Ngay tại nơi ông đang làm việc tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc).
Phóng to |
Đại sứ Nguyễn Văn Thơ - Ảnh: quốc thanh |
Đại sứ nhấn mạnh: Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được những nhận thức chung quan trọng, trong đó có việc xây dựng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện trên cơ sở phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt”. Thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với Trung Quốc là ưu tiên trong đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đây là chính sách nhất quán, lâu dài của Đảng và Nhà nước ta.
* Thưa đại sứ, cho đến thời điểm này những diễn biến từ phía Trung Quốc trên biển Đông chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ “hạ nhiệt”. Và trong lòng người dân mỗi nước, mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt - Trung trong mấy chục năm qua có trở nên nồng thắm hơn, hay “lạnh” dần đi... là phụ thuộc rất lớn vào diễn biến đó. Đại sứ có thể chia sẻ đôi điều về công tác ngoại giao sẽ như thế nào để có thể thích ứng với những diễn biến như vậy?
- Cần nhìn nhận khách quan rằng quan hệ giữa Việt Nam - Trung Quốc trong những năm qua có những bước phát triển tích cực. Hai bên đã giải quyết ổn thỏa một số tồn tại do lịch sử để lại như vấn đề vịnh Bắc bộ và biên giới trên bộ, song còn một vấn đề là biển Đông rất phức tạp và nhạy cảm. Đây là một tồn tại lịch sử khách quan, chúng ta không thể lẩn tránh mà phải đối diện với nó và tìm phương cách từng bước giải quyết.
Về vấn đề này, lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được những nhận thức chung rất quan trọng, trong đó có thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 10-2011. Trên cơ sở đó, hai bên đã và sẽ tiếp tục tiến hành các vòng đàm phán về phân định ranh giới các khu vực thật sự tranh chấp liên quan đến hai bên và hợp tác cùng phát triển. Song, đây là một quá trình rất phức tạp và khó khăn.
Trách nhiệm của cơ quan ngoại giao nước ta tại Trung Quốc là làm sao góp phần duy trì và thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai nhà nước và nhân dân hai nước; góp phần thúc đẩy thực hiện nghiêm chỉnh các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; giải quyết các vấn đề do lịch sử để lại giữa hai nước, góp phần tạo dựng môi trường quốc tế xung quanh hòa bình, thuận lợi cho công cuộc xây dựng kinh tế và bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước ta.
* Có nhiều bằng chứng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng phía Trung Quốc liên tục đưa ra các tuyên bố hay hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Giải pháp nào để chính người dân Trung Quốc, trên thế giới hiểu và ủng hộ lẽ phải không thể chối cãi này?
- Chúng ta có đầy đủ cơ sở pháp lý và lịch sử để khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Đồng thời, chúng ta cũng luôn nhất quán là các tranh chấp trên biển Đông phải được giải quyết thông qua thương lượng hòa bình, trên cơ sở hữu nghị, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).
Tôi hi vọng rằng những tiếng nói tiêu cực, không có lợi cho quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, kích động hận thù dân tộc trên một số báo và trang mạng của Trung Quốc không phải là tiếng nói chính thống của Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc. Đảng và chính phủ hai nước đã có những thỏa thuận liên quan đến công tác tuyên truyền về quan hệ hai nước Việt - Trung.
Việt Nam chúng ta luôn mong muốn hai bên có nhiều tiếng nói hữu nghị hơn, tích cực hơn, góp phần giải quyết những tranh chấp, bất đồng bằng thương lượng hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, góp phần đưa quan hệ hai nước phát triển ổn định và lành mạnh. Tôi đã nói với phía bạn Trung Quốc về điều đó và khẳng định thông tin không đúng sự thật hoặc kích động chỉ làm phức tạp thêm tình hình.
Đương nhiên, trách nhiệm này không chỉ của những người làm công tác ngoại giao, mà mỗi người dân hãy góp phần vào đây. Báo chí của Việt Nam cũng cần góp sức tích cực hơn làm sao để nhân dân Trung Quốc hiểu khách quan hơn và thế giới ủng hộ lẽ phải của Việt Nam.
* Gần đây ở biển Đông đã xảy ra những hành động rất cụ thể như Trung Quốc ngang nhiên mời thầu các lô dầu trên vùng biển Việt Nam, liên tục bắt bớ ngư dân Việt Nam đánh cá trên các ngư trường truyền thống... Thưa đại sứ, với những hành động này hay những hành động tương tự trong tương lai có thể tiếp tục xảy ra từ phía Trung Quốc, biện pháp tiếp theo nào phải được tính đến?
- Chúng ta đã bày tỏ lập trường rất rõ ràng về những hành động đơn phương vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam gần đây. Tôi muốn khẳng định rằng đường lối đối ngoại của Việt Nam là nhất quán và kiên định trong việc giải quyết những vấn đề trên biển Đông thông qua biện pháp hòa bình và trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Trong lúc này, chúng ta lại cần phải giương cao hơn nữa ngọn cờ chính nghĩa, hòa bình và hợp tác, vì đây là xu hướng lớn của khu vực và thế giới mà không ai có thể đi ngược lại xu hướng đó. Việc này chúng ta phải kiên trì, cái gì đúng phải bảo vệ đến cùng. Bằng những bài viết khách quan, trung thực, có lý có tình, báo chí cũng là một kênh thông tin rất quan trọng để bảo vệ cái đúng, bảo vệ lẽ phải.
* Thưa đại sứ, trong tình hình này ông có gặp phải áp lực gì không?
- Tất nhiên là có nhiều áp lực. Yêu cầu đặt ra là làm sao thực hiện được đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta một cách linh hoạt, sáng tạo, làm sao duy trì được quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với Trung Quốc; đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Đúng là không đơn giản chút nào, song từ xưa ông cha ta có cách ứng xử với bạn láng giềng là phải biết “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Trong khó khăn sẽ ló ra nhiều sáng kiến tốt. Và tôi xin nhắc lại, tôi vẫn rất kỳ vọng vào vai trò của giới trẻ trong việc góp phần tìm ra các biện pháp giải quyết các vấn đề do lịch sử để lại đối với Trung Quốc, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận