21/06/2012 15:00 GMT+7

Không tâm phục giải thích của ngân hàng

Thanh Huynh
Thanh Huynh

TTO - Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản giải thích vì sao các ngân hàng lãi "khủng" trong khi doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên theo ý kiến đông đảo bạn đọc, cách giải thích của ngân hàng không thuyết phục.

Ngân hàng Nhà nước thanh minh về lãi khủngDoanh nghiệp thoi thóp, ngân hàng lãi khủng

gGRI73Hj.jpgPhóng to
Trong khi nhiều doanh nghiệp gặp khó thì ngân hàng báo cáo lãi khủng - Ảnh: THANH ĐẠM

Ai cũng hiểu do lãi suất cho vay cao chót vót đẩy doanh nghiệp đến phá sản, tồn kho cao, mức chi tiêu toàn xã hội giảm, công nhân mất việc làm là do NHNN áp trần đầu vào không áp trần đầu ra, tạo cơ hội cho hệ thống NH lãi khủng. Nay còn biện minh cho sự vô trách nhiệm của mình, thật hết biết!

Ngân hàng lãi nhiều chủ yếu do chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay quá lớn! Còn việc hạch toán nếu không đúng bản chất thì chỉ có thể làm thay đổi kết quả trong một thời điểm nhất định, chứ không thể kéo dài trong suốt cả một thời kỳ như vậy được.

Thật ra trước khi đọc thông tin này, những nhà kinh doanh đều ước lượng được lãi khủng từ ngân hàng rồi, khi mà chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và tiền vay quá lớn! Chúng tôi không muốn nghe cách giải thích xoa dịu dư luận như vậy! Chúng tôi cần Nhà nước và ông thống đốc ngân hàng có những giải pháp và việc làm cụ thể hơn, chứ giải thích kiểu như trên, nói thật là xem thường trình độ dân trí hiện nay rồi!

Ngân hàng Nhà nước nên tập trung vào việc điều hành nền tài chính nước nhà, điều chỉnh lãi suất hợp lý, không để chính sách tiền tệ thay đổi liên tục làm ảnh hưởng đến cả nền kinh tế... Và thật lạ là tại sao Ngân hàng Nhà nước lại đi giải thích "thay" cho những ngân hàng khác? Vậy Ngân hàng Nhà nước mang tính điều hành chính sách hay bảo vệ quyền lợi của hệ thống ngân hàng?

Rất mong Ngân hàng Nhà nước, ông thống đốc nên bớt những việc giấy tờ để nhìn nhận thực tế cho ngành tài chính Việt Nam vượt qua khó khăn.

Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp cuối năm, hàng chục ngàn doanh nghiệp lo sốt vó để có đủ tiền lương trả cho công nhân nhằm giữ ổn định nhân lực, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp không thể chạy nổi, công nhân không những không có thưởng tết mà không có cả lương về ăn tết. Trong khi đó thì ngành ngân hàng hoan hỉ thưởng tết cho nhân viên với mức thưởng khủng mà có nằm mơ, các doanh nghiệp cũng không có.

Thế là cùng trong một hệ thống của nền kinh tế, một bên là các ngân hàng thì no say thừa mứa, một bên là các doanh nghiệp sản xuất đói khát cùng cực. Rõ là họ đang sống sung sướng trên lưng các doanh nghiệp đói khát, phá sản.

Nguyễn Duy Hy

Ngân hàng là nơi tập trung rất nhiều nguồn lực trí tuệ cao, họ không “ngốc” để báo lãi cao như thế để chịu thuế thu nhập doanh nghiệp 25%. Ngân hàng Nhà nước nghĩ gì mà giải thích như thế?

Ngân hàng là nơi cần nhất sự trung thực nhưng thực tế vừa qua chứng tỏ ngân hàng là nơi làm ăn chụp giật nhất. Lợi dụng việc không quy định lãi suất đầu ra, ngân hàng mặc sức vơ vét của doanh nghiệp, viện đủ mọi lý do để tiếp tục cho vay với lãi suất ngất ngưởng, 22%, 23%, rồi phí vô tội vạ…

Nguyên nhân ngân hàng "lãi khủng" ư? Đó là việc áp trần lãi suất huy động và việc không kiểm soát được lãi suất cho vay tại các ngân hàng đấy.

Lý do ngân hàng lãi thì người dân bình thường ai cũng biết: chênh lệch lãi suất. Từ lúc Ngân hàng Nhà nước ra chỉ thị hạ lãi suất tiền gửi, các ngân hàng công bố lãi suất huy động giảm ngay lập tức. Nhưng lãi suất cho vay vẫn giữ nguyên.

Trường hợp doanh nghiệp vay được thì phải đáp ứng nhiều tiêu chí xét duyệt, tức là không phải doanh nghiệp nào cũng vay được lãi suất ưu đãi. Từ đó, sự chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay ngày càng kéo giãn ra. Kết quả là người dân gửi với lãi suất thấp, doanh nghiệp vay với lãi suất cao, còn ngân hàng thì ăn chênh lệch khủng. Đi đâu cũng nghe người ta nói bây giờ toàn đi làm để "nuôi" ngân hàng!

Thị trường vốn Việt Nam vẫn còn đang trong tình trạng méo mó, chưa thông suốt và vẫn bị ngân hàng độc quyền.

Có vài lý do chủ yếu, đó là (1) Ngân hàng luôn duy trì lãi suất tiền gửi cao để hút tiền nhàn rỗi trong dân cư về ngân hàng, (2) Người Việt vẫn còn tồn tại tâm lý kiếm tiền thông qua gửi tiền, (3) Luật lệ và cơ chế quản lý hoạt động ngân hàng còn chưa “chặt chẽ và minh bạch” (4) Thị trường chứng khoán quy mô còn nhỏ, chưa minh bạch và mang tính đầu cơ và cờ bạc quá cao, nên người dân chưa tin tưởng, (5) Các quỹ đầu tư và công ty chứng khoán quy mô vẫn còn rất bé và khả năng hoạt động kém, nên chưa góp phần xứng đáng vào việc “thông vốn” cho thị trường vốn.

Ngân hàng không chỉ độc quyền vốn mà còn lấn sân gần hết sang thị trường vốn, nên họ muốn lãi bao nhiêu chẳng được và khi họ trục trặc (như nợ xấu nhiều) thì nền kinh tế cũng bế tắc vốn do quá phụ thuộc vào ngân hàng. Khi ngân hàng cấp tín dụng dài hạn thì bắt buộc phải trích dự phòng rủi ro cao hơn rất nhiều vì rủi ro cao và tính thanh khoản thấp.

Cần chuyển kênh huy động vốn đầu tư dài hạn sang thị trường chứng khoán. Các doanh nghiệp nên tích cực huy động vốn dài hạn qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp, tránh tình trạng phụ thuộc vào ngân hàng.

Thanh Huynh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên