Địa phận huyện Trà My động đất 2,7 độ RichterThủ tướng sẽ quyết thời điểm tích nước thủy điện Sông Tranh 2Sông Tranh 2: Tâm chấn chỉ cách mặt đất 5km
Phóng to |
Công nhân thi công chống thấm trong hầm kỹ thuật thủy điện Sông Tranh 2 - Ảnh: Duy Anh |
TS Đào Trọng Tứ (thường trực Mạng lưới Cộng tác vì nước của Việt Nam, thành viên ban cố vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) và TS Cao Đình Triều (tổng thư ký Hội Khoa học kỹ thuật địa vật lý Việt Nam) đã gửi đến Tuổi Trẻ bài viết về vấn đề này.
Hậu quả nghiêm trọng
Việc động đất kích thích do các đập thủy điện gây ra đã được các nhà khoa học trên thế giới ghi nhận và nghiên cứu từ rất lâu. Trên thế giới, sự cố về đập thủy điện được ghi nhận xảy ra với tỉ lệ 1%, có nghĩa trong 36.000 đập được xây dựng đến thời điểm năm 1973 thì có đến 300 đập gặp sự cố. Quan trọng hơn, trên thế giới đã ghi nhận trên 100 trường hợp động đất kích thích được cho là do hồ chứa nước tại các đập gây ra.
Một số trường hợp động đất kích thích do hồ chứa đã gây hậu quả nghiêm trọng cho môi trường cũng như lấy đi tính mạng của hàng trăm người dân. Ví dụ như trận động đất mạnh 6,3 độ Richter xảy ra năm 1967 ở khu vực đập Kyona, Maharashatra, Ấn Độ. Động đất làm rung động tất cả khu vực gần hoặc hạ lưu đập Kyona khiến 180 người chết và 1.500 người bị thương, mất nhà cửa. Ảnh hưởng động đất đã được cảm nhận ở Mumbai, nơi nằm cách đập Kyona 230km.
Tương tự, năm 1963 khi bắt đầu tích nước hồ chứa Vajoint của Ý, người ta ghi nhận có một trận động đất kích thích. Sau đó, một trận trượt lở đất làm đất choán đầy hồ chứa, gây trận lũ lớn ở hạ lưu làm chết 2.000 người.
Đặc biệt, trận động đất mạnh 7,9 độ Richter ngày 12-5-2008 tại Tứ Xuyên (Trung Quốc) làm 70.000 người chết, 5 triệu người mất nhà cửa. Một số nhà khoa học đã “đổ lỗi” cho đập thủy điện Zipingpu (Tử Bình Bạc - cao 156m) nằm cách tâm chấn khoảng 10km và cách đới đứt gãy sinh chấn 550m. Lập luận này đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi nhưng không ít người cho rằng nó không thể không liên quan. Cụ thể là sức nặng của 1,1 tỉ m3 nước trong hồ chứa ở đập Zipingpu tương đương trên 1 tỉ tấn đã gây áp lực lớn lên đáy hồ làm hiện tượng sụt lún đáy hồ, nước thấm vào các mạch đứt gãy kích thích động đất diễn biến phức tạp hơn. Nhiều nhà nghiên cứu đã bị từ chối không cho tiếp xúc với các tài liệu về địa chấn và địa chất để đánh giá nguyên nhân gây động đất sau đó.
Những dấu hiệu cảnh báo
Giáo sư Seiji Otake, nguyên giám đốc nghiên cứu về động đất của Trung tâm quốc gia phòng tránh thiên tai Nhật Bản, đã đưa ra nhận định: “Ở vùng có những con đập cao hơn 100m, xác suất các hoạt động địa chấn gia tăng lên đến 90%”.
Một học giả hàng đầu nghiên cứu về động đất kích thích do hồ chứa của thủy điện gây ra, ông Harsh K. Gupta (Ấn Độ), đã tóm tắt các phát hiện khi nghiên cứu vấn đề này trên phạm vi thế giới như sau: độ sâu các hồ chứa là yếu tố quan trọng nhất, dung tích hồ cũng đóng vai trò quan trọng đến kích thích động đất; động đất kích thích có thể được ghi nhận ngay lập tức hoặc có độ trễ khi tích nước hồ chứa hay ở nhiều giai đoạn tích nước khác nhau.
Còn theo ông Fan Xiao - kỹ sư trưởng, Văn phòng địa chất và mỏ Sichuan ở Thành Đô (Trung Quốc), có một số nguyên nhân và dấu hiệu có thể gây động đất kích thích, cần thận trọng khi xây dựng đập như: đập có chiều cao hơn 100m và dung tích hơn 1 tỉ m3 nước; khu vực đập có hoạt động địa chấn; khu vực đập nằm trên đứt gãy địa chất đang hoạt động; có vết nứt sâu trong đá làm đá có lỗ rỗng chứa nước và khả năng thẩm thấu cao, khu vực đập từng có động đất trước đây, trong khu vực đập có những suối nước nóng.
Những ngày qua, nhiều người lo lắng khi tại các khu vực quanh thủy điện Sông Tranh 2 cấp độ động đất mạnh không giảm mà có chiều hướng tăng. Đối với thủy điện Sông Tranh 2, chúng tôi nhận thấy có những thông số và những điều kiện liên quan đến động đất kích thích rất cần phải nhìn nhận bởi đang có hàng triệu người dân vùng hạ lưu và quanh hồ cần được bảo vệ tuyệt đối an toàn. Chúng tôi muốn đưa ra những ví dụ mà các hồ thủy điện trên thế giới đã gặp phải động đất kích thích, gây nguy hại cho đời sống người dân với mong muốn gửi gắm đến các cơ quan chức năng tham khảo và xem xét, tránh tình huống xấu nhất có thể xảy ra cho người dân trong lưu vực thủy điện Sông Tranh 2.
Vụ sập cầu cảng dầu khí tại Đà Nẵng: Chủ đầu tư nói ảnh hưởng động đất ở Sông Tranh Ông Trần Trọng Hữu, giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh khí hóa lỏng miền Bắc (chủ đầu tư), vừa có văn bản gửi các ngành chức năng báo cáo về sự cố sập cầu cảng công trình Tổng kho sản phẩm dầu khí Đà Nẵng và công tác xử lý sự cố. Theo đó, nguyên nhân được xác định là do thời gian qua mưa kéo dài dẫn đến nước ngấm vào trong cát gây sụp đổ. Có tính đến ảnh hưởng của dư chấn động đất ở Quảng Nam xảy ra thời gian trước đó. Mặc dù không có thiệt hại về người, song sự cố ước tính gây thiệt hại vật chất khoảng 32 tỉ đồng. HỮU KHÁ |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận