàu HQ 614 đưa lực lượng lên đảo Sinh Tồn, bị tàu Trung Quốc cản chặn, dọc đường đã thấy tàu HQ 505 bị Trung Quốc bắn cháy, lao mũi lên đảo Cô Lin. Ngay sau đó, ông được giao nhiệm vụ chỉ huy trưởng cụm đảo Sinh Tồn (khu vực 2), gồm các đảo Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Nam Yết, Sơn Ca và đảo chìm Đá Lớn. Hải chiến 14-3-1988 ngắn ngủi, nhưng công tác giải quyết thương binh, liệt sĩ phải làm trong nhiều tháng sau rất gian nan vất vả.
“Sau ngày 14-3-1988, khi tìm kiếm liệt sĩ - một hoạt động nhân đạo theo thông lệ quốc tế, tàu ta treo cờ chữ thập đỏ, phía Trung Quốc cũng cố tình cản trở, ngăn chặn”, ông Dân nói. Ông cho biết trong khi phía ta thì quan niệm ra Trường Sa để đóng giữ, khẳng định chủ quyền nên chỉ huy động tàu vận tải và lực lượng công binh xây dựng, thì phía Trung Quốc lại huy động cả tàu khu trục với vũ khí hạng nặng.
Giữ lửa Trường Sa
Thương binh 2/4 Nguyễn Văn Dũng, một nòng cốt trong ban liên lạc, cho biết cách nay 12 năm, một số đồng đội cựu chiến binh Trường Sa tự tìm đến nhau, muốn gặp gỡ, duy trì liên lạc để cùng nhau ôn lại những năm tháng gian nan và hào hùng trong quân ngũ, nắm hoàn cảnh các đồng đội đang khó khăn để chia sẻ, hỗ trợ.
Họ thống nhất ngoài liên lạc thường xuyên sẽ tổ chức họp mặt truyền thống vào tối 24-2 hằng năm (ngày các anh nhập ngũ, biên chế về tiểu đoàn 454 Vùng 4 hải quân) tại nhà hàng Thiên Phước, nơi anh Dũng là chủ cơ sở. Sau mỗi cuộc họp mặt, kết nối liên lạc lại thêm mở rộng.
Lần đầu tiên dự họp mặt truyền thống, lãnh đạo một đơn vị kỹ thuật quân sự rất xúc động khi nghe các cựu chiến binh ôn lại những kỷ niệm chiến đấu ở Trường Sa. Anh tâm sự đó là những bằng chứng hết sức cảm động về sự hi sinh cao cả của thế hệ đi trước.
Anh hiểu thêm giá trị của mỗi thước đất, thước biển cha ông để lại đều được tính bằng máu. Là đơn vị được giao bảo đảm công tác kỹ thuật cho vũ khí, khí tài, phương tiện kỹ thuật và hậu cần cho Trường Sa và Quân chủng hải quân, anh càng thấy vinh dự và trách nhiệm của đơn vị và bản thân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận