10/05/2012 02:49 GMT+7

Phân luồng: có nghĩ dân khổ?

(HỒNG HẠNH)
(HỒNG HẠNH)

TT - 1.035 ý kiến. Đó là con số phản hồi khá lớn của bạn đọc về chuyện “Phân luồng gây kẹt xe” trên đường Trường Chinh (Q.Tân Bình, TP.HCM) mà Tuổi Trẻ thông tin liên tục trong những ngày qua.

g0VVVuab.jpgPhóng to
Chiều 9-5, làn xe máy vẫn kẹt xe trên đường Trường Chinh - Ảnh: THUẬN THẮNG

Hầu hết ý kiến đều bày tỏ sự bất bình với cách phân luồng không được tính toán hợp lý ngay từ đầu khiến người dân phải vất vả trong cảnh kẹt xe trầm trọng kéo dài nhiều ngày.

* Quá vất vả

Một tuần nay giờ giấc sinh hoạt của hàng nghìn người khu vực Hóc Môn, Tân Bình, Tân Phú bị đảo lộn chỉ vì phân luồng giao thông.

Đã đành việc lập lại trật tự an toàn giao thông là quan trọng. Nhưng quan trọng hơn hết chính là việc làm thế nào để những biện pháp đề xuất là hợp lý và hợp lòng dân.

Từ xưa Nguyễn Trãi đã viết: “Việc nhân nghĩa cốt ở an dân...”. Làm sao dân có thể “an” được với những giải pháp được đề xuất một cách vội vã và có phần tùy tiện, vừa làm vừa điều chỉnh như thế.

Có an dân được không khi ngày đầu phân luồng xe buýt chen với xe máy kẹt cứng, người dân ngửi khói bụi đầy mặt, đầy đầu trong cái nắng chiều chiếu vào mặt? Có an dân được không khi bao nhiêu bố mẹ muộn giờ đón con và bữa cơm chiều diễn ra lúc tối muộn trong nỗi bực dọc và phiền muộn vì chuyện kẹt xe vô lý?

Tôi không biết người đề xuất giải pháp phân luồng trên đường Trường Chinh có nghĩ đến nỗi khổ của người dân hay không? Chỉ có đoạn đường chưa đầy 2km mà nhích gần một giờ mới thoát khỏi, trong khi bình thường chỉ cần 10-15 phút là xong. Nhà tôi ở Hóc Môn, bình thường đi làm chỉ khoảng 45 phút, từ khi phân luồng tôi mất 90-120 phút mới đến được chỗ làm.

Tính bình quân mỗi ngày chỉ cần một giờ kẹt xe, nhân lên với hàng nghìn người là đã thấy thất thoát bao nhiêu giờ công lao động, tính thành tiền bạc là bao nhiêu. Thêm vào đó hàng nghìn người ngửi khói bụi, có bao nhiêu người mắc bệnh đường hô hấp, bị cảm sốt do nắng buổi sáng nóng bức hay nắng quái xiên khoai buổi chiều?

Không chỉ có dân khổ mà cả lực lượng cảnh sát cũng khổ không kém khi họ phải dãi nắng dầm mưa canh chừng xe máy không đi sai làn trong giờ cao điểm.

Khi đứng trân mình dưới cái nắng sớm gay gắt và ngửi khói xe, tôi tự nhủ không biết người đề ra biện pháp đó có thử đi xe máy vào dòng người đang chen chúc, hứng nắng ngửi bụi này không. Tôi tin chỉ cần họ chịu đựng cảnh đó trong vòng một giờ thì họ sẽ biết phải điều chỉnh như thế nào cho phù hợp.

* Nỗi ám ảnh

Ngày nào tôi cũng “đánh vật” trên đoạn đường này. Từ nhà ở Q.12 lên cơ quan ở Q.10 bình thường chỉ mất chừng 45 phút, bây giờ đi gần 90 phút, lên tới cơ quan mệt thở không ra hơi. Đã vậy một tuần gần đây thời tiết TP.HCM nắng nóng gay gắt, cả đoạn đường chỉ lèo tèo vài cây xanh làm đôi lúc đi qua đoạn đường này mà tôi muốn ngất xỉu. Mong cơ quan chức năng nghiên cứu giải tỏa sớm, vì đoạn đường này đã trở thành nỗi ám ảnh của những người tham gia giao thông như tôi.

* Bất hợp lý

Việc phân luồng quá bất hợp lý và không có tính toán khoa học. Làn đường xe máy chỉ bằng khoảng 1/3 tổng bề rộng mặt đường nhưng phải chịu áp lực lưu thông của quá nhiều xe máy, mật độ dày đặc. Trong khi làn ôtô chiếm tới 2/3 mặt đường lại rất trống trải, có thể nói đây là đoạn đường mà làn ôtô thông thoáng nhất tôi từng biết. Quá bất hợp lý khi đường trống ở làn ôtô mà người dân phải chịu cảnh kẹt xe khủng khiếp bên làn xe máy.

* Lại khó cho người đi xe buýt

Các công nhân đã bắt đầu phá cây xanh trên dải phân cách cứng để làm trạm xe buýt mới nhưng vẫn chưa hợp lý. Khi nhà chờ, trạm dừng xe buýt cũng được chuyển từ lề đường sang mép dải phân cách cứng sát với làn ôtô, người đi xe buýt sẽ khó vượt qua làn xe máy dày đặc để đến nhà chờ. Nguy hiểm hơn là vào ban đêm, nhiều người đi xe máy chạy rất ẩu có thể gây tai nạn cho những người đi đến trạm xe buýt.

(HỒNG HẠNH)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên