Phóng to |
Các thí sinh sau khi thi môn lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 tại hội đồng thi Trường THCS Tân Bình, Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh minh họa: Như Hùng |
Vì sao môn lịch sử bị coi thường?
Theo tôi, chẳng qua là vì cái thời “sôi kinh nấu sử” để làm quan, thăng quan tiến chức đã qua. Thời phong kiến, thời bao cấp, môn sử có chân đứng hết sức vững chắc. Khi đó, chúng ta chỉ biết nhìn vào các bài học lịch sử để “ôn cố tri tân”. Nhưng như thế là chúng ta đang tự ru ngủ bản thân mình trên “giường chiếu hẹp”. Thực tế “giấc mơ con” đã đè nát “cuộc đời con” (thơ Chế Lan Viên).
Hiện nay thì sao? Giới trẻ chuộng làm giàu (tư nhân) hơn làm quan (làm Nhà nước). Vì vậy, không trách gì các em chú trọng các môn tự nhiên, kinh tế, ngoại ngữ, y dược, nghệ thuật, du lịch… hơn các môn KHXH & NV.
Thử hỏi với chương trình nặng nề, với nhiều môn học ở bậc THCS, THPT như hiện nay, thử hỏi bộ nhớ các học sinh sẽ ưu tiên kiến thức môn học nào: toán, lý, hóa hay văn, sử, địa?
Thực tế, nhiều giáo viên môn lịch sử đã rất cố gắng để giúp các em lĩnh hội môn học này. Tuy nhiên, với những nguyên nhân trên, dù các bài giảng có hay, phương pháp giảng dạy đổi mới, các học sinh vẫn “nghe tai này lọt tai kia”. Thậm chí, nhiều em có “ác cảm” với môn sử thì càng như “đàn gảy tai trâu”.
Hiện thực hiện nay, giới trẻ sống gấp, sống vội, sống cạnh tranh nên ít ai có thể cầm SGK lịch sử để ê a như một thú vui học thức. Trái lại, sau khi đi học chính khóa ở trường, các em liền dẹp các “môn phụ” vào một bên để đi học toán, Anh, lý, hóa. “Cày” các “môn chính” cả ngày như thế, thử hỏi lấy thời gian đâu ra để học các môn phụ?
Cứ lơ là môn sử hoài thì dần quên. Quên thì không biết. Đến một mức độ nào đó thành “dốt đặc cán mai” về sử. Từ đó phát sinh tâm lý coi thường môn học mình không am hiểu không phải là lạ.
Hệ quả của sự coi thường là trong kỳ tuyển sinh đại học năm nay, môn lịch sử một lần nữa lại đăng quang ngôi vị “chót bảng” với hàng ngàn điểm 0. Số lượng bài thi môn này dưới điểm trung bình cũng chiếm đến 80-90%. Thậm chí có trường điểm sử cao nhất chỉ dừng lại ở con số 5,25. Trong khi đó, hồ sơ thi vào các ngành KHXH&NV lại rất ít ỏi so với các khối A,B,D.
Không chỉ dừng lại ở điểm số, giới trẻ hiện nay từ chối các giá trị lịch sử đã trở nên vô văn hóa hơn. Chẳng hạn khi không nhận thức được sự quý giá của lịch sử, nhiều bạn trẻ đã chà đạp lên cả những chứng tích lịch sử. Hành động đứng, ngồi lên đầu rùa tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám tạo dáng chụp ảnh và tung lên Facebook của một số học sinh là một điển hình trong các điển hình.
Cần làm gì để phục hưng?
Để giải quyết vấn đề này, theo tôi phải giải quyết những vấn đề sau:
1. Tạo điều kiện để cử nhân lịch sử và cử nhân KHXH&NV “vào đời” dễ dàng hơn.
Chẳng hạn, các trường đại học, cao đẳng nên viết giấy giới thiệu cho các cơ quan ban ngành để giới thiệu các sinh viên tốt nghiệp loại giỏi vào công tác ngay sau khi tốt nghiệp. Đừng để sau 3-4 năm gắng sức học tập, các sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ra trường còn phí hoài vào việc “chạy” việc. Trong khi thực tế hiện nay vấn đề tự xin việc của cử nhân lịch sử và cử nhân KHXH&NV rất khó khăn. Bởi hai nguyên nhân: đào tạo quá nhiều, ảnh hưởng giá trị bằng cấp và cử nhân khá, trung bình vẫn tuyển vào các vị trí bất cân xứng vì “thân quen”, có tiền chạy chọt.
Tôi có một cô bạn học sử chỉ tốt nghiệp loại khá nhưng khá xinh, ra trường “chạy” được việc vào một báo địa phương. Sau không chịu nổi áp lực phải bỏ. Giờ đây, cô trở thành một giảng viên trẻ của một khoa mới lập của một trường đại học.
Tại sao cứ phong bì, thân quen thì nhận ngay, công tác ngay, hưởng “lương cứng” ngay? Trong khi những người tài, giữ lòng trong sạch thì vẫn thất nghiệp?
2. Khi giải quyết được “vấn đề số 1” trên sẽ giải quyết “vấn đề số 2”. Đó là: Thu hút thí sinh dự thi vào khối KHXH&NV. Tất nhiên, không phải ai cũng có lợi thế thi khối A,B,D. Nhiều thí sinh chỉ có thể thi đậu khối C. Và khi vấn đề việc làm được giải quyết, hiển nhiên các thí sinh này sẽ không “mạo hiểm” thi vào các khối không sở trường. Thay vào đó, các em sẽ lựa chọn khối C để phù hợp với năng lực và lòng đam mê.
3. Khi giải quyết “vấn đề số 2” thì tự nhiên sẽ có các hiện tượng tích cực diễn ra. Đó là “vấn đề số 3”: Các em học sinh sẽ không còn coi thường môn sử nữa. Vì những cử nhân lịch sử và khối C các trường đại học, cao đẳng không còn thất nghiệp tràn lan, và có nhiều bạn bè thi vào khối đó. Như vậy, sẽ làm thay đổi sự lựa chọn trong ghi nhớ của học sinh. Thay vì dành hết thời gian để học toán, lý, hóa… các em sẽ học văn, sử, địa nhiều hơn, tốt hơn. Dĩ nhiên, “mưa dầm thấm lâu”, điểm thi đại học môn lịch sử của các em sẽ cao hơn rất nhiều so với năm nay.
4. Khi giải quyết được “vấn đề số 3”, khi đó mới nói đến việc đổi mới nội dung sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy. Bởi nếu thay đổi không cần suy xét nguyên nhân thì chẳng khác nào “nước đổ lá môn” và sẽ hoài công vô ích. Chính “nhu cầu” mới là mẹ đẻ của mọi sự thay đổi. Đừng “nhồi sọ” các em những kiến thức các em không muốn tiếp nhận theo kiểu “bình chứa kiến thức”.
Hãy nói với các em: Nếu các em không muốn hay không thể trở thành bác sĩ, kỹ sư… các em hoàn toàn có thể trở thành một nhà văn, nhà báo, nhà giáo. Cuộc sống tuy là “nhà nghèo” nhưng luôn có ý nghĩa thiết thực. Bởi một xã hội xem hiền tài là “nguyên khí của quốc gia” thì xã hội đó mới phát triển bền vững.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận