17/12/2012 17:45 GMT+7

Thu phí ATM: người lao động thiệt đơn thiệt kép

quochung1401@
quochung1401@

TTO - Việc thu phí ATM khi rút tiền nội mạng, chuyển khoản... là phi lý và tăng thêm gánh nặng cho người dân. Đó là ý kiến của hầu hết bạn đọc xung quanh dự thảo thông tư quy định phí giao dịch ATM.

Phí “đè” chủ thẻ ATMBắt đầu thu phí ATM nội mạng

d1vV97W6.jpgPhóng to
Người dân xếp hàng chờ rút tiền từ máy ATM ở Khu công nghiệp Long Thành, Đồng Nai - Ảnh: T.T.D.

* Qua bài báo trên, tôi thấy người lao động thiệt đơn thiệt kép. Việc thu phí ngoại mạng còn có thể chấp nhận được, còn thu phí nội mạng thì thật quá quắt, nhất là trong giai đoạn khó khăn như hiện nay. Các ngân hàng nên chia sẻ với người lao động. Ngân hàng cũng cần phải cho rút số tiền lớn hơn, chứ nếu cứ tối đa một lần rút chỉ là 2 triệu thì người lao động càng thiệt thòi.

* Việc thu phí ATM đã bị phản đối từ lâu, nhưng cuối cùng vẫn bị khuất phục bởi lợi ích nhóm giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Các cơ quan nhà nước lại không lên tiếng khi quyền của người lao động bị xâm phạm. Trước đây, người lao động ký nhận lương tại công ty không bị mất bất cứ một khoản phí nào, bây giờ ngoài việc mất thời gian xếp hàng trước máy ATM để rút tiền, họ còn bị mất tiền phí, thiệt đủ đường. Trong khi đó người sử dụng lao động được lợi vì giảm chi phí nhân công cho việc đếm tiền, trả lương; ngân hàng được lợi vì có thêm khách hàng, quảng cáo. Vậy mà còn đè người sử dụng thẻ ra để lấy tiền, không lẽ đến đồng lương của người lao động cũng bị các cơ quan đua nhau nghĩ ra chiêu trò để “móc túi”?

* Từ xưa, khi người mua đi mua hàng hóa, họ có thể dùng cân của mình mang đi hoặc dùng cân của người bán để cân đong đo đếm. Nhưng hiện nay ở Việt Nam thì sao? Mua điện thì người dân phải trả tiền dùng “cân” (đồng hồ điện), mua nước thì trả tiền đồng hồ nước, mua truyền hình thì trả tiền dây cáp và các vật dụng đi kèm mà công ty truyền thông mang đến... Hôm nay lại thấy một “ông lớn” bán dịch vụ của mình bắt người mua phải trả tiền dùng thiết bị của mình. Thật đúng là “tận thu” đồng lương ít ỏi của người dân, trong khi nguồn lợi họ nhận được rất lớn lại chẳng bao giờ nhắc đến…

* Nếu thu phí nội mạng ATM thì đây là một trong những bước "cải lùi" nổi tiếng nhất thế giới. Khi cả thế giới muốn tự động hóa dùng máy móc giúp con người thì tại VN lại khuyến khích con người thay thế máy móc. Hãy vào ngân hàng giao dịch vì sẽ không bị thu phí, đừng giao dịch ATM.

* Mấy năm về trước Nhà nước, ngân hàng khuyến cáo dùng thẻ ATM cho tiện lợi và người dân cũng thấy được cái tiện của thẻ ATM nên ai ai cũng vui vẻ làm thẻ. Nhưng tôi không thấy ai khuyến cáo khi dùng thẻ sẽ tốn khoản phí nào, đến khi có thẻ rồi mới thấy phát sinh bao nhiêu là phí.

Các nhà kinh doanh đánh vào số tiền nhỏ lẻ khi tính phí nên nhiều người tặc lưỡi cho qua, nhưng khi cộng dồn lại thì ra một con số thật khủng khiếp.

Ngoài ra còn một cái vô lý nữa: khi nộp tiền vào thẻ đã tốn phí, chuyển tiền tốn phí, rút tiền tốn phí. Chi bằng mình để tiền mặt ở ngoài, cần thì lấy xài chứ bỏ chi vào thẻ?

* Có người cho rằng thu phí 3.000đ/lần không đáng là bao, tuy nhiên với công nhân ở các khu công nghiệp mỗi lần chỉ rút khoảng 100.000đ thì phí tương đương 3% là một con số không hề nhỏ. Và nếu chúng ta cộng lại tổng số công nhân trên cả nước, mức phí này là một con số khổng lồ và chỉ có các ngân hàng là được lợi trong việc này.

Còn rút tiền một lần ư? Tôi cam đoan không có công nhân nào dám rút tiền một lần, vì đa số họ đều ở trọ, mà điều kiện an ninh ở các phòng trọ hầu hết không đảm bảo, nếu bị mất trộm là mất hết công sức cả tháng làm việc. Ngoài ra, nếu chúng ta chỉ rút tiền một lần sau kỳ lãnh lương thì sẽ dẫn đến tiền mặt không nằm trong các ngân hàng, kéo theo các ngân hàng mất thanh khoản về tiền mặt. Điều này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế vĩ mô, đến lúc đó đời sống của người dân đã khó lại càng khó hơn.

* Nếu thu phí ATM, các ngân hàng có thay đổi cách tính lãi suất không? Hiện tại ngân hàng chỉ phải trả lãi suất không kỳ hạn từ 1,5-2%/năm, thấp hơn lãi suất huy động vốn dân cư từ 7-7,5%/năm. Điều này quá vô lý khi sử dụng thẻ ATM phải trả phí và chịu lãi suất thấp.

* Theo chủ trương hạn chế tối đa việc lưu thông tiền mặt trên thị trường, việc thanh toán qua các phương tiện thẻ từ các ngân hàng phát hành là điều cần thiết và chính đáng trong nền kinh tế hội nhập hiện nay. Tuy nhiên tình hình kinh tế ngày càng khó khăn, người lao động lại phải gánh chịu biết bao nhiêu thứ phí, trong khi lương tháng không đủ sống, thử hỏi họ lấy gì tái tạo sức lao động để tiếp tục làm việc tạo ra sản phẩm cho xã hội?

Ngân hàng thực hiện phát hành thẻ và các doanh nghiệp đã ủng hộ việc thanh toán lương qua thẻ, tính đến nay hơn 70% trả lương qua thẻ. Lượng tiền tích lũy trong thẻ tại các ngân hàng không phải nhỏ, các ngân hàng sử dụng đồng tiền đó xoay vòng kinh doanh kiếm lợi mà không tốn lãi suất huy động, vậy còn thu phí qua thanh toán thẻ là thế nào?

Nếu người lao động phản ứng đồng loạt không đồng ý thanh toán lương qua thẻ thì sẽ trở lại thời kỳ đầu và chủ trương của Ngân hàng Nhà nước về giảm áp lực tiền mặt trên thị trường sẽ bị phá sản, đồng thời các ngân hàng sẽ mất đi một nguồn tín dụng không lãi suất để đưa vào kinh doanh.

Cuộc sống đã khó khăn, các nhà quản lý vĩ mô và vi mô cần xem xét cắt giảm chi phí cho người dân để nâng cao mức sống. Đây chính là mãi lực không nhỏ kích thích phát triển sản xuất thông qua tiêu dùng, đồng thời góp phần giải quyết thất nghiệp, như vậy sẽ kéo theo muôn vàn những điều kích thích tốt đẹp.

Bạn có ý kiến gì về vấn đề này? Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về cho chúng tôi qua địa chỉ email tto@tuoitre.com.vn hoặc phần ý kiến bạn đọc phía dưới. Cảm ơn.

quochung1401@
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên