20/10/2011 06:16 GMT+7

Ít thấy bệnh nhân phản ảnh chuyện phong bì

LÊ THANH HÀ thực hiện
LÊ THANH HÀ thực hiện

TT - Đó là ý kiến của một số bệnh viện thuộc Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM khi nói về cuộc vận động đẩy mạnh thực hiện y đức, trong đó có nội dung “nói không với phong bì” của Công đoàn y tế VN.

vtIAnjxc.jpgPhóng to
Tranh minh họa internet

* BS Trần Thanh Mỹ (giám đốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM):

Chưa có phản ảnh về phong bì

“Giao tiếp phong bì” giữa bệnh nhân và thầy thuốc ở phía Nam đỡ hơn ngoài Bắc rất nhiều. Ở Hà Nội bác sĩ không làm phòng mạch, không làm thêm gì nhưng cuộc sống của họ vẫn rất tốt thì cũng phải đặt câu hỏi làm sao mà sống được tốt thế? Còn tại TP.HCM, rất nhiều bác sĩ nếu không tham gia khám dịch vụ ngoài giờ tại bệnh viện thì hết giờ làm việc là vội vã về nhà làm phòng mạch hoặc làm thêm ở các cơ sở y tế tư nhân. Vì thế họ có thu nhập ổn định, tương đối lớn và hầu như không quan tâm đến chuyện phong bì của bệnh nhân.

Ngoài ra, ở các bệnh viện đều mở dịch vụ khám trong ngày, mổ trong ngày với giá chênh lệch không nhiều so với khám và mổ bình thường nên nhiều bệnh nhân chọn khám và mổ dịch vụ cho nhanh. Do đó họ đâu cần phải đưa phong bì cho bác sĩ. Ở bệnh viện chúng tôi có thùng thư góp ý nhưng chưa bao giờ thấy có ý kiến nào của bệnh nhân phản ảnh về chuyện bác sĩ, điều dưỡng đòi hỏi phong bì.

* BS Lê Hoàng Minh (giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM):

Thi thoảng có phản ảnh về thái độ phục vụ

Ban giám đốc bệnh viện đã hưởng ứng và triển khai chương trình phát động này đến CBCNV. Bệnh viện không chấp nhận và nghiêm cấm thái độ phục vụ theo kiểu mặt khó đăm đăm, gây khó cho người bệnh, hỏi thì không trả lời nhưng khi người bệnh đưa phong bì thì mặt lại tươi roi rói.

Lâu lắm rồi bệnh viện không thấy có phản ảnh của bệnh nhân, thân nhân về chuyện phải có phong bì cho nhân viên y tế, nhưng thi thoảng vẫn còn phản ảnh về thái độ phục vụ kiểu khó chịu, gay gắt với người bệnh. Để giám sát việc thực hiện y đức, bệnh viện có đường dây nóng, thùng thư góp ý, hoặc người bệnh có thể phản ảnh trực tiếp đến trưởng khoa, lãnh đạo bệnh viện. Trường hợp có phản ảnh của bệnh nhân, nhẹ thì bệnh viện có biện pháp chế tài hành chính, nặng thì đưa ra họp kiểm điểm, xử lý kỷ luật.

* TS.BS Nguyễn Trường Sơn (giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy):

Còn lẻ tẻ vài trường hợp nhận phong bì

Theo tôi, hiện tượng phong bì cho thầy thuốc ở các bệnh viện phía Nam nói chung và Bệnh viện Chợ Rẫy nói riêng là có nhưng không phổ biến. Yếu tố khách quan là tình trạng quá tải làm người bệnh lo lắng nên họ nghĩ muốn được phục vụ tốt hơn thì phải tìm mọi cách tiếp cận với bác sĩ, trong đó có hình thức phong bì.

Vì quá tải nên cũng còn sự chưa công bằng trong quá trình theo dõi, điều trị cho người bệnh. Ví dụ có hai bệnh nhân bị bệnh như nhau cần phải mổ thì chắc chắn có người mổ trước có người mổ sau, tùy theo điều kiện thời gian, việc chẩn đoán trước mổ, nên người mổ sau có tâm lý cho rằng người được mổ trước có thể là do quen biết với bác sĩ hoặc đã có phong bì cho bác sĩ trước.

Việc nghiêm cấm nhận phong bì, bệnh viện đã thực hiện từ lâu chứ không phải khi có phát động của công đoàn ngành mới thực hiện. Tuy nhiên, thỉnh thoảng ban giám đốc bệnh viện có nhận được thư phản ảnh của bệnh nhân về việc nhận phong bì của nhân viên. Chuyện nhận phong bì không chỉ xảy ra ở bác sĩ mà ở cả điều dưỡng, hộ lý. Trong đó nơi bị phản ảnh thường là các khoa điều trị có phẫu thuật.

Quan điểm của ban giám đốc bệnh viện là không chấp nhận các hình thức tiếp nhận tiền bạc, phong bì, quà biếu giá trị của bệnh nhân trước và trong khi điều trị. Điều này được thể hiện trong nhiều thông báo nhắc nhở, họp giao ban nhắc nhở và khi có thư phản ảnh của người bệnh về chuyện phong bì đều có xử lý người nhận phong bì.

Bệnh viện cũng cấm tệ vòi vĩnh, yêu cầu bệnh nhân phải đưa tiền để nâng cao dịch vụ tốt hơn cho người bệnh mà không có sự kiểm soát của bệnh viện. Với những quà cáp, phong bì mà người bệnh tự nguyện đưa trước khi điều trị, phẫu thuật, bệnh viện cũng khuyến cáo CBCNV phải có hình thức giải thích rõ ràng cho người bệnh...

Trường hợp sau khi được chăm sóc điều trị, phẫu thuật chu đáo với lao động cực nhọc của bác sĩ mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người bệnh thì nếu cấm sẽ mang tính hành chính, mệnh lệnh và cũng rất khó kiểm soát. Bởi phong bì đó nếu xét cho cùng là cách cảm ơn theo văn hóa của người Việt.

LÊ THANH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên