Phóng to |
Học sinh Trường tiểu học Trà Ka, Trà Giáp (Bắc Trà My, Quảng Nam) nhận quà từ chương trình “Áo tết tặng bạn” của báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Đăng Nam |
Chúng tôi trở lại vùng động đất Sông Tranh - Bắc Trà My ngày cuối năm. Mưa phùn còn lất phất trong cái rét lạnh miền núi khiến mọi thứ càng quạnh quẽ. Trường THCS Hoàng Văn Thụ nằm chót vót trên ngọn đồi, trước mặt là cây cầu treo đong đưa qua con suối T’Ngan xanh biếc cuộn chảy.
Quà xuân về “vùng động đất”
Một nhóm khoảng năm em học sinh lúi cúi sửa đường ống nước để kéo nước sinh hoạt về trường giúp chúng tôi gùi hàng qua suối. Từng thùng bánh, kẹo được vác lên con dốc cao trơn trượt vào trường để phát cho các em nhỏ Trường tiểu học Võ Thị Sáu tranh thủ đến đây từ rất sớm. Cô giáo Phạm Thị Phượng, giáo viên tiểu học cụm thôn 3, thôn 4 (Trà Ka), chia sẻ: “Nghe tin có quà, nhiều em mừng không ngủ. Cô trò phải đi bộ hơn hai giờ mới đến đây. Hôm nay là ngày đầu tiên trường được cấp đồng phục nên em nào cũng muốn mặc đẹp để đến cụm trường trung tâm nhận quà”. Mỗi suất quà gồm bốn bịch bánh, kẹo (trị giá 100.000 đồng) của Công ty Kinh Đô gửi tặng và phong bì trị giá 200.000 đồng/học sinh. Trên con đường xa ngái về làng, những đứa trẻ vừa tung tăng bóc kẹo ăn vừa nhảy lò cò đi về phía núi.
Những đứa trẻ chìa tay nhận quà ở đây có một điểm chung là lòng bàn tay bị cứa ngang dọc, có em bị tóe máu, tím bầm. Em Nguyễn Thị Ly, lớp 2/3 Trường Võ Thị Sáu, tiết lộ: “Mùa này là mùa đót. Chúng em tranh thủ đi học một buổi, buổi còn lại lên rừng bứt đót bị lá đót cứa đứt tay như vậy đấy. Trời lạnh buốt, nhức lắm, ngủ không được. Em làm thêm kiếm tiền đưa mẹ”. Ly nhẩm tính sẽ để dành kẹo tết ăn và đưa tiền cho mẹ chờ mấy bác xe thồ lên từ miền xuôi sẽ nói mẹ mua thịt, cá cho cả nhà ăn.
108 em học sinh tiểu học ở xã Trà Ka và 233 em học sinh tiểu học ở xã Trà Giáp đều được nhận quà trong đợt này. Ngoài ra, 337 em Trường THCS Hoàng Văn Thụ và 31 thầy cô giáo của trường cũng nhận được quà xuân của bạn đọc Tuổi Trẻ. Thầy Huỳnh Ngọc Long - hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Văn Thụ - chia sẻ: “Các em học sinh ở đây rất thiếu thốn. Quà của bạn đọc báo đến với các em vùng xa xôi nhất của huyện này là điều đáng quý. Thầy trò nhà trường rất vui khi nhiều bạn đọc xa xôi quan tâm đến việc dạy và học nơi này”.
Vượt gần 1.000km từ TP.HCM ra Đà Nẵng rồi lên Bắc Trà My để đến với các em học sinh vùng động đất, trao những phần quà đầy yêu thương của Câu lạc bộ Tiếp sức đến trường Quảng Nam - Đà Nẵng tại TP.HCM, ông Nam Cường, thành viên câu lạc bộ, chia sẻ: “Phần quà không lớn nhưng đó là tấm lòng, là tình cảm của các cô chú dành cho các em vùng xa xôi hẻo lánh. Bắc Trà My, vùng đất chiến khu chịu nhiều mất mát trong chiến tranh nay lại “gánh” thêm chuyện động đất. Cuộc sống của các em đã khó nay lại càng khó hơn nhưng mong các em cố đến trường và mong các thầy cô tiếp tục bám lớp vì các em”.
Tết sớm ở vùng “bệnh lạ”
Trở lại Ba Điền (Ba Tơ, Quảng Ngãi) sau khi “bệnh lạ” đã tạm lắng, cuộc sống của người dân nơi đây vẫn không thay đổi nhiều. Trên con đường dẫn vào các bản làng, những đứa trẻ ngày ngày vẫn đến trường trong các bộ trang phục chắp vá, sờn vai. Trường trung học cơ sở Ba Điền nằm chênh vênh bên triền núi, cỏ cây phủ đầy cả lối đi. Chương trình “Áo Tết tặng bạn” lần này đã trao 197 suất quà cho các em học sinh tiểu học và trung học cơ sở có hoàn cảnh khó khăn.
Rụt rè đưa đôi tay tím tái vì lạnh ra nhận quà, đôi mắt em Phạm Thị Trinh (14 tuổi, học sinh lớp 9) như sáng lên, miệng nhoẻn cười vui sướng. Ba mẹ Trinh mất đã sáu năm nay. Ngoài buổi đến trường Trinh phải phụ giúp chị gái lên rẫy trồng lúa, trỉa bắp nuôi ba em nhỏ. Khi “bệnh lạ” xuất hiện, chị gái Trinh là một trong những nạn nhân đầu tiên. Trinh phải thay chị lo hết việc nhà, con đường đến lớp vì vậy càng chông chênh. Mấy ngày trước Trinh đang có ý định nghỉ học để kiếm tiền về mua bánh kẹo cho các em đón tết. Vì vậy khi nhận những phần quà trên tay, Trinh là người để lại ấn tượng nhất. Vui mừng, đôi mắt rớm nước.
Sau khi nhận quà, Phạm Như Thế (6 tuổi, trú thôn Gò Nghênh) bóc ngay gói bánh ăn ngon lành. Vẫn là sự hồn nhiên, trong sáng của trẻ thơ, Thế kể vanh vách về ngôi nhà không còn nguyên vẹn của mình. Ba Thế từng là giáo viên Trường tiểu học Ba Điền đã qua đời vì tai nạn giao thông cách đây hai năm. Từ đó Thế lớn lên trong sự cưu mang, giúp đỡ của các thầy cô từng là đồng nghiệp của ba em. Tuy nhiên, chính cuộc sống của các thầy cô còn thiếu trước hụt sau, những tình cảm và sự giúp đỡ đáng quý đó chưa làm cho cái bụng của đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn của Thế được căng tròn, no nê sau mỗi bữa cơm như mong ước của em. “Cuộc sống ở đây còn gặp rất nhiều khó khăn. Khi cái ăn cái mặc còn là nỗi ám ảnh của từng gia đình thì con đường đến lớp của các học sinh còn lắm chông gai”, thầy Nguyễn Văn Dương - hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Ba Điền, cho biết.
Trò nghèo, cuộc sống của những người “gieo chữ” cũng chẳng khá hơn. Chương trình lần này của báo Tuổi Trẻ phối hợp với Trung tâm Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Ngãi đã đến thăm và tặng 220 suất quà (trị giá 66 triệu đồng) cho các thầy cô và học sinh Trường trung học cơ sở và tiểu học Ba Điền. Ngoài ra chương trình cũng đã “tiếp sức” cho 23 giáo viên có hoàn cảnh khó khăn tại xã này. Thầy Phạm Văn Teo, giáo viên Trường tiểu học Ba Điền, nói: “Món quà ý nghĩa này sẽ là nguồn động viên rất lớn cho các thầy cô nơi đây tiếp tục phấn đấu, cố gắng vì sự nghiệp trồng người. Cảm ơn những tấm lòng của bạn đọc báo Tuổi Trẻ gần xa”.
Tối 2-2, Tỉnh đoàn Trà Vinh đã tổ chức chương trình đêm hội “Hoa xuân đất nước” chào mừng ngày thành lập Đảng 3-2 và mừng Xuân Quý Tỵ 2013. Chương trình cũng quyên góp được 20 triệu đồng cho chương trình “Góp đá xây Trường Sa” do báo Tuổi Trẻ phát động. Trong đó sinh viên Trường ĐH Trà Vinh đóng góp 15 triệu đồng, nhân viên doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Thế đóng góp 5 triệu đồng. Bí thư Đoàn Trường ĐH Trà Vinh Nguyễn Phi Công cho biết khi nhà trường phát động chương trình “Góp đá xây Trường Sa”, các bạn sinh viên hưởng ứng rất nhiệt tình. Cảm động nhất là các bạn sinh viên thuộc diện nghèo cũng tham gia đóng góp bằng những tờ 500 đồng, 1.000 đồng mà các bạn bỏ ống heo. Mỗi khi Tỉnh đoàn tổ chức trao tiền cho báo Tuổi Trẻ thì nhà trường gửi “ké”, đến nay cũng vài ba lần. Còn ông Nguyễn Thế Vinh, giám đốc doanh nghiệp Nguyễn Thế, kể lúc đầu ông phải lặn lội chạy xe máy từ Trà Vinh xuống văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Cần Thơ để gửi tiền ủng hộ. Nghe nói trong chương trình tối 2-2 có quyên góp, ông đã phát động cho nhân viên doanh nghiệp để kịp gửi về báo Tuổi Trẻ. TRƯỜNG GIANG |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận