Phóng to |
Để kết thúc diễn đàn này, trong bài viết hôm nay Tuổi Trẻ xin trích lược một số ý kiến của bạn đọc liên quan đến chủ đề: Làm thế nào để chống bệnh giả dối?
Tự soi lại mình
Thực tiễn cho thấy mấy ai trong chúng ta tự nhận thấy mình đang mắc phải căn bệnh giả dối. Với những bản tự kiểm điểm hằng năm bao giờ cũng thấy mỗi cán bộ công chức lặp lại môtíp “tốt nhiều, xấu ít” và thường thì phần “ưu” luôn chiếm tỉ lệ nhiều hơn phần “khuyết”, rồi phần hạn chế của bản thân cũng được sử dụng ở “liều lượng” vừa phải với những ngôn từ quen thuộc như: chưa tự giác, không thường xuyên, thiếu tích cực...
Để mỗi người có thể chiến thắng bản thân thì biện pháp phê bình và tự phê bình chính là một trong những vũ khí sắc bén, giống như việc ta tự “bắt mạch” cho ta. Song việc lắng nghe ý kiến phê bình của người khác đối với những khuyết điểm của bản thân không hẳn đã được mỗi người trong chúng ta dễ dàng tiếp thu. Thành ngữ có câu “trung ngôn, nghịch nhĩ”, sự thật nói ra không phải lúc nào cũng dễ được chấp nhận.
Đợt triển khai việc kiểm điểm phê bình và tự phê bình mà trung ương đang phát động sẽ là dịp để mỗi chúng ta ngẫm lại mình, tự sửa chữa căn bệnh giả dối.
Cơ quan, công sở phải nêu gương
Ở cơ quan nhà nước, công tác thi đua, khen thưởng cũng như việc đánh giá, phân loại cán bộ hằng năm nhìn chung thực chất thì ít, tính hình thức lại có phần nhiều hơn. Hầu như tất cả các vị đứng đầu cơ quan đều luôn luôn tích cực, gương mẫu, đạt những danh hiệu thi đua cao quý. Nhưng trong các vụ tiêu cực, tham nhũng lớn bị phanh phui, có không ít nhân vật “cộm cán” đều là “chiến sĩ thi đua” (hoặc cao hơn); “đảng viên loại 1” trong các chi bộ, đảng bộ xuất sắc được bình chọn trước đó chưa lâu. Trên địa bàn dân cư cũng vậy, do chạy theo thành tích, hiện có vô số gia đình văn hóa, tổ dân phố, khu phố, phường (xã) đạt danh hiệu “văn hóa”, nhưng thực chất chẳng văn hóa chút nào.
Muốn khắc phục bệnh nói dối thì phải làm một cách đồng bộ, có hệ thống ở tất cả các cấp, các ngành, các đơn vị thuộc cơ quan nhà nước. Đặc biệt là ngành giáo dục nên đi đầu trong việc đấu tranh xóa bỏ bệnh nói dối. Một khi trong nhà trường mà còn giả dối thì xã hội dối trá là chuyện đương nhiên!
Xóa bỏ “văn hóa chạy”
Theo TS Đặng Cảnh Khanh - nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thanh niên, điều đáng buồn và đáng báo động hiện nay là nhiều người cho rằng sự trung thực gắn liền với sự thiệt thòi, người trung thực bị coi là “kẻ ngốc”. Ông cũng nói thanh niên không có lỗi khi suy nghĩ như vậy mà trách nhiệm thuộc về xã hội, thuộc về các cơ chế tạo ra sự giả dối.
Chia sẻ về ý kiến này của TS Khanh, tôi rất bức xúc và trăn trở với nạn chạy chức, chạy quyền ở xã hội ta. Có thể nói chạy chức, chạy quyền đã trở thành một thứ “văn hóa” không mong muốn trong xã hội. Đây thật sự là một nguy cơ lớn!
Muốn xóa bỏ “văn hóa chạy”, ta phải có luật rõ ràng, phải tạo cho được sự cạnh tranh lành mạnh trong xã hội. Và đặc biệt là cần xóa bỏ độc quyền ở một số ngành. Điều quan trọng nữa là phải triệt để xóa bỏ bao cấp. Còn quá nhiều ngành được bao cấp hoặc mang tiếng là xóa bao cấp nhưng chỉ xóa... nửa vời. Chính cái nửa vời mập mờ này đã tạo kẽ hở cho các “cò” lợi dụng để “chạy”.
Cuối cùng, xin muốn nói đến việc nâng cao đạo đức công chức. Đây không phải là giải pháp mà là lương tâm trách nhiệm của mỗi cán bộ công chức. Không nên đổ lỗi cho cơ chế tiền lương mà quên đi trách nhiệm của mình.
Vấn đề là biện pháp đã có nhiều, nhưng thái độ cương quyết tuyên chiến vẫn còn thiếu. Thái độ cương quyết làm trong sạch nội bộ, bịt các “cửa chạy” của mỗi người dù ở bất kỳ cấp nào, tổ chức nào, giờ đây là thước đo phẩm chất cách mạng, lòng trung thành với chế độ, có lẽ chỉ cần như vậy là đủ. Sự thờ ơ, tránh né không cương quyết tuyên chiến với tệ chạy, để nó nghiễm nhiên trở thành “chuyện thường ngày” của xã hội, một thứ phản văn hóa, làm mất đi truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta, có thể coi thái độ như vậy là tội ác.
Không phải là bệnh “vô phương cứu chữa”
Muốn dân giàu, nước mạnh thì phải loại trừ bệnh giả dối, phải đặt ra giải pháp trước mắt và lâu dài. Trước hết, cùng với việc mỗi người phải tự soi lại mình, trong quan hệ giữa người với người nên lấy chữ “tín” làm phương châm hành động, người lớn làm gương cho người nhỏ, cấp trên làm gương cho cấp dưới, công khai minh bạch trong mọi vấn đề không thuộc phạm vi bí mật quốc gia. Xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, trừng trị nghiêm những hành động gian dối. Về lâu dài, trị bệnh giả dối phải bắt đầu từ giáo dục. Một nền giáo dục tiên tiến phải xuất phát từ giá trị đạo đức của con người, dạy học trước hết phải dạy làm người. Trong cuộc đổi mới giáo dục toàn diện sắp tới cần cải tổ bộ máy giáo dục từ cán bộ quản lý đến đội ngũ nhà giáo.
Tóm lại, nếu có quyết tâm thì việc gì cũng làm được. Chúng ta không nên bi quan.
Nỗi ám ảnh của tôi Có thể nói căn bệnh thành tích trong giáo dục đã quá nặng, trở thành thứ bệnh mãn tính nên chúng ta vẫn thường nghe thấy trong các kỳ thi tốt nghiệp không chỉ giám thị ném phao thi, giáo viên coi thi dễ dãi mà chính bản thân các bậc phụ huynh có con đi thi cũng đã “tích cực” tham gia, tiếp tay cho sự dối trá, thiếu trung thực ở các em. Tôi còn nhớ năm 1997 tôi thi tú tài (sau này mới đổi thành thi tốt nghiệp phổ thông). Trong phòng thi các bạn thoải mái trao đổi bài làm và sử dụng tài liệu. Giáo viên coi thi chỉ nhắc nhở đôi lần cho có lệ. Kết thúc buổi thi, trên đường đạp xe chở tôi về nhà, bố tôi có nói không ít phụ huynh đứng ở ngoài cổng trường phải “góp” 10.000 đồng bồi dưỡng cho giám thị và giáo viên coi thi để con em mình được thi dễ dàng hơn một chút. “Bố cũng đóng góp, ai có con đi thi cũng làm như vậy, không lẽ mình không đưa thì kỳ lắm” - bố tôi nói. Đến giờ tôi đã là một cán bộ nhà nước trong ngành xây dựng nhưng những hành động dối trá trong thi cử vẫn là nỗi ám ảnh cứ mãi trong tâm trí, không thể nào quên được. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận