19/08/2012 11:48 GMT+7

Hệ tại chức đã hết sứ mệnh lịch sử?

numberonedl@...
numberonedl@...

TTO - Xoay xung quanh vấn đề nên duy trì hay chấm dứt hệ tại chức, nhiều ý kiến bày tỏ một cách dứt khoát: hệ tại chức nên đóng cửa vì đã hết sứ mệnh lịch sử; nhưng cũng có ý kiến phản bác: học là nhu cầu và quyền của mỗi con người, tại sao lại "tước đoạt"?

Hệ tại chức: đứa con bị từ chốiHệ tại chức: không tuyển thì đào tạo làm gì?Nhà bác học có cần phải học chính quy không?

ncW4W86U.jpgPhóng to
Sinh viên hệ tại chức năm 2 ĐH Luật TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

TTO trích đăng cả hai luồng ý kiến này:

Mạnh dạn làm "cách mạng xám" về đào tạo nhân lực

Theo quan điểm của tôi, học tại chức là một vấn đề mang tính lịch sử, cho từng đối tượng cụ thể. Bây giờ thế hệ trẻ có điều kiện học tập, không bị giới hạn về thời gian, không gian như các thế hệ ngày trước, đa số bạn học lực hạn chế, không đỗ được trường chính quy nên chọn cho mình con đường học tại chức. Hệ tại chức là vừa học, vừa làm cho nên đối tượng các bạn trẻ bây giờ là không phù hợp.

Khi các bạn đã tốt nghiệp tại chức, vào làm cơ quan công quyền (phần lớn các bạn đó là con ông cháu cha, chứ đã tại chức rồi mà không có mối quan hệ quen biết thì hiếm có cơ hội vào cơ quan nhà nước), rồi được nâng đỡ đi thi công chức, dùng các mối quan hệ để thăng tiến, làm yếu dần và mất lòng tin của nhân dân vào bộ máy công quyền các cấp. Như vậy là không nên tuyển hệ tại chức vào công chức.

Một vài ý kiến cho rằng sinh viên tại chức cũng có người giỏi nhưng có chăng rất ít, và cũng không có chuyện giỏi đột xuất sau vài ba năm như vậy.

Cơ quan chức năng cần nghiên cứu để nâng cao chất lượng giáo dục và chuyên nghiệp hóa, trí thức hóa một cách thật sự cán bộ công quyền ngay từ bây giờ, càng sớm càng tốt, thà làm sớm, làm dứt điểm, mạnh dạn "phẫu thuật" đau một lần còn hơn để dư luận cứ dây dưa tốn giấy, tốn mực, tốn sự quan tâm không đáng có... Và cũng để những ai không đủ điều kiện học ĐH chính quy người ta tìm con đường khác như vào cao đẳng, trung cấp hoặc học nghề.

Đã nói trí thức không nói đến ưu tiên, lựa chọn trí thức phải dân chủ, công khai, không phải như lựa chọn hộ nghèo hay lựa chọn đối tượng chính sách. Tôi nghĩ vấn đề này các ngành chức năng của Việt Nam đủ sức làm và làm nhanh chóng. Cần coi như đây là một đợt phẫu thuật, một đợt "cách mạng xám" trong công tác đào tạo nhân lực của Việt Nam.

Xã hội cần sản phẩm chất lượng

Hiện nay đa số sinh viên chính quy học toàn thời gian với tất cả sức lực và tinh thần tìm kiếm tri thức để phát triển nghề nghiệp sau khi ra trường. Thế nhưng trình độ nhiều người vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Trong khi sinh viên tại chức với mục tiêu học phần lớn là để có bằng và hợp thức hóa bằng đại học để thăng tiến (tuy vẫn có một lực lượng cầu thị việc học để nâng cao trình độ thật sự, nhưng rất ít). Việc đi học của những sinh viên này chủ yếu chỉ để điểm danh cho đủ, thậm chí còn thuê cả người đi học. Như vậy chúng ta cũng hình dung được chất lượng sản phẩm này như thế nào sau bốn năm học tại chức.

Xã hội bây giờ cần những sản phẩm chất lượng thật sự, ngay cả những doanh nghiệp việc tuyển dụng nhân sự liên quan trực tiếp đến kết quả công việc của họ còn phân biệt sinh viên tại chức với chính quy, nói gì đến cơ quan nhà nước - nơi người dân kỳ vọng những người cán bộ đủ năng lực chuyên môn để giải quyết cho họ những thủ tục... Tóm lại, thiết nghĩ các cơ quan quản lý nên chú trọng đến vấn đề hiệu quả, không chạy theo hình thức nữa và chấm dứt hệ tại chức.

Hãy để tồn tại như chính yêu cầu cuộc sống

Là một người công tác trong ngành giáo dục đã lâu, tôi có ý kiến sau:

Trước hết, việc học là nhu cầu của mỗi con người. Những năm cuối của thế kỷ 20, UNESCO đã nêu ra bốn trụ cột của giáo dục, khẳng định quyền được học và học bất cứ khi nào, vì hơn bất cứ sinh vật nào tồn tại trên hành tinh này, học để hoàn thiện mình là "quyền" của con người.

Người ta có thể học mọi nơi mọi lúc. Học trong nhà trường, ở gia đình và học ngoài xã hội. Nhưng học để được cấp bằng thì chỉ có trong nhà trường và các cơ sở đào tạo. Để đánh dấu những kiến thức mà người học học được trong khóa đào tạo ấy, nhà trường cấp giấy chứng nhận: khóa ngắn hạn là các chứng nhận, chứng chỉ, khóa dài hạn thường là bằng cấp. Như vậy việc cấp giấy chứng nhận và bằng cấp kia chỉ là việc nhà trường công nhận anh (chị) đã hoàn thành khối lượng kiến thức mà nhà trường cam kết sẽ trao cho người học trong quá trình tham gia học tập ở cơ sở đào tạo của họ. Với những khóa học dài hạn, có nhiều môn học, được chấm điểm thì có bảng điểm đi kèm và hạng tốt nghiệp được ghi trong văn bằng. Những khóa ngắn hạn thường chỉ ghi đã hoàn thành (thậm chí là đã tham gia) khóa học.

Một cơ sở đào tạo tốt, các tiêu chí đưa ra rõ ràng: người học sẽ thu nhận được những kiến thức chuyên môn nào và có thể làm được trong những lĩnh vực nào sau khi tốt nghiệp đều được ghi trong chương trình đào tạo.

Vấn đề là người ta tổ chức đào tạo như thế nào để người học có thể có được những kiến thức và kỹ năng cần thiết sau khóa học như cam kết của người tổ chức khóa học (nhà trường).

Hiện nay, việc tổ chức hệ vừa làm vừa học ở ta về lý thuyết không có gì phải bàn. Vấn đề là thực tiễn đào tạo. Có những trường tổ chức thi đầu vào các hệ đào tạo này nhưng tỉ lệ đậu thường là 100%. 100% thì có cần thi tuyển?

Hệ đào tạo vừa làm vừa học ở nước ta hiện nay gặp nhiều khó khăn, nhất là tài liệu học tập và thí nghiệm. Tôi nghĩ nhiều sinh viên hệ này chưa bao giờ được thực hiện những thí nghiêm thực thụ mà chương trình yêu cầu. Học trong những điều kiện như thế chắc chắn chất lượng của hệ vừa học vừa làm nói chung không thể bằng hệ toàn thời gian.

Khi nào các nhà trường tổ chức tốt việc đào tạo, khi nào những người học học vì chính mình, cho mình thì tấm bằng mới không có biên giới. Cứ mở đi cánh cửa vừa học vừa làm để người học có thể suốt đời học tập. Những người nghĩ và muốn không học mà vẫn có bằng cấp sẽ không thể có được sự kính trọng của xã hội hôm nay.

Cứ để tồn tại nhưng Nhà nước không nên tuyển

Tôi làm việc trong ngành tổ chức cán bộ, qua diễn đàn tôi có ý kiến như sau:

1. Những người học tại chức trước đây do điều kiện, hoàn cảnh lịch sử không có điều kiện học chính quy; đất nước sau chiến tranh thiếu cán bộ, sau chiến tranh họ được tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước, sau đó đi học tại chức, những người này họ làm việc rất tốt, có nhiều cống hiến cho khoa học và cho đất nước.

2. Hiện nay một số người không có điều kiện đi học, họ vừa phải đi làm vừa đi học, những người này đều có chí tiến thủ, họ cũng sẽ là những người cán bộ tốt nếu tuyển đúng đối tượng, nhưng số này không nhiều và các cơ quan tuyển dụng ít phân biệt được với các đối tượng thứ ba mà tôi sẽ nêu.

3. Những đối tượng, kể cả gia đình có điều kiện, do không tập trung học tập ở phổ thông, thi đại học trượt, rồi học tại chức, ra trường gia đình có điều kiện, thậm chí cha mẹ, người nhà có quan hệ gửi gắm, rồi được tuyển vào các cơ quan nhà nước, cơ hội thăng tiến chẳng khác gì các loại hình đào tạo khác. Những đối tượng này đang chiếm chỗ của nhiều nhân tài, làm cho tập thể và tổ chức chậm phát triển.

4. Những người đã tốt nghiệp đại học tại chức, nay gia đình có điều kiện tiếp tục cho học thạc sĩ, nghiễm nhiên họ là thạc sĩ, mà thạc sĩ như thế này thì cũng không thể bằng học đại học chính quy.

Như vậy, tôi nghĩ rằng hệ tại chức vẫn nên tồn tại nhưng đối với cơ quan nhà nước không tuyển dụng hệ tại chức. Còn các doanh nghiệp, khu vực tư nhân tùy nhu cầu họ có thể tuyển lao động.

numberonedl@...
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên