15/01/2012 06:08 GMT+7

Phác thảo "bảo tàng sống" trên đường Hoàng Sa, Trường Sa

PHÚC TIẾN
PHÚC TIẾN

TT - Rồi đây, hai con đường Hoàng Sa, Trường Sa chạy dọc kênh Nhiêu Lộc ngay trong nội thành TP.HCM sẽ trở thành một bảo tàng ngoài trời sống động về chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Đó là ý tưởng chúng tôi nêu lên trong bài viết “Để Hoàng Sa, Trường Sa sống mãi trên từng cây số“(Tuổi Trẻ ngày 26-12-2011). Cùng tiếp sức cho ý kiến trên, bạn đọc Nguyễn Minh Văn viết: “Tôi nghĩ dọc theo hai con đường này nên trồng cây bàng vuông và cây phong ba để tạo mảng xanh thay vì những loại cây khác để tôn thêm ý nghĩa của nó”.

Không dừng lại ở ý tưởng, ngay sau khi đọc bài viết, anh Huỳnh Việt Dũng - một họa sĩ thế hệ 6X và bạn Đồng Lâm Thanh Tùng - một kiến trúc sư trẻ thế hệ 9X, tự đi khảo sát tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa để phác thảo những bản vẽ đầu tiên cho bảo tàng mới mẻ này.

Wyh24Pky.jpgPhóng to
Đường Trường Sa (bên phải) và Hoàng Sa (bên trái) dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.HCM) - Ảnh: Thanh Đạm

Theo nhóm tác giả, không gian hai con đường Hoàng Sa vàTrường Sa đã có khá nhiều chất liệu để bố trí một “bảo tàng mở”, không phải xây dựng và chi tiêu tốn kém. Trước hết, rất may mắn, khởi đầu hai con đường đã có sẵn vỉa hè, tiểu cảnh và bồn hoa trên phần tiếp giáp với đường Lê Bình và đường Út Tịch (Q.Tân Bình), đủ kích thước làm nên một không gian tưởng niệm. Phía trước bồn hoa, chúng ta có thể đặt một bia đá hoặc bảng đồng ghi khắc bản đồ Việt Nam và các hải đảo.

Song song và đối xứng với bia kỷ niệm này là hai tượng đài mang hình dáng và nội dung của bia chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Hai bia chủ quyền sẽ là hai cột mốc uy nghi mở đầu hai con đường chạy dọc bờ kênh. Ở phần cuối hai con đường lại là một không gian tưởng niệm khác. Tại đây trên bãi cỏ tiểu cảnh hiện có thuộc đường Hoàng Sa, phần tiếp giáp cầu Thị Nghè (Q.Bình Thạnh), chúng ta nên xây dựng một đài tưởng niệm chiến sĩ và đồng bào đã hi sinh để bảo vệ biển đảo Tổ quốc. Bên đài tưởng niệm sẽ có bảng đồng vinh danh những người Việt Nam đã đổ máu cho Hoàng Sa, Trường Sa.

Ngoài không gian tưởng niệm, xuyên suốt trên hai con đường còn có nhiều không gian nhỏ rất phù hợp cho việc trưng bày hình ảnh và hiện vật để tái tạo ký ức lịch sử. Chẳng hạn, phần vỉa hè rộng rãi trước cao ốc Screc (góc Hoàng Sa - Trần Quang Diệu) là địa điểm lý tưởng cho một khu triển lãm hình ảnh trên các panô kim loại hay thủy tinh, vật liệu tổng hợp về Hoàng Sa, Trường Sa và các hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Đặc biệt, dọc hai con đường, mặc dù nhà cửa chen chúc nhưng vẫn có những khoảng không gian đáng kể để đặt vào những bức phù điêu liên hoàn phản ánh lịch sử khai phá và giữ gìn biển Đông của Việt Nam. Đó chính là những bức tường dài hàng chục mét của Xí nghiệp Đầu máy xe lửa trên đường Trường Sa.

Thêm nữa là dãy tường hơn 20m phía sau Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ trên đường Hoàng Sa. Hoặc ngay như dãy tường bao quanh mặt tiền Trường tiểu học Phạm Ngọc Thạch trên đường Hoàng Sa gần góc Đặng Văn Ngữ và kể cả mặt ngoài của ngôi trường này đều có thể trở thành không gian bích họa tuyệt vời cho các hình tượng liên quan Hoàng Sa, Trường Sa và hải quân Việt Nam.

Chính học sinh và thầy cô các ngôi trường này có thể học hỏi và đóng góp cho lịch sử nước nhà bằng những công trình mỹ thuật tại chỗ thiết thực như vậy, giống như cách người lớn và trẻ em đã làm cho con đường gốm sứ ven đê sông Hồng ở Hà Nội.

Không phải một mà nhiều góc trưng bày, nhà trưng bày hiện vật về Hoàng Sa, Trường Sa, cũng như nhiều góc tưởng niệm liên quan, tùy điều kiện phù hợp, đều có thể được lập ngay tại các trường học, nhà văn hóa phường, đền chùa, nhà thờ, cây đa, bến nước đang có mặt trên hai con đường. Việc làm này mang ý nghĩa tự nguyện, gắn với hoạt động đời thường vốn có đa dạng của người dân.

Những không gian tưởng niệm và tái tạo ký ức nói trên càng tăng thêm ý nghĩa khi 15 cây cầu trên tuyến đường được mang tên các hòn đảo hoặc các liệt sĩ tiêu biểu ở Hoàng Sa và Trường Sa!

Mặt khác, ngay từ bây giờ, sẽ hiệu quả hơn nữa nếu việc sơn phết các cây cầu và hàng rào dọc hai ven đường, cũng như việc trồng cây và xây dựng các tiểu cảnh, thực hiện theo phương châm: không chỉ đẹp mà còn phải liên quan đến lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa!

Rất mong không những các nhà sử học, các nhà thiết kế mà nhiều trí thức, người dân, bạn trẻ quan tâm xây dựng một bảo tàng sống động về Hoàng Sa, Trường Sa ngay giữa Sài Gòn và nhiều nơi khác trên cả nước sẽ góp thêm ý tưởng, công sức để mau chóng ra đời một bảo tàng thể hiện hùng hồn quyết tâm Việt Nam bảo vệ chủ quyền đất nước.

PHÚC TIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên