Giá trị ảo ở Trường Thực nghiệmThắt chặt an ninh tại Trường THCS Thực nghiệmThức trắng đêm, hỗn loạn mua hồ sơ lớp 1
Phóng to |
Lực lượng an ninh phải "chiến đấu" với đám đông hỗn loạn trước cổng Trường Thực nghiệm - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Tôi đã chứng kiến cảnh rất nhiều phụ huynh chạy chọt, xin xỏ để con vào được trường điểm, trường chuyên. Là một giáo viên, tôi thấy thật đau lòng, nỗi đau của một phụ huynh và của người làm công tác giáo dục...
Không diễn ra công khai như cảnh mua hồ sơ vào lớp 1 cho con vào trường mà giáo sư Ngô Bảo Châu từng học, cuộc chạy đua vào các trường chuyên lớp chọn âm thầm nhưng không kém phần quyết liệt.
Là một giáo viên, tôi thấy thực tế này thật đau lòng. Đau lòng không chỉ khi nhìn từ góc độ của một vị phụ huynh cũng có con đang đi học, mà còn nhìn từ góc độ của một người làm công tác giáo dục.
Cha mẹ nào chẳng muốn con em mình được vào học những trường danh tiếng. Bởi cùng với việc xin cho con vào đấy học là cả một mong ước lớn lao con mình sẽ thành tài. Sinh con ra ai cũng mong con được sung sướng, hạnh phúc, giỏi giang, thành đạt hơn người. Được như thế thì thật tự hào biết bao.
Tâm lý này luôn đè nặng lên các ông bố, bà mẹ. Cho nên ngay từ khi con còn nhỏ, phụ huynh nào cũng muốn con được học ở những môi trường tốt nhất. Không chỉ xin vào lớp 1 mà ở lớp mẫu giáo cũng có hiện tượng này. Rồi thì lớp 6, lớp 10… để mục tiêu cuối cùng là con có thể vào một trường đại học, cao đẳng nào đó danh tiếng, có tương lai, sau này có thu nhập tốt, thành đạt…
Cứ đầu mỗi cấp là có bao chuyện để kể, để nói. Chỉ cần trường nào có tiếng (theo truyền miệng từ phụ huynh này sang phụ huynh khác), khi thấy chất lượng đầu ra tốt là phụ huynh đổ xô nhau để chen chân vào bằng được.
Để con được vào học, phụ huynh chen lấn mua hồ sơ. Nếu trường tổ chức thi tuyển thì họ cho con học thêm, luyện thi, thậm chí mời thầy về dạy cho con tại nhà… Bỏ ra không ít tiền để mong con có kiến thức là không sai. Nhưng họ đã vô tình tạo sức ép tâm lý lên con cái họ. Nào học ở trường, rồi học ở lớp học thêm, thậm chí học với gia sư… thử hỏi tuổi thơ các em có còn được vui chơi hồn nhiên?
Chưa nói đến việc rất nhiều phụ huynh còn bỏ tiền ra chạy chọt, đút lót để con em mình được vào trường. Bấy lâu nay ta chỉ nhìn thấy và bàn luận bề ngoài sự việc. Thử hỏi ai dám chắc không có tiêu cực đằng sau?
Thật buồn cho ngành giáo dục chúng ta. Tất cả phản ánh chất lượng giáo dục chưa đồng bộ. Nếu chất lượng các trường như nhau thì đâu có cảnh đạp đổ cổng trường để mua bằng được hồ sơ vào một trường nào đó?
Đồng thời phụ huynh cũng cần suy nghĩ lại về quan niệm trường tốt, trường xấu của mình. Học ở đâu không quan trọng, quan trọng chính là ở ý thức học tập của con em mình. Chẳng phải rất nhiều thủ khoa đỗ vào các trường đại học danh tiếng lại là những sĩ tử rất nghèo đến từ những trường xa xôi không mấy ai biết đến đấy thôi. Đâu phải ai vào Trường PTCS Thực nghiệm cũng trở thành giáo sư Ngô Bảo Châu?
Xin mọi người hãy nhìn nhận sự việc thấu đáo để bớt gánh nặng cho ngành giáo dục. Hãy chung tay cùng ngành giáo dục để đào tạo ra những thế hệ tương lai biết đi lên từ chính đôi chân mình, từ chính những điều kiện vốn có mà không quá đòi hỏi cái gì cũng phải tốt nhất, hoàn mỹ nhất.
Đừng đòi hỏi quá nhiều khi mình không tự khắc phục. Chúng ta kêu gọi đầu tư hơn nữa cho giáo dục nhưng đâu phải Nhà nước không quan tâm. Nếu ai cũng có tâm lý chờ đợi mà bản thân không tự thay đổi trước thì có lẽ chúng ta mãi giậm chân tại chỗ mà thôi.
Đừng bao giờ quan niệm vào được trường tốt thì chắc chắn con học tốt. Nếu con bạn thật sự có tố chất thông minh thì dù ở trường nào cũng sẽ giỏi. Ngược lại nếu con bạn vào trường danh tiếng mà không theo kịp hoặc ham chơi, lười học thì dù thầy cô có giỏi cỡ nào, con bạn cũng sẽ không hơn được.
Môi trường học tập quan trọng nhưng quan trọng hơn cả vẫn là con người. Con người là yếu tố quyết định tất cả. Đừng gây sức ép cho con khi quan niệm cứ phải vào trường đó mới tốt, mà hãy dạy cho chúng biết rằng học trường nào không quan trọng, quan trọng là sự nỗ lực cố gắng học tập của các con!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận