Phân luồng làm xe cộ kẹt cứngXem ảnh giao thông hỗn loạn vì phân luồng
Ngay sau khi ngành giao thông vận tải TP.HCM triển khai phân luồng xe trên đường Trường Chinh, tình trạng kẹt xe nghiêm trọng đã xảy ra, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Điều nghịch lý cười ra nước mắt là trong khi xe máy và xe buýt chen nhau từng tí ở làn bên này thì làn bên kia ôtô đi thong dong, trống trải.
Phóng to |
Nhiều người dân cho rằng Sở Giao thông vận tải thành phố cần linh động trong việc thực hiện phân luồng trên đường Trường Chinh. Thực tế con đường này có lượng xe máy đông đúc nhưng chỉ có một làn đường. Trong khi đó, ôtô thưa thớt nhưng có đến ba làn đường - Ảnh: Minh Mẫn |
Trước tình trạng đó, hàng trăm bạn đọc đã vào Tuổi Trẻ Online bày tỏ ý kiến bất bình và góp ý. Tuổi Trẻ Online tiếp tục mời bạn đọc theo dõi các ý kiến sau.
Giải pháp không mang tính lâu dài
Ngày nào tôi cũng đi ngang đoạn đường Trường Chinh. Từ ngày 3-5, tình trạng ùn tắc nghiêm trọng vào giờ cao điểm ở làn xe gắn máy. Tôi chia sẻ với Sở Giao thông vận tải thành phố trong việc không cho xe máy đi vào làn ôtô để giảm tai nạn. Tuy nhiên cách làm này sẽ không lâu dài được.
Con đường đau khổ Bây giờ tôi sợ con đường từ cầu Tham Lương đến Cộng Hòa đến mức không dám đi con đường "đau khổ" này nữa. Tôi buộc phải vòng qua quốc lộ, đi đường Quang Trung để đi làm (dù đi như vậy rất xa). Tôi mất hơn một tiếng để đi một đoạn đường mà thường ngày chỉ mất 15-20 phút. Thật mệt mỏi! |
Thứ hai, hiện nay cho xe buýt đi làn ôtô nên khách đi xe buýt hoặc phải đứng ngoài nắng mưa để chờ lên xuống xe buýt hoặc phải băng qua làn dày đặc xe gắn máy rất nguy hiểm. Việc này trực tiếp làm giảm lượng người đi xe buýt dẫn đến xe cá nhân càng đông hơn.
Như vậy, để giao thông thoáng hơn và giảm tai nạn đoạn này thì nên có bảng quy định vào giờ cao điểm (6g-8g, 15g-17g), cho phép xe máy đi vào một làn của ôtô (sát phía bên phải) và hạn chế tốc độ ôtô vào đoạn đó là 40km/g, xe buýt 30km/g. Điều kiện cần là phải có một CSGT trực ở đó giờ cao điểm.
Đã phân thì phân cho đều
Ngày nào tôi cũng đi làm qua đoạn đường Trường Chinh này. Tôi thấy nguyên nhân chính gây ùn tắc là do phân làn đường. Hàng ngàn xe máy chen chúc trên làn đường hẹp trong khi làn đường bên cạnh thông thoáng vì chỉ có vài ôtô chạy qua.
Thực tế trong giờ cao điểm, khi người dân đi xe máy được đi sang làn đường ôtô thì quãng đường từ Cộng Hòa đến An Sương chỉ mất 12-15 phút. Nhưng từ ngày phân luồng thì tôi mất 50-60 phút. Mất thời gian rồi cả tiền xăng... có phải là sự lãng phí quá lớn?
Tôi tha thiết mong nếu phân luồng thì phân cho đều, cho hợp lý.
Xử lý người nghĩ ra đề án?
Cần linh động Tôi có hỏi ý kiến của vài anh tài xế xe tải và họ cho rằng một số xe máy khi vào làn ôtô thì thường chạy quá ẩu, thậm chí cản trở tốc độ của xe bốn bánh. Tuy nhiên trong thời gian xe tải chưa được phép vào nội thành thì nên linh động cho xe máy lưu thông, vì vào lúc này lượng xe bốn bánh không đáng kể so với lượng xe hai bánh và việc lưu thông chung này chỉ xảy ra vào giờ cao điểm. |
Không chỉ ùn trên tuyến Trường Chinh mà còn lan sang các tuyến khác như Phạm Văn Bạch, Phạm Văn Chiêu, Tây Thạnh... Vì tuyến xe máy ùn ứ, xe máy từ các ngã rẽ sang không nhập làn được khiến xe tràn sang và chắn ngang tuyến ôtô, thế là kẹt luôn ôtô. Tôi đảm bảo nếu mỗi giao lộ hiện nay mà có dưới bốn người điều khiển giao thông thì không cách gì không kẹt.
Còn việc đổ lỗi cho tuyến này là điểm đen để dồn luồng xe máy như vậy thì thật là ấu trĩ. Các ông có nghiên cứu xem tai nạn xảy ra vào thời điểm nào trong ngày không mà làm như vậy? Tai nạn giao thông trên tuyến này chỉ diễn ra sau thời điểm 9g sáng và ngoài giờ cao điểm tối - do xe máy chạy vào làn ôtô và không dừng lại khi đèn đỏ. Trong giờ cao điểm, mặc dù xe máy đi vào làn ôtô nhưng chưa bao giờ xảy ra tai nạn nghiêm trọng - có chăng chỉ là va quẹt nhỏ - vì xe di chuyển rất chậm. Và điều nghịch lý nhất hiện nay là chỉ dồn luồng xe máy vào giờ cao điểm - trong khi đáng lý phải cho xe thông - đến hết giờ cao điểm thì không thấy bóng dáng CSGT tuần tra để phạt những người đi xe máy vào làn ôtô. Hiện nay, cứ sau giờ cao điểm thì các lực lượng rút, xe máy lại vô tư vào làn ôtô và như vậy hiệu quả phòng tránh tai nạn giao thông là ở chỗ nào? Chưa nói đến việc hiện nay xe buýt không thể vào đón khách được, mà khách muốn đi phải băng qua dòng xe gắn máy, thêm nguy hiểm cho người đi đường.
Trước đây CSGT vẫn "làm ngơ" cho xe máy đi vào giờ cao điểm thì không kẹt, thông toàn tuyến. Những điều ở trên, nếu các cơ quan biết phân tích thì thấy lợi ở chỗ nào? Không lẽ tuyến nào bây giờ cũng tách như thế, tôi đảm bảo sẽ kẹt toàn thành phố chứ chẳng riêng gì tuyến Trường Chinh. Tôi đề nghị cần nên xử lý cán bộ nào đã nghĩ ra đề án này và xử lý cả cán bộ nào duyệt phương án này mà không nghiên cứu kỹ. Kẹt xe không chỉ tốn nhân lực (lực lượng CSGT và TNXP có thể đứng rải ra cả quận), vừa tốn thời gian của dân (đi làm trễ, tăng thời gian di chuyển, hiệu quả công việc giảm) và tốn cả tiền (tiền xăng tăng) lại gây phiền hà dân... Thế thì liệu có nên xử lý những người đã nghĩ ra việc này?
Quá cứng nhắc
Trước đây tôi thường đi qua đường Trường Chinh để về Q.1, thấy tình hình giao thông ở đoạn đường này khá tốt. Nhưng từ sau đợt lễ 30-4, ngành chức năng đã cấm xe máy đi vào làn đường ôtô nên gây ra sự ùn ứ ở phần đường dành cho xe máy, trong khi đó làn đường ôtô thì trống trơn lèo tèo vài chiếc.
Sao lại làm ăn kiểu máy móc lập trình sẵn vậy, phân luồng giao thông thì phải biết điều động một cách thông minh và linh hoạt cho mỗi tình thế chứ?
* Bạn là người đã đi qua tuyến đường phân luồng này? Hãy gửi ý kiến của bạn về thực tế những gì diễn ra tại đó qua phần Ý kiến bạn đọc dưới đây hoặc qua email tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận